Vì sao cần phải đa dạng hóa sách giáo khoa bậc phổ thông?
Việc đặt vấn đề giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn "một bộ sách giáo khoa Nhà nước", lại tạo thêm dự án ngàn tỉ. Chưa kể việc này sẽ đánh mất vai trò trọng tài của cơ quan quản lý Nhà nước, gia tăng sự độc quyền "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Tiến sĩ C.M.H., giảng viên một trường đại học nói rằng, cần rà soát xem việc thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa trục trặc ở điểm nào.
Lộ trình cải cách bị vướng ở đâu tháo gỡ đến đó, như ách tắc giao thông thì phải dọn đường cho xe vận hành chứ không thể quay đầu. Thậm chí xử lý nghiêm khắc những tiêu cực đang cản trở lộ trình. Qua tìm hiểu nhiều nguồn, theo thầy giáo C.M.H., ách tắc nằm ở 3 yếu tố chắn ngang lộ trình đổi mới sau đây.
Yêu cầu đạt 5 phẩm chất và 10 năng lực là quá tải
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn giữ quan điểm cũ, từ "giáo dục toàn diện" cụ thể hóa thành phát triển "5 phẩm chất, 10 năng lực" chính là "viên đá tảng" lớn nhất gây khó cho quá trình làm sách và cả quá trình dạy học.
Để thực hiện chương trình phát triển thứ năng lực toàn năng, sách vẫn phải ôm một nội dung quá tải. Vì ham "tích hợp" cho đủ mọi kiến thức, mọi năng lực mà các môn học đều trở thành "món lẩu", tưởng đủ mọi chất liệu, nhưng thực tế không đảm bảo chất lượng.
Giáo viên lẫn học sinh không ai có thể "là con cá phải giỏi leo cây" (A. Einstein), vừa vật lộn với chương trình và sách, kéo theo vừa đánh giá và tự đánh giá năng lực một cách thiếu trung thực để đối phó. Việc thực hiện đào tạo nguồn giáo viên có thể dạy được nhiều môn học mà các trường đại học đang làm là một hoang tưởng, trừ phi quay trở về thuở "bình minh xám" khi một người tự cho là "thông thái", tức biết tuốt.
Ở quốc gia phát triển, chương trình phổ thông chỉ là cái sàn tối thiểu về trình độ phổ cập, còn định hướng phát triển năng lực là có thiên hướng. Giáo viên phải được chuyên môn hóa và học sinh phát triển theo thiên hướng của mình. Xã hội hiện đại phát triển nghề nghiệp chuyên môn và cần nhân lực chuyên nghiệp chứ không cần người biết tuốt như nhà "thông thái" chỉ biết nói mà không biết làm.
Cho nên bên cạnh nhà trường đảm bảo giáo dục mặt bằng trình độ phổ cập là các câu lạc bộ phát triển năng lực theo một thiên hướng nào đó mà trẻ em yêu thích và lựa chọn. Chỉ cần điều chỉnh theo hướng này thì lộ trình cải cách mới có thể thông xe.
Thị trường tiêu thụ sách "có vấn đề", cạnh tranh không lành mạnh
Đa dạng sách giáo khoa để tạo ra thị trường cạnh tranh về chất lượng và giá cả, cụ thể người dạy và người học được quyền lựa chọn sách chất lượng cao và giá cả thấp. Nhưng hiện tại thì tình hình diễn ra theo chiều hướng ngược: chất lượng thấp, giá cả cao. Điều đó chứng tỏ thị trường tiêu thụ sách có vấn đề, cụ thể là cạnh tranh không lành mạnh, bất công giữa các nhóm lợi ích.
Theo thầy giáo C.M.H., chất lượng thấp xuất phát từ mục tiêu của chương trình "giáo dục toàn diện" như đã nói ở trên. Người soạn sách giáo khoa "không tiến kịp" và "không thể tiến kịp" chương trình gọi là "giáo dục toàn diện" thì khó có thể biên soạn nổi cái món "lẩu" tích hợp được đặt ra ở chương trình.
Nhưng quan trọng hơn, một khi người dạy, người học không được quyền lựa chọn tự do, ắt sẽ rơi vào quy luật chung về hàng hóa: chẳng nhà đầu tư và sản xuất nào dại dột nâng chất lượng sản phẩm, ngoài việc bán hàng giả, hàng nhái để tăng lợi nhuận.
Giá thành sách giáo khoa tăng bất thường không phải do "khổ to, giấy đẹp, in màu" như các nhà xuất bản ngụy biện. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đã vào cuộc thanh tra, điều tra, dù chỉ thanh tra, điều tra cái ngọn, nhưng chắc chắn đã nhận ra, chi phí cho một bộ sách là khổng lồ.
Chi phí đó không phải vốn đầu tư chất liệu, máy móc và sức lao động mà các loại phí, ngoài phí chính đáng cho việc quảng bá sản phẩm là phí "bôi trơn" từ 15 đến 20% cho những kẻ lợi dụng chức vụ quyền hạn áp đặt sự lựa chọn sách.
Tưởng khó thanh tra, điều tra, nhưng thực tế chỉ cần "nắm" các nhà xuất bản, kiểm toán toàn bộ hệ thống chi phí từ giá nguyên vật liệu, đến chi phí biên soạn, tiền công hội đồng thẩm định và lợi nhuận, ắt lòi ra phí "bôi trơn" lũng đoạn thị trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý việc thực hiện chương trình
Tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục khiến cuộc đổi mới gặp rất nhiều khó khăn. Cần sửa chữa toàn diện, không phải "nói không" mà đến lúc phải làm, làm ráo riết: chống bệnh thành tích, tức dối trá, chống cửa quyền, chống tham ô lãng phí,... mà dư luận đã nói lâu nay.
Theo thầy giáo C.M.H., lợi ích nhóm là tất yếu trong cơ chế thị trường. Chỉ chống các nhóm thân hữu với chính quyền làm lũng đoạn, méo mó thị trường cạnh tranh, tác động xấu toàn diện từ làm chương trình và xuất bản sách giáo khoa chộp giật, đến động cơ lệch lạc trong dạy và học.
"Tóm lại, quan điểm của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản việc thực hiện chương trình, đánh giá khách quan theo chuẩn đầu ra, chương trình sai từ mục tiêu thì buộc phải sửa tận gốc mục tiêu. Chuẩn đầu ra lí tưởng hóa đến mức không thể thực hiện được thì chỉnh sửa theo thực tiễn khách quan. Không chỉ duy trì 3 bộ sách như hiện nay mà còn mở rộng nhiều bộ sách để gia tăng sự đa dạng và cạnh tranh. Thị trường lành mạnh, tự nó đào thải loại sách giáo khoa kém chất lượng và giá thành đắt đỏ.
Không tháo gỡ ách tắc mà "quay xe", tất yếu gây hậu quả tệ hại hơn cái điểm xuất phát mà những nhà giáo dục cách mạng đã xây nền tảng ban đầu. Cũng như đường đang ách tắc mà quay xe càng thêm ách tắc, rối loạn không tháo gỡ được.
Việc đặt vấn đề giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn "một bộ sách giáo khoa Nhà nước", chưa nói Bộ Giáo dục và Đào tạo có huy động đủ năng lực chuyên môn hay không, vô tình hay cố ý tạo thêm dự án ngàn tỉ, đánh mất vai trò trọng tài của cơ quan quản lý Nhà nước, gia tăng sự độc quyền "vừa đá bóng vừa thổi còi" cho Bộ Giáo dục và đào tạo", Tiến sĩ C.M.H. nêu quan điểm về chương trình và sách giáo khoa.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-can-phai-da-dang-hoa-sach-giao-khoa-bac-pho-thong-17923082117523842.htm