Vi diệu...
Đối với tôi, tình thương của con người chính là sự vi diệu trong cuộc sống. Tình yêu của bà nội tôi dành cho con cháu chính là sự vi diệu! Tôi tin rằng, dù bà đã về với tổ tiên rất nhiều năm, nhưng ở miền cực lạc vẫn luôn phù hộ độ trì cho con cháu.
Bà nội tôi, ngoài thuộc truyện Kiều, ca dao, dân ca, tục ngữ đến mức "xuất khẩu thành …tục ngữ, ca dao", thì rất sùng đạo Phật. Sùng đạo Phật nhưng bà không thường xuyên đi chùa lễ. Mấy chục năm trước người Việt chúng ta không đi lễ chùa theo kiểu ồn ào và có tính hội hè tràn lan như bây giờ. Những ngôi chùa mà tôi thấy ngày còn nhỏ thường kín bưng, người nhà chùa ít quan hệ với bên ngoài, nên có vẻ bí ẩn. Bà nội tôi thường nói với con cháu “Phật tại tâm chứ không phải lễ bái nhiều mới là sùng đạo".
Trong chiến tranh chống Mỹ tôi đang còn nhỏ nhưng cũng phải trải qua những trận bom kinh hoàng. Tôi và gia đình đã chịu ít nhất 6 trận bom Mỹ, trong đó có 2 trận B52 rải thảm, chứng kiến cái chết thương tâm của những người mình quen biết - những cái chết ám ảnh tôi suốt nhiều năm. Qua những trận bom kinh hoàng đó, tôi nhận thấy sự vi diệu không thể giải thích từ những câu cầu Trời niệm Phật của bà nội.
Khi tôi 4 tuổi, trí nhớ chưa đọng lại trong bộ não, đã phải chịu những trận bom Mỹ trút xuống làng mình - một ngôi làng nhỏ ở ngay sát phía bắc đầu cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Sau này tôi được nghe bà nội và bố mẹ kể về trận bom Mỹ đánh xuống cầu Hàm Rồng buộc cả làng tôi phải đi sơ tán trong đêm. Ngày đó, bộ đội phòng không ở cùng với nhà dân, ngày đêm thay nhau trực chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng. Vào một buổi chiều êm ả, máy bay Mỹ từ hai hướng bổ nhào trút bom phá hủy cầu Hàm Rồng, cả làng tôi và những ụ pháo của bộ đội gần như bị san phẳng. Dứt tiếng bom là đến tiếng gào khóc, tiếng thét lạc giọng tìm người thân. Vài ụ pháo của bộ đội biến mất, thay vào đó là những hố bom sâu hoắm. Người làng tôi vĩnh viễn không bao giờ còn nhìn thấy nhiều gương mặt bộ đội trẻ măng, rắn rỏi nhưng thân thiện đã từng ở ngay trong nhà mình. Ở làng tôi nhiều nhà đều có người chết trong trận bom đó. Bà nội tôi kể, lúc đó bà đang đi chợ thì bom Mỹ dội xuống, bà chỉ kịp quăng gánh hàng rồi lao vào nằm trong một bụi cây nhắm nghiền mắt run rẩy khấn Phật: “Nam mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Cầu Trời, khấn Phật cho gia đình con, các con, các cháu của con tai qua nạn khỏi. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật"... Bà cứ thế niệm mãi, niệm mãi… Bà kể rằng, lúc đó không hề nghe thấy tiếng bom mà chỉ nghe thấy chính lời của bà cầu Trời, niệm Phật. Kết thúc trận bom, bà "ba hồn chín vía" chạy về nhà tìm con cháu. Lạy Trời, lạy Phật, gia đình tôi và gia đình các bác cùng con cháu may mắn không ai bị sao!
Người chết nhiều và cá trên sông Mã cũng chết trắng xóa. Một số người có thuyền chèo ra sông vớt cá. Trong đau thương chết chóc, cá nhiều cũng chẳng để làm gì. Người vớt được nhiều chỉ bán rẻ hoặc đem cho không. Mẹ và bà tôi kể lại, buổi tối nấu cơm xong, ngồi vào mâm gắp một miếng cá cho vào miệng nghĩ đến cảnh người làng chết thì nôn thốc nôn tháo, không thể nuốt một miếng cơm nào.
Ngay đêm đó cả làng tôi phải đi sơ tán.
Chị em tôi theo bà nội và mẹ sơ tán một thời gian thì đi đến công trường nơi mẹ làm việc.
Không hiểu sao bọn Mỹ có thể phát hiện ra công trường của mẹ tôi mà ném bom, dù là công trường đã được xây dựng trong những hõm núi đá. 3 trận bom phản lực ném xuống, tôi đều chứng kiến bà nội dù đang ở trong nhà hay ngoài hầm tránh bom đều niệm: “Nam mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Cầu Trời, khấn Phật cho gia đình con, các con, các cháu của con tai qua nạn khỏi. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật"... Bà cầu Trời, khấn Phật cho đến khi dứt tiếng bom mới thôi. Sau trận bom kinh hoàng là chết chóc tang thương. Công trường và ngôi làng gần dấy trở thành bình địa, công nhân công trường, người dân làng chết đến mức không đủ dù là một vòng hoa nhỏ đắp lên mộ. Còn gia đình tôi, gồm bà nội, mẹ, mấy chị em tôi may mắn đến kỳ diệu: không ai hề hấn gì.
Khi tôi đang học lớp 5 lại chịu một trận bom kinh hoàng nữa. Ngày đó, mẹ và các em tôi chuyển đến công trường xây dựng do bố tôi phụ trách. Bà nội ở lại công trường cũ chờ chị cả của tôi, tôi cùng đứa em thứ 3 học xong năm học sẽ đoàn tụ gia đình. Hôm đó tôi nhớ là vào khoảng 3h chiều. Tôi đang học ôn cùng một đứa bạn tại gian nhà tập thể cấp 4 mà chị nó được công trường phân cho, thì nghe tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Bom nổ rung chuyển. Tôi và đứa bạn chỉ kịp chui xuống gầm gường. Hoảng loạn, đứa bạn tôi gào thét “Mẹ ơi, chị ơi”. Tôi nhớ đến bà nội, đến chị và không hiểu sao buột miệng niệm như bà đã niệm trong các trận bom trước đó: “Nam mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Cầu Trời, khấn Phật cho đại gia đình con tai qua nạn khỏi. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật".... Kỳ lạ là, lúc đó tôi không còn nghe tiếng bom nữa, nhưng lại nghe rất rõ lời cầu Trời, niệm Phật của mình.
Bom dứt, tôi bò ra khỏi căn nhà đã tốc toàn bộ mái, chạy vòng qua những hố bom, qua những đám khói đen đang tan, chạy qua những thân người không còn nguyên vẹn, những bộ phận thân thể người vắt trên cành cây,… để đi tìm bà nội và chị cả. Gian nhà cấp 4 của gia đình tôi đã biến mất, thay vào đó là một hố bom như cái ao to tướng. Tôi hoảng loạn nghĩ rằng, bà nội và chị mình đã chết rồi. Tôi khóc như mưa: "Bà ơi, chị ơi!". Xung quanh tôi là những tiếng gào khóc của các cô, chú công nhân còn sống. Rồi tôi lại chạy như mộng du khắp nơi tìm bà nội và chị. Khi không còn chút hy vọng nào thì tôi nghe tiếng nói thân thuộc “P à con. Bà ở đây”. Trước mặt tôi là một hầm trú bom sâu hoắm mới đào, bà nội lọt thỏm dưới hầm, nhỏ bé và tê dại. Tôi gọi: "Bà ơi, bà ơi, con đây". Tôi phải rất vất vả mới đưa được bà lên mặt đất. Bà đưa tay rờ khắp người tôi, nước mắt dàn rụa: “Ơn Trời, Phật. Con còn sống, con không bị thương chỗ nào chứ”. Bà lại hỏi: "Chị Ph con đâu?" (Ph là tên chị cả của tôi). Tôi đau đớn lắc đầu. Thế là hai bà cháu dắt díu nhau đi qua những miệng hố bom, đi qua những tiếng khóc xé ruột để đi tìm chị tôi. Hai bà cháu đi khắp nơi mà không thấy chị. Trong lúc thất vọng nhất thì nghe tiếng đằng xa: "Bà ơi, P ơi". Giời ạ, đó là tiếng chị cả của tôi. Mặt mũi chị đầy đất cát, chỉ còn lộ hai con mắt và dòng máu rỉ ra từ tai chảy xuống cổ. Trên tay chị bế một đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi mặt nhuộm đầy đất. Bà nội ôm lấy cháu bé, dùng miệng hút hết đất cát trong mũi miệng của bé. May mắn, cháu bé vẫn còn sống. Hóa ra khi máy bay Mỹ đến, chị đang học bài đã cùng cô Ngọc hàng xóm bế đứa con nhỏ của cô tên là Vi chưa đầy tháng tuổi chạy ngay ra cái hang đá gần đó. Đang ở trong hang, cô Ngọc chợt nhớ đứa con gái lớn 3 tuổi tên là Vân ngủ trong nhà nên trao bé Vi cho chị tôi rồi chạy ngược về nhà. Bây giờ 2 gian nhà cấp 4 nơi gia đình tôi và gia đình cô Ngọc ở chỉ còn lại là 1 hố bom…
Bà nội chợt hỏi: "Thằng Tr đâu?". Thế là cả nhà tôi hoảng loạn đi tìm em Tr. May mắn sao, em Tr đang học lớp 1 trường làng cách công trường bị bom khoảng 1,5 km nên không sao.
Cậu tôi ở cách mấy km và các anh con bác cả ở xã Định Tân cách đó gần chục km hốt hoảng đạp xe đạp đến tìm. Ai cũng mừng mừng tủi tủi khi 4 bà cháu tôi không bị làm sao.
Sau này bà nội kể rằng, khi máy bay Mỹ đến ném bom, bà đang ở vườn rau tăng gia nên chỉ kịp nhảy xuống hầm sâu gần nhất. Và trong suốt thời gian ở dưới hầm, bà chỉ niệm Phật: “Nam mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Cứu khổ cứu nạm Quan Thế Âm Bồ Tát. Cầu Trời, khấn Phật cho gia đình con, các con, các cháu của con tai qua nạn khỏi. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật"…
Thời gian sau cả nhà tôi lại chịu thêm mấy trận bom Mỹ nữa, trong đó có trận B52 rải thảm. Nửa đêm nghe tiếng ì ì nặng dần nặng dần rồi bom nổ. Cả nhà gồm bà nội, mẹ và mấy chị em tôi chỉ kịp kéo nhau chạy ra cái hầm chữ A (dùng thân cây che chặt ra làm mái chéo, trên mái đắp đất sét trộn rơm). Bom nổ, tai tôi điếc đặc. Cả nhà ôm nhau hoảng sợ. Và Giời ạ, bà nội lại cầu Trời niệm Phật từ đầu đến cuối trận bom, cứ lặp đi lặp lại: “Nam mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Cứu khổ cứu nạm Quan Thế Âm Bồ Tát. Cầu Trời, khấn Phật cho gia đình con, các con, các cháu của con tai qua nạn khỏi. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật"… Lúc đó tôi có cảm giác không nghe thấy tiếng bom mà chỉ nghe thấy tiếng bà nội niệm Phật, rành rõi từng tiếng. Và, vô cùng may mắn, cả gia đình tôi không ai bị thương.
Những ngày sau đó, bà nội thường niệm Phật cầu mong cho bố tôi đang phụ trách công trường xây dựng cầu và đường Bò Lăn (một điểm xung yêu của đường Hồi Chí Minh thời đó) tai qua nạn khỏi. Công trường thường xuyên bị Mỹ ném bom. Nhiều công nhân, cán bộ hy sinh nhưng bố chỉ bị thương, chạy chữa vài tháng mới khỏi.
Nhiều người nói rằng những câu cầu Trời, niệm Phật của bà nội tôi làm nên sự vi diệu. Tôi thì không hiểu được. Đối với tôi, tình thương của con người chính là sự vi diệu trong cuộc sống. Tình yêu của bà nội tôi dành cho con cháu chính là sự vi diệu! Tôi tin rằng, dù bà đã về với tổ tiên rất nhiều năm, nhưng ở miền cực lạc vẫn luôn phù hộ độ trì cho con cháu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-dieu-179230319102144357.htm