Vì sao hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản dùng bột dế chế biến món ăn cho hành khách?
Hãng hàng không giá rẻ Zipair của Nhật Bản lần đầu tiên phục vụ các món ăn làm từ bột dế cho hành khách nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Dùng bột dế để chế biến món ăn cho hành khách
Những món ăn chế biến cùng bột dế đang được phục vụ lần đầu tiên trên các chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Zipair của Nhật Bản.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam: Nhà cung cấp thực phẩm cho hãng hàng không giá rẻ Zipair đang phục vụ món burger kèm khoai tây chiên và mỳ pasta. Nguyên liệu làm 2 món này đều được trộn với bột dế và có giá 11,3 USD.
Hãng hàng không Zipair đã hợp tác với Công ty công nghệ thực phẩm Gryllus để phục vụ món ăn độc đáo này cho hành khách. Được biết, cả hãng hàng không Zipair và Công ty công nghệ thực phẩm Gryllus đều có chung mục tiêu cắt giảm khối lượng thực phẩm bị lãng phí, điều này giúp 2 công ty cùng bắt tay hợp tác để phát triển những món ăn mới
Hãng hàng không giá rẻ Zipair, công ty con của hãng hàng không Japan Airlines và có trụ sở ở Sân bay Quốc tế Narita tại thủ đô Tokyo.
Hãng hàng không giá rẻ Zipair bắt đầu khai thác các chuyến bay chở khách từ tháng 10/2020 với những chặng bay từ Narita tới Singapore; Seoul của Hàn Quốc; Bangkok, Thái Lan; Honolulu và Los Angeles của Mỹ.
Theo đó, các đầu bếp của 2 công ty đã mất khoảng 3 tháng để hoàn thiện thành phần chế biến 2 món burger kèm khoai tây chiên và mỳ pasta được làm từ thịt dế. Mùi của bột thịt dế trong 2 món ăn tương tự như đậu nành.
Ông Mark Matsumoto, phát ngôn viên của Hãng hàng không Zipair, cho biết: Lấy cảm hứng từ những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc công bố năm 2015 nhằm cắt giảm lãng phí thực phẩm, hãng Zipair quyết định đưa ra thực đơn "táo bạo" trên dành cho hành khách. Hãng hàng không Zipair nhận thấy bảo vệ môi trường cũng là trách nhiệm của hãng. Với mục tiêu cắt giảm số lượng thực phẩm bị lãng phí, Hãng hàng không Zipair gần đây chỉ chuẩn bị và chở theo khối lượng thức ăn mà hành khách đã đặt trước. Hãng hiện không còn chở theo khối lượng thức ăn dựa trên số lượng hành khách ngồi trên mỗi chuyến bay như trước đó.
Phát ngôn viên của Hãng hàng không Zipair cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhận được hơn 60 đơn đặt hàng 2 món ăn này kể từ khi ra mắt vào ngày 1/7. Là một phần trong cam kết bền vững của Zipair, hãng hàng không đã hợp tác với Gryllus để cung cấp lựa chọn bữa ăn thân thiện với môi trường, giúp giảm lãng phí thực phẩm trên quy mô quốc tế".
Cho đến nay, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ lời phàn nàn nào về 2 món ăn đặc biệt và "táo bạo" trên.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể đặt trước các món như mì pasta và burger bột dế trên các chuyến bay từ Sân bay Narita của Nhật Bản đến Bangkok, Singapore, Honolulu và Los Angeles.
Bột dế chứa nhiều chất dinh dưỡng
Dế là món ăn nhẹ phổ biến ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Đây là loại thực phẩm giàu protein và nhiều chất dinh dưỡng khác.
Tại nhiều miền quê Nhật Bản, dế là món ăn vặt truyền thống tại đây. Tại tỉnh Nagano, Nhật Bản, một chiếc máy bán hàng tự động bán các gói dế đóng sẵn đã gây bão dư luận Nhật Bản trong mùa hè năm nay.
Theo Công ty công nghệ thực phẩm Gryllus, dế được xem là nguồn thực phẩm quan trọng và hữu dụng tiềm năng. Quá trình nuôi dế cũng rất thân thiện với môi trường khi đòi hỏi rất ít đất, nước và thức ăn. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn ở dế mèn cao hơn nhiều so với lợn, bò và gà.
Bột dế được làm từ dế xay mịn, rất giàu protein. Nghiên cứu cho thấy, protein trong bột dế có thể so sánh với protein của ức gà không da, với khoảng 58 - 65% protein trong mỗi con dế.
Đồng thời, bột dế cũng rất giàu vitamin và khoáng chất. Bột dế giàu vitamin B12 (24 microgam trên 100 gram). Con số này gấp khoảng 10 lần so với cá hồi. Bột dế cũng chứa sắt, khoảng 6 - 10 miligam mỗi 100 gram - nhiều hơn gấp đôi so với rau bina. Nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy, cơ thể chúng ta hấp thụ các khoáng chất như sắt từ bột dế dễ dàng hơn so với thịt bò.
Bột dế có vị thế nào?
Theo những người đã từng ăn bột dế thì loại bột này có hương vị nhẹ, dễ chịu. Bột dế có hương vị của đất, có thể dễ dàng bị lấn át bởi các hương vị khác khi chế biến.
Trong một thử nghiệm, những người tham gia bị lừa ăn thanh protein dế, nhưng khá nhiều người lại thực sự thích thanh protein dế hơn những thanh protein thông thường.
Bột dế không thể thay thế được bột mì đa dụng, nhưng có thể dùng bột dế trong nhiều công thức nấu ăn. Bột dế không có gluten, phù hợp với những người không dung nạp gluten.
có thể dùng bột dế để làm bánh mì chuối, pancakes, sinh tố chuối và dứa...
Xu thế chế biến món ăn từ côn trùng
Không chỉ có dế, nhện, mọt, ve sầu và thậm chí cả gián cũng đang được nhiều công ty nghiên cứu để biến thành nguồn cung thực phẩm cho con người. Hãng hàng không Zipair cho biết, họ hoàn toàn thoải mái trong việc đưa vào thực đơn những món ăn mới làm từ các loài côn trùng để phục vụ hành khách trên chuyến bay.
Ông Mark Matsumoto, phát ngôn viên của Hãng hàng không Zipair cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá mức độ hài lòng của hành khách đối với các suất ăn trên máy bay và nếu phản hồi vẫn tích cực, khả năng cao hãng Zipair sẽ mở rộng thực đơn để hành khách lựa chọn".
Theo Wikipedia, thói quen ăn côn trùng đã có từ rất lâu trong lịch sử và hiện tại có khoảng 2 tỷ người trên thế giới đang ăn côn trùng. Việc dùng côn trùng làm thức ăn cho con người phổ biến ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, chẳng hạn như miền Bắc, Trung và Nam Mỹ, ở châu Phi, châu Á, đặc biệt là vùng Đông Nam Á, ở Úc và New Zealand.
Hơn 1.000 loài côn trùng được con người sử dụng làm thức ăn trong 80% các quốc gia trên thế giới, từ những loài côn trùng nhỏ như châu chấu cho đến trứng ruồi. Tuy nhiên, tại nhiều nền văn hóa-xã hội, việc con người ăn côn trùng là không phổ biến hoặc thậm chí được xem là điều cấm kỵ.
Ở các nước phương Tây, việc dùng côn trùng làm thức ăn cho con người vẫn là khá hiếm trong các nước phát triển, nhất là cảm giác ghê sợ côn trùng của người dân nơi đây. Đó thực sự là một rào cản đối với nỗ lực biến côn trùng thành thực phẩm tại các quốc gia này.
Năm 2013, Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi ăn côn trùng để chống lại nạn đói và hiện tượng ấm lên toàn cầu, kêu gọi các nhà hàng, đầu bếp và các tác giả viết về ẩm thực tăng cường tuyên truyền thói quen ăn côn trùng.
Hiện đã có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm, sử dụng làm món ăn khá phổ biến ở nhiều vùng miền.
Liên hợp quốc khuyến khích ăn côn trùng để chống đói nghèo
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng ăn côn trùng có thể giúp tăng dinh dưỡng cho cơ thể và giảm ô nhiễm môi trường.
Báo cáo cho biết, ong, bọ cánh cứng và các côn trùng khác hiện đang được "tận dụng" làm thức ăn cho người và gia súc. Nuôi côn trùng là "một trong nhiều cách giải quyết vấn đề an ninh lương thực và thức ăn. Côn trùng có mặt ở khắp mọi nơi với tốc độ sinh sôi nhanh chóng, chúng có mức tăng trưởng cao và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và tàn phá môi trường thấp".
Các tác giả chỉ ra rằng, côn trùng là thức ăn bổ dưỡng, với hàm lượng protein, chất béo và khoáng chất cao. Côn trùng đặc biệt quan trọng như một thực phẩm bổ sung cho trẻ em bị suy dinh dưỡng. Côn trùng cũng "cực kỳ hiệu quả" trong việc chuyển đổi thành thịt ăn được. Ví dụ, con dế cần ít hơn 12 lần thức ăn so với gia súc để sản xuất cùng một lượng protein.
Bên cạnh đó, hầu hết côn trùng có khả năng tạo ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính có hại tới môi trường hơn so với các gia súc khác. Khí thải amoniac có liên quan đến nuôi côn trùng thấp hơn nhiều so với khí thải do chăn nuôi gia súc thông thường như lợn.
Báo cáo cho thấy rằng ngành công nghiệp thực phẩm có thể giúp đỡ trong việc "nâng cao vị thế của côn trùng" bằng cách đưa côn trùng vào công thức nấu ăn mới và thêm vào thực đơn của nhà hàng. Cũng cần lưu ý rằng ở một số nơi, côn trùng được coi là món ăn đặc sản. Ví dụ một số loại sâu bướm ở miền Nam châu Phi được coi là món xa xỉ và có giá cao. Phần lớn côn trùng ăn được tập trung ở các khu rừng và phục vụ những thị trường thích hợp.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-hang-hang-khong-gia-re-nhat-ban-dung-bot-de-che-bien-mon-an-cho-hanh-khach-179220814213257871.htm