Vào lộ trình tăng học phí đại học: Trường đại học cần đa dạng hóa nguồn thu
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, trường đại học cần đa dạng nguồn thu để hỗ trợ người học khi tăng học phí.
Mức trần học phí khối ngành Y dược tăng mạnh nhất
Ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập lùi một năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027 (đơn vị: nghìn đồng/tháng) như sau:
Khối ngành | Năm học 2023- 2024 | Năm học 2024-2025 | Năm học 2025-2026 | Năm học 2026-2027 |
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 |
Khối ngành II: Nghệ thuật | 1.200 | 1.350 | 1.520 | 1.710 |
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 |
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên | 1.350 | 1.520 | 1.710 | 1.930 |
Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y | 1.450 | 1.640 | 1.850 | 2.090 |
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác | 1.850 | 2.090 | 2.360 | 2.660 |
Khối ngành VI.2: Y dược | 2.450 | 2.760 | 3.110 | 3.500 |
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường | 1.200 | 1.500 | 1.690 | 1.910 |
Có thể thấy mức trần học phí năm học 2023-2024 dao động từ 1,2 triệu đồng đến 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương 12-24,5 triệu đồng/năm học ).
So với mức thu đang áp dụng, học phí năm học này tăng thêm 2,2-10,2 triệu đồng, tùy khối ngành.
Học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ tiếp tục tăng trong các năm học tiếp theo.
Đáng chú ý, khối ngành Y dược có mức trần học phí tăng mạnh nhất trong số các khối ngành đào tạo bậc đại học. Tính đến năm học 2026-2027, mức trần học phí khối ngành này tăng hơn 10 triệu đồng so với năm học 2023-2024.
Hầu như các trường đại học chưa tăng học phí
Chia sẻ về Nghị định 97/2023/NĐ-CP mới ban hành, nhiều trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nhất trí với việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Chia sẻ với truyền thông, ông Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường tạm thu học phí năm học 2023-2024 theo mức quy định của Nghị định 97/2023/NĐ-CP. Mức học phí tăng theo Nghị định này là quy định chia sẻ với trường và xã hội.
Người học chưa phải trả học phí ở mức cao như quy định trước đây và trường cũng có thêm nguồn tài chính giải quyết phần nào những khó khăn sau 3 năm không tăng học phí.
Ông Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trường cũng chưa áp dụng học phí Nghị định 97/2023/NĐ-CP trong năm học này.
"Thời điểm này việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ 2 cũng đã thực hiện. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh tăng học phí nào cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Hơn nữa, thời điểm cận Tết, việc tăng học phí có thể gia tăng gánh nặng cho gia đình sinh viên.
Hơn nữa, 3 năm qua trường không tăng học phí nên cũng đã tìm cách cân đối tài chính cho cả năm. Do đó, năm học 2024-2025 trường mới tính toán mức tăng học phí và thông báo sớm để sinh viên có sự chuẩn bị", ông Thanh cho biết.
Nếu chỉ dựa vào nguồn thu học phí - các trường rất khó nâng chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học phí hiện đang là nguồn thu chính của các trường song nếu chỉ dựa vào học phí thì sẽ rất khó để nâng chất lượng đào tạo.
Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường đại học cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học khi tăng học phí.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và quy định về tự chủ tài chính.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vao-lo-trinh-tang-hoc-phi-dai-hoc-truong-dai-hoc-can-da-dang-hoa-nguon-thu-179240104195028382.htm