Vụ bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội giải quyết thế nào khi nghi phạm duy nhất đã chết?
Trước thông tin đối tượng bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở Hà Nội đã tự tử, dư luận đặt câu hỏi: Vụ án sẽ được xử lý như thế nào và ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho gia đình nạn nhân?
Ngày 21/9, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, trục vớt một thi thể phụ nữ (nghi ngờ là nghi phạm trong vụ án trên) tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sau đó, lực lượng chức năng đã phối hợp cùng đại diện gia đình đối tượng Giáp Thị Huyền Trang, khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, làm rõ nguyên nhân tử vong; tổ chức giám định, nhận dạng xác định nhân thân. Kết quả giám định ADN xác định thi thể người phụ nữ trên là Giáp Thị Huyền Trang.
Vấn đề pháp lý khiến dư luận thắc mắc là: Bị can trong vụ án bắt cóc trên đã chết thì vụ án sẽ được giải quyết thế nào?
Trách nhiệm hình sự đối với bị can đã chết trong vụ án bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội
Theo quy định tại khoản 1, điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết (trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác) là một trong những căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự.
Vậy nên theo quy định tại khoản 1, điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì trong vụ án bắt cóc bé gái gần 2 tuổi nêu trên sẽ được cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Giáp Thị Huyền Trang. Bởi lẽ, bị can đã chết thì trách nhiệm về hình sự cũng chấm dứt.
Tuy nhiên, đối với vụ án đang được điều tra còn nhiều điểm chưa rõ hoặc nhận thấy vụ án có yếu tố đồng phạm thì cơ quan điều tra chỉ đình chỉ điều tra đối với bị can đã chết mà chưa đình chỉ điều tra vụ án để triển khai điều tra xem xét đối với đồng phạm.
Trái lại, trường hợp đã làm sáng tỏ được tất cả vấn đề và xác định được chỉ có một mình bị can đã chết thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Trách nhiệm bồi thường phụ thuộc vào di sản thừa kế
Mặt khác, việc bị can chết và đình chỉ điều tra đối với bị can không đồng nghĩa với việc chấm dứt về trách nhiệm bồi thường dân sự với gia đình người bị hại. Bởi nếu hành vi phạm tội của bị can đã chết gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật.
Vậy nên trong trường hợp này, việc bồi thường thiệt hại dân sự vẫn được đặt ra. Cụ thể, tuy bị can trong vụ án đã chết nhưng nếu người đó có tài sản thì gia đình người bị hại có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu những người thừa kế của người phạm tội thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản đó. Những người thừa kế của bị can đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp tài sản để lại của bị can đã chết nằm trong khối tài sản chung với người khác thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu. Phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của bị can đã chết đối với bị hại. Sau đó, nếu còn dư thì mới tiếp tục chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ (chồng), con.
Bồi thường trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác khi gia đình người bị hại có yêu cầu. Mức bồi thường thiệt hại sẽ được căn cứ theo quy định tại điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Ngược lại, trường hợp bị can đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của bị can không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.
Vụ bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 19/9/2023, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H. (sinh năm 1990; hộ khẩu thường trú tại Kinh Môn, Hải Dương; chỗ ở hiện nay: xã Đa Tốn, Gia Lâm) về việc con gái ruột là cháu N.H.T. (sinh năm 2021) đã bị Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996; hộ khẩu thường trú tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang, là người được gia đình thuê đón cháu) bắt cóc, đòi số tiền 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.
Quá trình rà soát, tìm kiếm, đến khoảng 12 giờ ngày 20/9/2023, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện tử thi cháu N.H.T. tại khu vực cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, xảy ra ngày 19/9/2023 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Đến 19 giờ 30 phút ngày 21/9/2023, Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện, trục vớt 1 thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và xác định là Giáp Thị Huyền Trang.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-bat-coc-be-2-tuoi-o-ha-noi-giai-quyet-the-nao-khi-nghi-pham-duy-nhat-da-chet-179230923192756398.htm