Vụ án Tân Hoàng Minh: 1.500 người được trả lại tiền, những người còn lại sẽ nhận bồi thường trước 30/9
Đến nay, 1.500 người đã nhận được tiền bồi thường từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội trong vụ án lừa đảo trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự kiến, muộn nhất là ngày 30/9, toàn bộ 6.600 bị hại với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng sẽ được hoàn trả đầy đủ.
Hơn 8.600 tỷ đồng bồi thường cho 6.630 bị hại
Hội đồng xét xử ghi nhận thái độ thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả của các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Đỗ Anh Dũng khi đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng.
Cùng với số tiền Tân Hoàng Minh bị cơ quan chức năng thu giữ ở giai đoạn điều tra, toàn bộ hơn 8.600 tỷ đồng, số tiền thiệt hại trong vụ án đã được khắc phục.
Toà án quyết định trả lại số tiền này cho 6.630 bị hại đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, đề nghị trả lãi của các bị hại không được chấp nhận.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết việc chi trả tiền cho các bị hại phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó nhiều phần việc kế toán phải làm thủ công. Việc này khiến quá trình chi trả bị chậm trễ, gây tâm lý bức xúc cho các bị hại.
Ông Phan Việt Bình, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội khẳng định đơn vị sẽ hoàn thành việc trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 bị hại trước ngày 30/9, có thể sớm hơn vào giữa tháng 9. Ông cũng mong các bị hại chia sẻ với áp lực của cơ quan thi hành án, đồng thời khẳng định ai đã có hồ sơ sẽ được nhận lại tiền.
Vụ án lừa đảo trái phiếu của Tân Hoàng Minh là vụ án đầu tiên các bị cáo khắc phục đầy đủ số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, hơn 8.600 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đánh giá đây là "điểm thuận lợi" vì cơ quan thi hành án không phải xử lý và thu hồi tài sản.
Tuy nhiên, áp lực từ tâm lý bức xúc của các bị hại là rất lớn khi họ chờ đợi quá lâu để nhận lại tiền bồi thường.
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về ra quyết định thi hành án như sau:
Ra quyết định thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Đối với quyết định quy định tại điểm đ khoản này thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
Đối với quyết định quy định tại điểm e khoản này thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
.....
Theo bản án, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn tài chính, ông Dũng chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Do không đủ điều kiện, cha con ông Dũng đã lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông để phát hành. Việt và thuộc cấp đã liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" nhằm đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Các bị cáo đã ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư để các nhà đầu tư tin rằng trái phiếu được sử dụng cho các dự án có thật.
Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh dùng để lấy người mua sau trả cho người mua trước. Do đó, số tiền các bị cáo chiếm đoạt được Viện kiểm sát xác định là hơn 8.600 tỷ đồng.