Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Lạng Sơn: Tiếp tục khởi tố tài xế xe đầu kéo
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết, 10 người bị thương tại Lạng Sơn ngày 31/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt tạm giam đối với tài xế xe ô tô đầu kéo Nguyễn Văn Tuân về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết tại Lạng Sơn
Theo thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn, ngày 31/10/2023 tại Km 70+830, Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Rừng Cấm - Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết, 10 người bị thương.
Ngày 1/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự để điều tra làm rõ.
Kết quả điều tra xác định vụ tai nạn giao thông xảy ra do Quách Đình Trọng (sinh năm 1966, trú tại Quảng Ninh) điều khiển xe khách đi theo hướng Lạng Sơn - Hà Nội không chú ý quan sát, đi với tốc độ không đúng quy định đâm vào phần đuôi bên trái xe ô tô đầu kéo chở xi măng, do Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1985, trú tại Bắc Giang) điều khiển. Khi đó, xe đầu kéo bị hỏng máy, đang đỗ cùng chiều phía trước, không bật đèn cảnh báo nguy hiểm, không đặt biển cảnh báo nguy hiểm phía trước, phía sau xe ô tô.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, ngày 1/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Quách Đình Trọng về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự để điều tra làm rõ.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, ngày 16/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Tuân về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý các đối tượng liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên theo quy định.
Hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" bị xử phạt như thế nào?
Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định như sau:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 2 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.