Về Bắc Ninh theo dấu chân Phật
Bắc Ninh là vùng đất cổ, bên cạnh sự nổi tiếng về các làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, tha thiết, trong đời sống tâm linh của người dân Kinh Bắc luôn mang đậm hồn cốt của dân tộc đã được truyền từ đời này qua đời khác.
Điều đó đã được thể hiện trong nếp sống, cách nghĩ, cách làm của mỗi người dân nơi đây đối với việc gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ. Vùng đất quan họ Bắc Ninh cũng là một trong những nơi phát tích lâu đời của cái nôi Phật Giáo, được gìn giữ qua bao thế hệ và truyền khắp đất nước ta cho đến ngày nay.
Theo tài liệu Mộc Bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu tư liệu thế giới hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV ( số 02, Yết Kiêu, Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng), thì chốn Kinh Bắc xưa, hay Bắc Ninh ngày nay là một trong những phần của Nước Xích Quỷ mà Thủy Tổ Kinh Dương Vương đã về ngự và gieo vào vùng đất này những điều thiêng liêng cho tới tận ngày nay.
Vừa qua, ngày 16-12-2022, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức lễ khai mạc triển lãm Lịch Sử Tỉnh Bắc Ninh Qua Di Sản Tư Liệu Thế Giới, qua cuộc triển lãm này, đã hé lộ rất nhiều những tài liệu quý về đất Kinh Bắc xưa đến với công chúng.
Phật giáo Việt Nam ta được truyền vào chỉ sau thời Phật nhập Niết Bàn mấy mươi năm. Lúc đấy tại Ấn Độ và Tích Lan, đã phát triền thuyền buồm to, có thể đi giao thương ở các quốc gia khác. Vì vậy, sự hoằng hóa của chư vị Tỳ kheo cũng được thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều. Mà đất Kinh Bắc, xưa gọi là Châu Cổ Pháp, là một trong những nơi mà Đạo Phật được trực tiếp truyền vào nước ta vào những đời Vua Hùng sau. Vì thế, những triều đại vua Lý, Trần sau này trị quốc dựa theo tinh thần Từ Bi, lấy Đức làm gốc của nhà Phật mà đã có những triều đại trong lịch sử Việt Nam mà những ông vua là những vị Thiền sư, Thánh sư đắc Thiền và chứng Đạo cả. Vì tưởng nhớ những công ơn to lớn đó mà nhiều chùa nổi tiếng về sau được cho xây dựng tại Kinh Bắc.
Qua tài liệu Mộc Bản ghi chép, điển hình như chùa Dâu, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Tiêu Sơn...đã được các vua cho xây dựng, ban bố chính sách chăm sóc và chu cấp, thể hiện lòng biết ơn của các vị vua với nguồn chân lý mà Đạo Phật đã truyền vào hồn của đất Việt Nam ta.
Vua Lý Anh Tông cho xây dựng chùa Pháp Vân ( Chùa Dâu), năm Tân Tỵ (1161). Lược dịch: Dựng chùa Dâu ở châu Cổ Pháp.
Vua Lê Nhân Tông sai quan đến rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân, năm Mậu Thìn (1448). Lược dịch: Sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở Kinh Thành.
Vua Lý Nhân Tông ngự giá đến chùa Dạm, năm Đinh Mão (1087)
Lược dịch: Tháng 10, mùa đông, mở yến tiệc thiết các bầy tôi tại chùa Lãm Sơn. Năm Quảng Hựu thứ 2 (1086), làm chùa này; đến đây ngự giá tới chơi, đêm mở yến tiệc thiết quần thần. Nhà vua có làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”.
Vua Lý Nhân Tông cho xây tháp chùa Dạm, năm Mậu Thìn (1088)
Lược dịch: Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lãm Sơn.
Chùa Phật Tích: Phật Tích, tên núi ở địa phận huyện Tiên Du, trên núi có ngôi chùa.
Chùa Tiêu Sơn: tức chùa Trường Liêu, ở xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, chốn Kinh Bắc xưa cũng nổi tiếng không kém phần đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình trong công cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thời nhà Trần. Điển hình là địa danh Bến Bình Than.
Vua Trần Nhân Tông cho hội họp vương hầu, trăm quan tại Bến Bình Than, năm Nhâm Ngọ (1282).
Lược dịch: Tháng 10, mùa đông, có tin ngoài biên báo về kinh rằng: nhà Nguyên đem quân sang nước ta. Nhà vua ra bến đò Bình Than...hội họp vương hầu trăm quan lại để bàn kế đánh giữ.
Vua Trần Nhân Tông lại hạ lệnh cho Hưng Đạo Vương chia quân đóng giữ bến Bình Than, năm Giáp Thân (1284).
Lược dịch: Mùa thhu, tháng 8, Hưng Đạo Vương điều các binh của vương, hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.
Có thế thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Bắc Ninh giữ một vai trò không những quan trọng về mặt chính trị, quân sự trong trị nước, trị thủy, binh pháp...mà về mặt tâm linh, nơi đây cũng là nơi đầu tiên lưu dấu những tia nắng đầu tiên của Bình minh Chánh Pháp đi vào dân tộc Việt Nam chúng ta.
Thông qua những cuộc triển lãm tư liệu ra công chúng như thế này, thì giá trị của Tài liệu lưu trữ mới được củng cố và nâng cao giá trị của nó nhiều hơn nữa. Vì đây là cơ sở dữ liệu xác quyết, minh bạch để phục vụ cho việc nghiên cứu của các chuyên gia, học giả và cũng giúp thế hệ trẻ thêm phần hiểu rõ hơn về những địa danh trên cả nước qua góc nhìn của Mộc Bản và từ đó mỗi công dân, đặc biệt là Phật tử chúng ta thêm phần tự hào, yêu quê hương đất nước của mình hơn.
Là một người Phật tử, điều đầu tiên là phải yêu nước, vì không có quốc gia, không có dân tộc thì bản thân chúng ta cũng không yên để mà tu tập và hoằng hóa. Vì vậy, lịch sử cho chúng ta bài học về giá trị của tinh thần yêu nước, thắp lại tình cảm đó trong ta để ta sống, cống hiến và phụng sự nhiều hơn nữa, góp vào thế giới đại đồng những thành công và niềm an vui hạnh phúc cho chúng sinh theo như lời Phật dạy.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ve-bac-ninh-theo-dau-chan-phat-179221220192721413.htm