Vì sao Thanh Hóa lại trở thành địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất nước?
Báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức cho biết tỉnh này đang có hơn 40.300 biên chế giáo viên ở tất cả các cấp học, thiếu 10.256 giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt thiếu giáo viên một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, thiếu 690 giáo viên Tin học, 280 giáo viên Mỹ thuật và 350 giáo viên Tiếng Anh, 12 giáo viên Âm nhạc.
Vì sao có thực trạng này? Với nguồn nhân lực sẵn, dồi dào, liệu cách tuyển dụng giáo viên trong nhiều năm qua ở địa phương này có điều gì bất ổn hay không?
Nhiều sinh viên sư phạm ở Thanh Hóa ra trường không tìm được việc làm tại chỗ
Từ lâu, Thanh Hóa được biết đến là một vùng đất hiếu học. Chính cái nghèo, cái khó của quê hương của hàng chục năm về trước đã thôi thúc các thế hệ học trò nơi đây lớn lên luôn ý thức được việc học hành của mình. Trong vô vàn những ngành nghề lựa chọn cho tương lai, đã có những thời điểm ngành sư phạm được con em xứ Thanh lựa chọn nhiều nhất.
Đặc biệt là giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2004. Đây là giai đoạn đầu mà nhà nước ta chủ trương bỏ học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Lúc bấy giờ, rất nhiều học sinh giỏi của địa phương thi vào sư phạm. Lúc ấy, điểm đến không chỉ là trường đại học Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế mà ngay trường đại học Hồng Đức (thành lập năm 1997) của địa phương đã thu hút được một lượng lớn học sinh giỏi.
Có những năm, nhiều học sinh lớp 12 thi đại học đạt 22 điểm vẫn trượt đại học sư phạm Hồng Đức, 19 điểm vẫn trượt cao đẳng sư phạm... Chính vì thế mà sau gần chục năm, khi mà nhiều học sinh học sư phạm nên dẫn đến khủng hoảng thừa nhân lực. Nhân lực học ngành sư phạm của địa phương những năm 2005-2010 nhiều vô kể. Nhiều đến nỗi mà địa phương từ chỗ thiếu giáo viên (từ năm 2004 trở về trước) đến khủng hoàng thừa.
Từ đây, bắt đầu dẫn đến tiêu cực trong tuyển dụng và những tay "cò" xin việc bắt đầu ăn nên làm ra. Nhiều người không xin được việc hoặc không muốn mất tiền thì phải tìm đến các địa phương khác. Vì thế mà bây giờ các tỉnh ở phía Nam, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì giáo viên người Thanh Hóa đang chiếm một số lượng rất lớn.
Ngay cả khu vực Tây Nam Bộ ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu - những tỉnh tận cùng của đất nước cũng có rất nhiều giáo viên người Thanh Hóa. Còn tại địa phương thì chỉ 1 huyện nhỏ như Yên Định năm 2016 đã sa thải một lúc 647 giáo viên, nhân viên để biết nhân lực sư phạm của địa phương "dồi dào" đến nhường nào.
Đó là chưa kể trong các khu công nghiệp đang có không ít giáo sinh sư phạm phải "giấu bằng sư phạm" để đi làm công nhân.
Trước thực trạng các địa phương thừa hàng loạt giáo viên dẫn đến việc thanh lý hợp đồng giữa chừng khiến hàng ngàn giáo viên mất việc, bơ vơ. Tình trạng giáo viên bị cắt hợp đồng, không được tuyển dụng minh bạch đã tạo cho xã hội sự nghi ngại cho học sinh lớp 12 thi vào sư phạm.
3 nguyên nhân cơ bản khiến Thanh Hóa thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước
Những sinh viên sư phạm mới ra trường tại Thanh Hoá liệu có được tuyển dụng công bằng hay không?
Những sinh viên sư phạm ra trường từ nhiều năm trước đây không xin được việc mà ở lại quê hương thì giờ họ đã chuyển sang công việc khác, quen với công việc mới.
Từ năm 2018, Thanh Hóa đã trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện đào tạo sư phạm theo địa chỉ, gắn với sử dụng lao động khi "đặt hàng" chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cho Đại học Hồng Đức nhưng nhân lực cho ngành giáo dục ở Thanh Hóa vẫn thiếu - theo báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức.
Việc thiếu giáo viên của Thanh Hóa có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên 3 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất: địa bàn Thanh Hóa quá rộng và đi lại khó khăn vì tỉnh có nhiều huyện miền núi. Hiện nay cả tỉnh có 27 huyện (thị, thành) và là tỉnh có đơn vị hành chính cấp huyện nhiều nhất cả nước. Nhiều giáo viên khi mới ra trường họ xin lên miền núi công tác. Khi ổn định công việc họ sẽ tìm cách về xuôi để gần gia đình nên chỗ thiếu mãi thiếu, chỗ thừa vẫn thừa.
Thứ hai: việc tuyển dụng cho ngành giáo dục ở Thanh Hóa những năm gần đây đã có cải thiện khi thông báo kế hoạch, chỉ tiêu trên website của Sở nhưng đâu đó vẫn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, chưa tạo được niềm tin thực sự cho những người ứng tuyển.
Thứ ba: số lượng học sinh lớp 12 những năm gần đây không thiết tha với nghề sư phạm vì các em nhìn vào những cô, chú, cậu, dì của mình để định hướng nghề nghiệp. Hơn nữa, những năm gần đây Thanh Hóa là một trong những tỉnh phát triển khá nhanh nên nhu cầu việc làm của các ngành nghề khác đa dạng, không khó khăn như trước. Trong khi, ngành sư phạm lại có quá nhiều áp lực, thu nhập chưa tương xứng với công sức học tập, làm việc - nhất là giáo viên mới vào nghề.
Thời nay, sinh viên sư phạm không thể tâm huyết với nghề nghiệp, học hành vất vả khi ra trường đi làm lại phải vất vả nhờ cậy mối quan hệ và mất chi phí mới có việc làm. Thậm chí, có người phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để xin việc rồi mỗi tháng nhận 3-4 triệu tiền lương.
Muốn cải thiện môi trường giáo dục ở Thanh Hóa, có lẽ lãnh đạo ngành giáo dục nơi đây cần thay đổi nhiều thứ, trong đó cái cần nhất là phải minh bạch khâu tuyển dụng giáo viên.
Câu chuyện của một giáo viên người Thanh Hóa xa quê
Nhiều năm xa quê, mỗi lần thấy lãnh đạo ngành giáo dục của Thanh Hóa nói thiếu giáo viên lên đến con số hàng ngàn người, bản thân tôi luôn có những cảm xúc khá đặc biệt. Là người sinh ra, lớn lên tại Thanh Hóa rồi học sư phạm, ra trường vào năm 2005 và cũng tha thiết muốn về quê dạy học, cống hiến cho quê hương nhưng rồi cũng đành phải dứt áo ra đi đến một miền quê khác để tìm kiếm việc làm.
Lúc đó "đường đi" của nhiều sinh viên sư phạm là ra trường - đi dạy hợp đồng một thời gian rồi tìm mối quan hệ để được ký hợp đồng không xác định thời hạn và tôi cũng lựa chọn cách đi này. Bởi vì thời học cấp III, tôi có mối quan hệ rất đặc biệt với thầy hiệu trưởng vì đó là những năm trường mới mở, cả trường chỉ có vài lớp mà tôi lại là lớp trưởng nên thầy rất quý mến và đã từng nói rằng em lo học đi, ra trường về thầy nhận.
Và thầy hiệu trưởng đã nhận thật. Ngày tôi ra trường, tôi vào dạy hợp đồng tại trường cấp III - nơi tôi đã từng học, biếu hiệu trưởng tiền và để rồi được bố trí dạy 6 tiết/ tuần với số tiền 10.000 đồng/ tiết. Mỗi tháng, nếu không có ngày lễ, tết tôi được trả 240.000 đồng. Nhưng đổi lại, thầy hiệu trưởng hứa dạy hợp đồng một thời gian rồi thầy lo cho hợp đồng không xác định thời hạn.
Nhưng, thầy không chỉ nhận tiền của tôi mà còn nhận của nhiều người khác và cũng hứa với nhiều người khác, và rồi chỉ có một nữ giáo viên được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Cũng thời gian đó, nhà trường cắt hợp đồng với 5 giáo viên cùng môn với tôi (cùng là hợp đồng dạy theo tiết).
Năm 2007, qua các mối quan hệ, tôi được giới thiệu với một chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo của một huyện miền núi để xin dạy tại một trường trung học cơ sở. Lúc đó, họ ra giá 45 triệu đồng (lương cơ sở lúc đó là 540.000 đồng) nhưng vì muốn ở lại quê hương nên tôi quyết tâm và đưa tiền. Sau hơn 2 tháng, họ nói mấy bạn khác còn "quyết tâm" hơn tôi nên họ được tuyển, còn tôi thì ngậm ngùi thêm một lần nữa. Sau 2 năm cố gắng tìm cơ hội việc làm tại quê nhà, tôi đành dứt áo ra đi. Nếu từng là những người học sư phạm ở Thanh Hóa sẽ hiểu rõ câu chuyện của tôi hơn ai hết.
Năm 2005, xã chúng tôi có gần chục sinh viên sư phạm của nhiều chuyên ngành ra trường và người nào cũng mong muốn về quê dạy học nhưng cuối cùng chỉ 1 người ở lại quê hương và làm văn thư cho xã. Còn lại, đều phải đi tìm cơ hội việc làm ở các địa phương khác. Nhiều người trong chúng tôi nuối tiếc vì đã lỡ về quê hương dạy hợp đồng vừa tốn kém tiền bạc, thời gian nhưng chẳng được ích lợi gì rồi cuối cùng lại cũng phải xa quê.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-thanh-hoa-lai-tro-thanh-dia-phuong-thieu-nhieu-giao-vien-nhat-nuoc-179230713162235592.htm