Vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai: tài xế hay nhà xe chịu trách nhiệm?

19:21 - 02/10/2023

Liên quan đến vụ tài xế xe khách giường nằm của nhà xe Thành Bưởi gây tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Nai làm 5 người chết, dư luận đặt câu hỏi: Tài xế gây tai nạn hay nhà xe phải chịu trách nhiệm pháp lý?

Vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai: tài xế hay nhà xe chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Xe khách Thành Bưởi liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết. Ảnh: Cơ quan Công an

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Đồng Nai làm 5 người chết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tài xế gây ra vụ tai nạn là Hoàng Văn Tính (ngụ xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã điều khiển xe ô tô khách Thành Bưởi biển số 50F-004.83 lưu thông trên Quốc lộ 20 hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt.
Dư luận đặt câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, tài xế gây ra tai nạn hay chủ nhà xe phải chịu trách nhiệm pháp lý?

Tài xế gây tai nạn tại Đồng Nai có thể đối diện với mức án nào?

Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, khi điều khiển xe ô tô vượt bên trái xe tải 60C-345.13 (do tài xế Hoàng Đăng Tuấn điều khiển) lưu thông cùng chiều phía trước, tài xế Hoàng Văn Tính (sinh năm 1986, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã không đảm bảo an toàn dẫn đến đâm vào phía sau bên trái xe tải này.

Ngay sau đó, xe khách giường nằm lấn qua phần đường chiều ngược lại và đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ 86B-015.75 đang lưu thông, trên xe có 8 người. Vụ tai nạn đã khiến 5 người tử vong, 4 người bị thương.

Cũng theo khai nhận của tài xế, thời điểm lái xe gây ra tai nạn, Tính đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ.

Như vậy, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người lái xe khách này đã không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, chạy quá tốc độ cho phép dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và căn cứ vào khoản 3, điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người này có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt lên tới 15 năm tù.

Ngoài ra, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Khoản 3, điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" như sau:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Chủ nhà xe Thành Bưởi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai: tài xế hay nhà xe chịu trách nhiệm? - Ảnh 4.

Xe khách 16 chỗ biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn tại Đồng Nai. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Trước đó, ngày 1/10, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm gây ra tai nạn, tài xế Hoàng Văn Tính đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ.

Do đó, nhiều người cho rằng, chủ nhà xe Thành Bưởi cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này bởi đã giao phương tiện cho tài xế đang bị tước bằng lái.

Tại điểm h, khoản 8, điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau: Hành vi giao xe hoặc để xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông thì chủ xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ vào điều 4 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì trước khi người lái xe vận chuyển hành khách, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải kiểm tra các giấy phép cần thiết như: giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy vận tải, giấy chứng nhận đăng ký xe,...

Hơn nữa, hằng ngày, chủ xe hoặc người quản lý có nhiệm vụ phải tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của xe ô tô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và qua các biện pháp quản lý khác.

Vì vậy, trong vụ việc trên, việc tài xế Hoàng Văn Tính đang bị tước giấy phép lái xe là điều chủ nhà xe Thành Bưởi cần biết hoặc bắt buộc phải biết. Đồng thời, nhà xe phải bố trí tài xế khác điều khiển xe tiếp tục hành trình sau khi tài xế Tính đã bị tước bằng.

Căn cứ theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì với hành vi giao xe cho tài xế đang bị tước bằng lái thì chủ nhà xe có thể bị khởi tố về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Theo đó, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Làm chết 3 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vậy nên, sau khi mở rộng điều tra, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ chứng minh người đã điều động, phân công và giao phương tiện cho Hoàng Văn Tính điều khiển khi biết rõ người này đang bị tước giấy phép lái xe là chủ nhà xe Thành Bưởi thì chủ nhà xe có thể đối diện với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn tại Đồng Nai

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định pháp luật.

Vậy nên trong trường hợp trên, chủ sở hữu ô tô khách gây ra tai nạn nghiêm trọng phải liên đới cùng với tài xế bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân khi đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe để phục vụ lợi ích cho chính mình.

Ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhiều hành khách thì còn có thiệt hại về tài sản. Những cá nhân có lỗi trong việc gây ra tai nạn sẽ phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nạn nhân. Bởi vậy tài sản thiệt hại đến đâu thì sẽ bồi thường đến đó.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-tai-nan-giao-thong-tai-dong-nai-tai-xe-hay-nha-xe-chiu-trach-nhiem-17923100218392707.htm