Việt Nam có ưu thế tự nhiên vượt trội để phát triển điện gió

PV
13:36 - 07/01/2023

Theo bài viết từ Nikkei Asia ngày 6/1, các công ty Nhật Bản và châu Âu đang có những động thái lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Việt Nam có nhiều ưu thế tự nhiên vượt trội để phát triển điện gió - Ảnh 1.

Điện gió tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Ảnh: Dangcongsan.vn

Điện gió - điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài

Tháng 9/2022, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã công bố triển khai dự án phát điện gió ngoài khơi Việt Nam. Sumitomo đã tiến hành khảo sát để nghiên cứu các tuyến đường đặt cáp 3 tháng sau đó.

TSumitomo dự định sẽ đưa vào vận hành nhà máy điện gió ở đây với công suất từ 500 MW đến 1 GW vào năm 2030. Tập đoàn còn đặt mục tiêu phát triển các dự án tiếp theo, bao gồm cả ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Sumitomo có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi ở châu Âu, bao gồm cả ở Bỉ và Vương quốc Anh. Sản lượng của các nhà máy ở châu Âu, dựa trên tỷ lệ đầu tư, là khoảng 310 MW. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên khoảng 600 MW khi tính thêm các dự án sắp tới. Hiện nay, Sumitomo đang xem xét hợp tác với các công ty Việt Nam để thúc đẩy các dự án ở quốc gia này.

Tuy nhiên, Sumitomo không phải là công ty Nhật Bản duy nhất hoạt động trong thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Vào tháng Tư năm ngoái, Renova đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xây dựng một nhà máy điện gió có công suất 2 GW trong tương lai. Bên cạnh đó, Renova cũng đang xem xét phát triển một nhà máy điện gió nổi ở ngoài khơi, với các tua bin nổi trên mặt biển, tại quốc gia này.

Mặc dù đang tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia khác như Hàn Quốc và Philippines, nhưng Renova lại có số lượng nhân sự lớn nhất tại Việt Nam.

Theo ông Kei Saiki, đồng Trưởng phòng Kinh doanh Toàn cầu của Renova, công ty này coi Việt Nam là "một trong những quốc gia quan trọng nhất" để phát triển năng lượng tái tạo.

Trong số các công ty châu Âu, công ty điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Orsted của Đan Mạch đang đi đầu ở thị trường Việt Nam. Orsted bắt đầu xem xét thực hiện một dự án ở Việt Nam vào năm 2020 khi ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn T&T của Việt Nam một năm sau đó để phát triển một nhà máy điện gió.

Tập đoàn T&T đã và đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, với các nhà máy điện Mặt Trời và điện gió trên bờ có công suất 1 GW. Orsted sẽ kết hợp những hiểu biết về năng lượng tái tạo của Tập đoàn T&T để phát triển hơn nữa các dự án của mình.

Orsted đã bắt đầu các sáng kiến như tổ chức các hội thảo nhằm tập hợp các nhà sản xuất linh kiện và các nhà cung cấp khác ở Việt Nam. Orsted dự định sẽ cùng với Tập đoàn T&T đưa vào vận hành một nhà máy điện có tổng công suất 2 GW vào năm 2030.

Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển năng lượng gió

Lý giải nguyên nhân khiến lĩnh vực điện gió Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, Nikkei Asia cho biết gió mạnh ở ngoài khơi phía Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để phát triển năng lượng gió.

Việt Nam có nhiều ưu thế tự nhiên vượt trội để phát triển điện gió - Ảnh 2.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, cam kết không phát thải carbon ròng vào giữa thế kỷ này đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.

Cụ thể, theo một bản đồ do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và một số tổ chức khác công bố, tốc độ gió ở một số khu vực ngoài khơi phía Nam Việt Nam có thể vượt ngưỡng 10 m/giây, cao hơn nhiều so với con số 8 m/giây - tốc độ gió khả thi để phát triển một nhà máy điện gió.

Ở khu vực Đông Nam Á, sức gió ở ngoài khơi Việt Nam và Philippines khá mạnh, trong khi sức gió ở quanh Malaysia và Indonesia nhìn chung yếu hơn. Vì vậy, chuyên gia Sebastian Hald Buhl của Orsted cho rằng Việt Nam được coi là "một trong những nơi tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi".

Mặt khác, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút ngày càng nhiều các nhà sản xuất nước ngoài. Điều quan trọng cơ sở hạ tầng phát điện ở Việt Nam lại không theo kịp sự phát triển, có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai gần.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) ở Glasgow vào năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng để thay thế cho than đá, vốn chiếm khoảng 50% sản lượng điện ở quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, theo Nikkei Asia, điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát điện của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, điện gió mới chiếm khoảng 5% công suất phát điện của Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên khoảng 30% vào năm 2050.

Ngày 21/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết gói tài trợ trị giá 107 triệu đô la Mỹ (USD) với Công ty cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy điện gió này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu bằng cách bù trừ khoảng 215.000 tấn carbondioxit/năm.

Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức, gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; 18 triệu USD từ Ngân hàng ING và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United…

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-co-uu-the-tu-nhien-vuot-troi-de-phat-trien-dien-gio-179230107125201538.htm