Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển giáo dục đại học để trở thành nền kinh tế tri thức
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, giáo dục sau phổ thông là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ World Bank lĩnh vực này tại Việt Nam lại chưa đạt được những kết quả đáng có.
Ngày 8/8, tại Hà Nội, World Bank tổ chức công bố báo cáo điểm lại với tựa đề “Giáo dục để tăng trưởng”. Báo cáo được công bố nhằm mục đích phân tích những diễn biến mới nhất của nền kinh tế Việt Nam, đưa ra những dự báo về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của nền kinh tế cũng như nhận định rủi ro nội tại và bên ngoài liên quan đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Theo đó, chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Để hoàn thành khát vọng đó, Việt Nam cần hỗ trợ phát triển mạnh mẽ vốn nhân lực. Và để trở thành nền kinh tế tri thức, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục sau phổ thông.
Theo báo cáo điểm lại Giáo dục để tăng trưởng của World Bank, Việt Nam đạt kết quả tốt về cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân. Số năm học ở trường bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ hai sau Singapore trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chỉ số vốn con người của Việt Nam là 0,69 so với mức tối đa bằng 1, thuộc dạng cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên giáo dục sau phổ thông, bao gồm giáo dục đại học và dạy nghề lại chưa được đạt được những kết quả đáng có, theo bà Caronlyn Turk, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.
Về chất lượng sinh viên sau đào tạo, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Còn về số lượng, chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân, hoặc tương đương vào năm 2019.
Đưa ra nguyên nhân lý giải tại sao hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp của World Bank tại Việt Nam, ông Micheal Drabble cho rằng nguyên nhân nằm ở yếu tố cung và cầu.
Trong đó, yếu tố cầu liên quan đến chi phí cơ hội cao và chi phí tài chính để theo học giáo dục đại học gia tăng, cũng như lợi ích kinh tế của giáo dục giảm dần. Cụ thể, nhiều gia đình và nhiều học sinh có ý định theo học sau phổ thông nhưng phải đối mặt với chi phí cơ hội cao nếu muốn theo đuổi tấm bằng của chương trình giáo dục sau phổ thông. Học sinh sinh viên cũng có thể vướng phải rào cản để theo học đại học do chi phí tài chính gia tăng và tỉ lệ chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu ngày càng lớn.
Thêm vào đó, lợi suất sinh lời của giáo dục sau phổ thông giảm, khiến các lao động trẻ mất động lực học đại học, hoặc phát triển các kỹ năng chuyên môn.
Bên cạnh đó, hiện có rất ít học bổng và vốn vay được cung cấp cho sinh viên.
Còn về yếu tố cung liên quan đến chênh lệch về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu của thị trường, đầu tư công thấp, cơ cấu thể chế giáo dục đại học còn yếu và manh mún, dẫn đến đầu ra có số lượng và chất lượng thấp. Hệ thống giáo dục sau phổ thông chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu kỹ năng trên thị trường lao động.
Mặc dù khu vực Nhà nước cung cấp khoảng 80% chương trình giáo dục sau phổ thông, nhưng lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam chưa được đảm bảo đủ kinh phí từ phía Nhà nước.
Thiếu vốn gây cản trở quá trình mở rộng và cải thiện chất lượng giáo dục sau phổ thông cũng như phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Cho dù đã có một vài cải thiện về năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, nhưng tình trạng thiếu vốn của Chính phủ dành cho nghiên cứu và phát triển trong các trường đại học đang cản trở những tiến triển có thể đạt được.
Ngoài ra, theo báo cáo của World Bank, về tổng thể, cải thiện về chất lượng và mức độ phù hợp trong dạy và học ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn diễn ra chậm chạp.
Trước những vấn đề trên, World Bank kiến nghị nhóm 4 nội dung chuyển đổi quan trọng, qua đó đổi mới có thể đem lại kết quả đáng kể trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đó là cải thiện khả năng tiếp cận và công bằng; nâng cao tính phù hợp, hài hòa các chương trình đào tạo với nhu cầu kỹ năng); tăng cường đảm bảo tài chính bền vững. và cải thiện về quản trị trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Chia sẻ về công tác phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: "Con đường phát triển của các trường đại học ở Việt Nam là một con đường dài, khó khăn nhưng rất cần thiết. Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng giáo dục đại học Việt Nam có thể cất cánh nếu như chúng ta quan tâm phát triển, đầu tư từ bây giờ".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-can-day-manh-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-de-tro-thanh-nen-kinh-te-tri-thuc-179220808171647406.htm