Việt Nam phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc

PV
17:06 - 02/08/2022

Báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức đăng tải bài báo đánh giá về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong 2 năm đại dịch COVID-19.

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ

Ngày 2/8, nhà báo Gerhard Feldbauer đã có bài viết trên báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức với tiêu đề "Phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc", đánh giá tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong 2 năm đại dịch COVID-19, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang tăng mạnh.

Bài báo cho biết trong khi kinh tế các nước phương Tây đang có dấu hiệu suy thoái thì nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt đẹp. Bài báo dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố tuần trước cho biết có tới 85% số doanh nghiệp được hỏi bày tỏ lạc quan vào quý III/2022, chỉ có 15% thể hiện bi quan trong những tháng tới. Đặc biệt, trong số 6.500 công ty trong lĩnh vực sản xuất và 6.800 công ty xây dựng tham gia khảo sát, có khoảng 20% số công ty cho biết sẽ tăng số nhân viên trong quý hiện nay và chỉ có 9,3% số công ty có ý kiến ngược lại.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng trong khi sản lượng thép giảm ở Trung Quốc đã khiến giá thép trong nước tăng mạnh. Giá xăng tăng cao (vốn khiến giá các vật liệu khác tăng theo) càng khiến tình hình "nóng" hơn và đẩy giá xây dựng lên cao. Tuy nhiên, nhiều biện pháp quyết liệt đã được áp dụng nhằm ổn định giá vật liệu, thúc đẩy các dự án xây dựng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Báo Đức: Việt Nam phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc - Ảnh 1.

Báo Thế giới trẻ (Junge Welt) đăng bài viết đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình

Bài báo nhận định Việt Nam dường như đã vượt qua một cách tốt đẹp những khó khăn của nền kinh tế thế giới do xung đột ở Ukraine gây ra. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021, tăng mạnh từ mức 5,05% của quý I/2022. Kết quả khả quan này chủ yếu nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ngân hàng HSBC, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng mạnh nhất khu vực do là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn đạt tăng trưởng 2 năm liên tiếp kể từ đầu đại dịch COVID-19. Báo cáo toàn cầu của HSBC nêu rõ nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 trên nền tảng mạnh mẽ. Việt Nam thực hiện chính sách "sống chung với COVID", đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng như từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong nước. Điều này đã thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng, góp phần vào phục hồi bền vững tiêu dùng trong nước. Việc có trên 600.000 lượt du khách nước ngoài tới Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 là dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi kinh tế đất nước.

Cũng theo HSBC, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam cũng đang tăng lên, chẳng hạn tập đoàn Samsung mới đây đã khởi công xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD, đồng thời có kế hoạch mở rộng các nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Apple cũng đã chuyển 11 nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam.

Chuyên gia Singapore cũng khẳng định kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi

Trước đó, vào ngày 12/7/2022, tờ The Business Times (Singapore) dẫn ý kiến các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trở lại lộ trình phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.

 Ông John Palu Lech, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Matthews Asia, đánh giá Việt Nam là “ngôi sao” của thị trường cận biên. Dù các thị trường cận biên nhìn chung nhỏ hơn, kém thanh khoản hơn và ít có khả năng tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam đã bắt kịp xu hướng. Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng gần 9%, lên 10,1 tỉ USD.

Trong khi đó, nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc ngân hàng DBS lớn nhất Singapore dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay, đáp ứng mục tiêu đề ra. Theo ông, lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn được coi là bệnh đặc hữu. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang gia tăng.

Cũng theo ông Chua Han Teng, Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và thị phần của Việt Nam có thể sẽ phát triển hơn nữa.

Ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Dự báo này giả định rằng không có sự gián đoạn nghiêm trọng nào nữa do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nhìn chung, sự lạc quan được củng cố bởi tăng trưởng GDP thực trong quý II/2022 của Việt Nam cao hơn dự kiến, với mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong 11 năm và vượt xa ước tính trước đó là 5,9%. Sự phục hồi mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất vốn đã tăng tốc trong quý thứ 4 liên tiếp và sự phục hồi của sản lượng dịch vụ đã tiếp tục lấy lại được vị thế kể từ đợt giảm cuối cùng vào quý III/2021.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Yun Liu đánh giá, dù đạt đà tăng trưởng khả quan, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần lưu ý những rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng, đặc biệt là từ giá năng lượng tăng cao.

7 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỉ USD).

Bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,54 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện ước tính đạt 11,57 tỉ USD, tăng 10,2%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.


Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-phat-trien-kinh-te-tren-nen-tang-vung-chac-179220802163120584.htm