Việt Nam "thăng hạng" uy tín toàn cầu - cơ hội cho doanh nghiệp bứt tốc năng lực cạnh tranh
Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng”.
Cơ hội cho doanh nghiệp bứt tốc
Từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết số 19/NQ-CP, về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và vừa rồi là Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng”. Đơn cử như thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014), 90 (năm 2015), 82 (năm 2016), 68 (năm 2017) và 69 (năm 2018). Chỉ số tự do kinh tế (năm 2022 tăng 6 bậc, lên vị trí 84 từ vị trí 90 của năm 2021); Chỉ số phát triển du lịch (năm 2022 tăng 8 bậc so với 2019).
Bên cạnh đó, Moody's đã nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng Ổn định, phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng.
Trong khi đó, S&P và Fitch cũng nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên BB+.
Có được những kết quả ấn tượng này là bởi năng lực cạnh tranh và mức độ tín nhiệm quốc gia của nước ta trên một số lĩnh vực đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Trong bối cảnh mới, những biến động của nền kinh tế thế giới, các quốc gia và doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt nhằm đón đầu sự dịch chuyển các nguồn đầu tư nước ngoài, sự tham gia vào các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu cho thấy rõ hơn ý nghĩa của việc thúc đẩy chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Việt Nam ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và duy trì đà hồi phục kinh tế sau khi khống chế đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế quý III/2022 ước tính đạt 13,67% - mức tăng vô cùng ấn tượng trong bối cảnh “mây đen” phủ kín thế giới.
Trước bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức; cạnh tranh địa chính trị lẫn kinh tế giữa các quốc gia; trong khu vực châu Á, ASEAN cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mức độ quyết tâm thực hiện các cải cách thể chế, thay đổi phương thức quản lý theo hướng càng ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường và qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong những yếu tố sống còn.
Cải thiện lực lượng nòng cốt
Trong sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt. Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp cả nước bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19; trong đó, 94% là doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra (60% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, 53% doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân công, 52% doanh nghiệp bị mất cân đối dòng tiền và 52% doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng).
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phong, đa phương… việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là cạnh tranh từ bên ngoài diễn ra ngày càng gay gắt.
Để ứng phó với khó khăn, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của trên thị trường khu vực, quốc tế. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh để mở rộng và khai thác thị trường trong nước và quốc tế với những xu thế tiêu dùng mới sau đại dịch.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần có ý chí vươn lên mạnh mẽ, tự lực tự cường, đặc biệt hãy xoá bỏ tư duy và nếp làm ăn cũ, dựa dẫm vào các mối quan hệ thân hữu, ưu đãi đặc thù từ phía cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương.
Chính các mối quan hệ mập mờ, cách làm kinh doanh tranh tối tranh sáng, đã khiến sự phụ thuộc của các doanh nghiệp trong nước vào các hỗ trợ hoặc sự thiếu minh bạch, mập mờ, thậm chí nuôi dưỡng các hành vi hối lộ, tham nhũng, làm xấu đi môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung.
Vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại cũng nên được ưu tiên. Đặc biệt, doanh nghiệp cần dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấu trúc lao động nhằm thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.
Các doanh nghiệp Việt nam nên có liên kết với nhau tạo thành các nhóm doanh nghiệp theo ngành/hàng đặc thù, để cùng có những tiếng nói/áp lực mạnh mẽ nhằm cải cách các chính sách, thể chế của nhà nước theo hướng tạo thuận lợi hơn cho sự chuyển đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành/hàng của Việt Nam chiếm lĩnh các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nâng cao sức cạnh tranh để “góp mặt” vào chuỗi giá trị toàn cầu
Không thể phủ nhận, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, vẫn có những hạn chế về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt có xu hướng bị tụt hậu so với các quốc gia khác trong bối cảnh Việt nam chịu nhiều khó khăn từ dịch COVID-19.
Thứ nhất, một số quyết tâm cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng bị xao nhãng trong bối cảnh dịch bệnh và những biến động mới về kinh tế-xã hội trên thế giới. Nhiều văn bản mới ra còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí tăng thêm thủ tục và giấy phép con.
Mặc dù có nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tuy nhiên nhiều chỉ số vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí đang có xu hướng đi lùi.
Ví dụ như trong Báo cáo xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng thế giới (WB), các chỉ số như cấp phép xây dựng từ vị trí 22 đã giảm xuống vị trí 25 (giảm 3 bậc); chỉ số về đăng ký tài sản giảm sâu từ vị trí 33 xuống vị trí 64 (tụt 31 bậc); chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ vị trí 75 xuống 104, tụt tới 29 bậc.
Song song với đó, vấn đề minh bạch, công khai thông tin còn hạn chế, hiệu quả của hệ thống thực thi pháp luật còn rất yếu và niềm tin vào hệ thống tư pháp thấp, từ đó ảnh hưởng quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng theo cơ chế thị trường của các thành phần kinh tế.
Điều đó phản ánh trong các chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng từ vị trí 47 tụt xuống vị trí 68 (tụt 21 bậc); chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp từ vị trí 104 xuống vị trí 122 (tụt 18 bậc).
Quá trình thanh tra, kiểm tra còn chồng tréo gây phiền hà, công nghệ và dịch vụ công trực tuyến còn chưa thực sự hoàn thiện, nhiều chỗ, nhiều nơi còn mang tính phong trào.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực là một điểm đánh giá tất yếu trong các yếu tố cấu thành trong các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là chất lượng lao động lành nghề, đào tạo kỹ năng và sinh viên ra trường. Vấn đề này khiến năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp trong khu vực.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự có những bước chuyển biến theo kịp các nhu cầu mới của tái cấu trúc nền kinh tế hậu COVID-19. Chúng ta có nói rất nhiều việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đến nền kinh tế số, kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn, nhưng đâu đó vẫn chỉ dừng lại ở hô khẩu hiệu, mang tính phong trào.
Quá trình chuyển đổi chưa thực sự đi từ chính sách đến thực tiễn triển khai các nền tảng cho hạ tầng kinh tế số, kinh tế xanh, hay tập trung hỗ trợ một cách thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ năng lực để tự thay đổi năng lực kinh doanh cho phù hợp với xu thế kinh tế mới.
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang suy thoái và bất ổn do nhiều nguyên nhân, việc duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam tiếp tục “góp mặt” vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, kích thích thành lập doanh nghiệp mới, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Ngoài ra, năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là nâng cao năng suất lao động.