Vì sao Nga cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng tới?
Thủ tướng Liên bang Nga, ông Mikhail Mishustin ngày 26/2 đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.
Nga cấm xuất khẩu xăng dầu nhằm bình ổn thị trường trong nước
Lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu của Nga tạm thời không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.
Theo truyền thông Nga, quyết định này được đưa ra nhằm tăng hạn mức bán dầu diesel trên sàn giao dịch lên 16%. Được biết, Phó Thủ tướng Alexander Novak đã đề nghị Thủ tướng Mishustin tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu.
Ông Alexander Novak lưu ý rằng mùa nhu cầu nhiên liệu sẽ sớm tăng cao trên thị trường nội địa trong giai đoạn canh tác mùa xuân, các nhà máy lọc dầu có kế hoạch sửa chữa theo lịch trình, cũng như kỳ nghỉ hè.
"Để giải quyết nhu cầu cao điểm đối với các sản phẩm xăng dầu, cần thực hiện các biện pháp giúp ổn định giá trên thị trường sản phẩm xăng dầu trong nước", ông Novak giải thích.
Trước đó, ngày 21/9, Chính phủ Nga đã tạm cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel do giá bán buôn các mặt hàng này tăng mạnh. Bộ Năng lượng Nga cho biết, từ ngày 17/11/2023, Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh tạm cấm do thị trường nội địa đã thặng dư nhiên liệu.
Giá xăng dầu thế giới tăng hơn 1% do kế hoạch đại tu của Mỹ và gián đoạn vận chuyển
Giá dầu thô đã tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/2) nhờ nhu cầu dầu diesel của châu Âu. Giá lên cao hơn trong bối cảnh thị trường lo ngại sản lượng lọc dầu của Mỹ bị hạn chế bởi kế hoạch đại tu.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 91 US cent, tương đương 1,11%, lên 82,53 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,09 USD, tương đương 1,43%, lên 77,58 USD.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/2, giá dầu tiếp đà tăng nhẹ.Tại thời điểm 7h32 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent gần như đi ngang ở 81,73 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,1% lên 77,66 USD/thùng.
Theo Reuters, sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu của Mỹ và sự gián đoạn thương mại toàn cầu đã thắt chặt nguồn cung dầu diesel trong những tuần gần đây, làm giảm hoạt động xuất khẩu dầu diesel cao kỷ lục của Mỹ sang châu Âu trong tháng này.
Giá dầu diesel của Mỹ đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng lên 48 USD/thùng trong tháng này, làm hạn chế cơ hội kinh doanh chênh lệch giá để vận chuyển nhiên liệu sang châu Âu.
Ngoài ra, căng thẳng trên Biển Đỏ có thể khiến việc vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn, trở thành nỗi ám ảnh của thị trường.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-nga-cam-xuat-khau-xang-dau-trong-6-thang-toi-179240227142347321.htm