Vì sao giá vàng liên tiếp lập đỉnh?
Thị trường tài chính thế giới ghi nhận những biến động mạnh khi cả giá vàng và đồng USD liên tục tăng lên mức cao nhất trong vài tháng trở lại đây.
Lý giải nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã
Theo Kitco, giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở quanh ngưỡng cao nhất trong vòng 3 tháng qua, khi giới đầu tư ngày càng tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Tính chung từ đầu năm đến nay, kỳ vọng về một sự xoay trục chính sách, đã khiến giá vàng tăng khoảng 2,7%, và được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa.
Ông Phillip Streible - Chiến lược gia thị trường, Công ty Blue Line Futures đánh giá: "Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có hai phiên điều trần trong tuần này, và có thể sẽ thể hiện quan điểm chính sách ôn hòa hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy các dữ liệu việc làm yếu hơn được công bố tại Mỹ hôm thứ sáu. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo đà cho giá vàng tăng".
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị cũng kích thích xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tại Trung Quốc, vàng được coi là một trong những tài sản có hiệu suất tốt nhất khi nhiều người có nhu cầu tìm kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Một nhân viên Ngân hàng Bank of China tại tỉnh Quảng Đông cho biết, doanh số bán vàng miếng tại chi nhánh ngân hàng này đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trái với dự báo của giới phân tích và giới đầu tư hồi cuối năm ngoái, đồng USD hiện chưa có dấu hiệu suy yếu. Dù phải chịu áp lực từ những đồn đoán về việc FED cắt giảm lãi suất, chỉ số đồng bạc xanh vẫn tăng khoảng 2,5% kể từ đầu năm đến nay.
Ông Mark Humphery Jenner - Giáo sư Trường Tài chính Ngân hàng, Đại học New South Wales nhận định: "FED muốn có thêm thời gian để thấy lạm phát thực sự được kiềm chế. Điều này đã giúp củng cố đồng USD, ít nhất là mang lại một số sự hỗ trợ trong trung hạn".
Theo các chuyên gia, lộ trình cắt giảm lãi suất của FED trong năm nay vẫn sẽ là yếu tố then chốt, có ảnh hưởng lớn đến giá vàng và USD. Tuy nhiên, những yếu tố như căng thẳng địa chính trị, tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế cũng sẽ gây ra những tác động khó lường. Đây sẽ là điều mà giới đầu tư cần lưu ý, để tránh không bị thiệt hại, khi thị trường biến động mạnh.
Điều gì khiến thị trường vàng trong nước nóng lên từng ngày?
Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến diễn biến chưa từng có khi giá vàng trong nước liên tục "đổ xô" các mốc kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn. Trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá vàng miếng tiếp tục lập đỉnh lần thứ 3 liên tiếp. Trong đó, vàng nhẫn gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tỉ giá USD và VND tăng mạnh trong các tuần gần đây là một trong những yếu tố quan trọng đẩy giá vàng trong nước neo cao. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân đang thực sự tăng. Nhiều người không chỉ mua vàng miếng SJC mà còn lựa chọn đầu tư các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín. Điều đó dẫn đến việc giá miếng SJC và vàng nhẫn đua nhau lập kỷ lục.
Bên cạnh tỉ giá và nhu cầu tích trữ vàng, thị trường bất động sản ảm đạm cùng lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp khiến nhà đầu tư lựa chọn vàng như một kênh đầu tư bền vững.
Trong bối cảnh giá vàng tăng liên tục, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Tại cuộc họp báo hôm 03/01/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, nhưng luôn tôn trọng quyền cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân. Nhà nước cũng không bảo hộ giá cho kinh doanh vàng miếng và không chấp nhận sự chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới, không chấp nhận vàng SJC cao hơn các vàng khác đến nhiều triệu đồng một lượng".
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, tất cả những vấn đề tồn tại này sẽ được xử lý với Nghị định 24 sửa đổi trong thời gian tới, quyết liệt, dứt khoát trong điều hành thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng, chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường về việc phối hợp trong quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-gia-vang-lien-tiep-lap-dinh-179240309115742344.htm