Vì sao cần bỏ 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm?
Một số cơ sở giáo dục đại học đại học mới đây đã có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ 20% chỉ tiêu xét tuyển vào đại học sớm vì không mang nhiều ý nghĩa.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.
Hiện nay, các trường đại học xét sớm theo một số phương thức như lấy điểm học bạ trung học phổ thông; chứng chỉ quốc tế; điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,…
Bộ Giáo dục và Đào tạo lí giải, xét tuyển sớm là các đợt xét tuyển trước đợt xét chung của Bộ này (sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Như vậy, với 80% chỉ tiêu còn lại xét ở đợt tuyển chung, các trường đại học vẫn được sử dụng nhiều phương thức theo quy định.
Dự kiến tối đa 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các trường đại học sẽ tuyển được thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế việc tình trạng lơ là ở kỳ II năm lớp 12 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp tuyển sinh đại học công bằng hơn.
Tuy nhiên, một số trường đại học mới đây đã có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ 20% chỉ tiêu xét tuyển vào đại học sớm vì không mang nhiều ý nghĩa.
Lí do, bỏ quy định xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh, không ảnh hưởng đến cơ sở giáo dục đại học nếu áp dụng đồng bộ.
Hơn nữa, việc bỏ đợt xét tuyển sớm cũng giúp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phản ánh đúng hơn chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, khi học sinh giữ được quyết tâm tập trung vào kỳ thi.
Cùng quan điểm, một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ đề xuất của một số trường đại học là bỏ 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Giáo viên này chia sẻ, học sinh chưa thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng đã biết trúng tuyển đại học là điều rất vô lí, kể cả có dấu hiệu trái Luật Giáo dục 2019.
Đáng nói, các năm qua, rất nhiều thí sinh có điểm xét tuyển đại học theo tổ hợp rất cao nhưng lại bị điểm liệt ở kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy thí sinh vừa rớt tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rớt đại học.
Chẳng hạn, Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, một thí sinh ở Hà Nội có điểm xét tuyển đại học tổ hợp: Ngữ văn – Lịch sử – Địa lí đạt 25,75 nhưng môn Ngoại ngữ chỉ được 1,0 điểm.
Cùng với đó, có trường hợp học sinh trúng tuyển sớm những ngành "hot" của một số trường đại học tốp trên nhưng điểm thi trung học phổ thông thì lại thấp.
Vì vậy, giáo viên này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hết các phương thức xét tuyển sớm, thay vào đó chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đề thi cần có tính phân hoá cao.
Chẳng hạn, đề thi có 65% nội dung để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và 35% xét tuyển vào đại học. Hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức một kỳ thi giống như kì thi Cao khảo của Trung Quốc, còn thi trung học phổ thông thì giao về cho các địa phương tự tổ chức.
Cần biết thêm, Cao khảo (gaokao) là tên viết tắt của "Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia", thường được tổ chức trên khắp Trung Quốc trong cùng một ngày vào đầu tháng 6 hàng năm.
Kết quả cao khảo là tiêu chí duy nhất để được nhận vào các trường đại học Trung Quốc. Thí sinh tham gia cao khảo bắt buộc phải thi 3 môn là tiếng Trung, Toán và ngoại ngữ (thường là tiếng Anh), cùng một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Chính trị).
Các trường đại học sẽ dựa vào điểm thi để thông báo thí sinh trúng tuyển. Nếu điểm của thí sinh không đủ, thí sinh sẽ được chuyển sang trường tiếp theo trong nguyện vọng để xem xét. Nếu thí sinh không được trường nào nhận, thí sinh đó sẽ mất cơ hội học đại học trong năm tới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-can-bo-20-chi-tieu-xet-tuyen-som-179241207193649631.htm