Văn hóa và con người trong điều kiện toàn cầu hóa
Văn hóa ứng xử giữa con người trong xã hội tạo nên tinh thần chung sống cùng nhau, tạo nên một thế giới hòa bình, phát triển bền vững.
Tính hiện đại của Văn hóa
Năm 1952, hai nhà "Nhân loại học" Alfred Kroeber và Clyde Khuckohn đã thống kê được 164 định nghĩa về văn hóa từ các công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng.
Từ thời điểm đó đến nay đã qua trên 75 năm phát triển, xã hội đã bỏ lại đằng sau nền văn minh nông nghiệp và nền văn minh công nghiệp, tiến vào nền văn minh công nghệ. Giờ đây, xã hội thông minh đang hình thành và phát triển, nền sản xuất đã có những thay đổi về nguyên lý, lối sống trong kỷ nguyên số đã đặt ra những cách ứng xử của con người với thế giới xung quanh – thế giới hiện thực và thế giới hiện thực ảo – mà trong xã hội cũ không đặt ra. Qua trên 2/3 thế kỷ ấy, có biết bao những hiểu biết mới về văn hóa, bổ sung cách hiểu mới và những định nghĩa mới để chúng ta có thể đi vào tầng sâu về bản chất của khái niệm văn hoá.
Khái niệm văn hóa có lịch sử phát triển cổ xưa như lịch sử phát triển của Ý thức. Trên bậc thang tiến hóa của muôn loài có một cái hố ngăn cách về sự phát triển của con người và toàn bộ những sinh vật còn lại trong thế giới tự nhiên. Ở bên bờ này của cái hố đó là những con người, bắt đầu từ những người thông minh "homo sapiens" (người tinh khôn) cho đến người hiện đại của thế kỷ XXI hiện nay.
Từ đó, trên bước thang tiến hóa của mình, con người không thay đổi về cơ cấu sinh lý giải phẫu để thích nghi với thế giới bên ngoài đang từng ngày từng giờ thay đổi, mà họ tạo ra những "thế giới đồ vật" gồm những giá trị vật chất và tinh thần.
Cái "thế giới đồ vật" ấy là văn hóa.
Lao động là hoạt động của con người làm ra các sản phẩm vật chất và tinh thần, tạo ra cho xung quanh một thế giới đồ vật "mà muôn loài còn lại không có khả năng làm ra. Dù là lao động chân tay hay lao động trí tuệ, thực chất của việc làm ra các đồ vật chính là quá trình chuyển "sức mạnh bản chất con người" (năng lực) vào đồ vật". Khi chúng ta học tập hoặc được đào tạo để sử dụng được những đồ vật do người khác sáng tạo ra, điều đó có nghĩa là chúng ta đã lấy ra từ sản phẩm đó sức mạnh bản chất ấy để thành sức mạnh của chính mình.
Con người với văn hóa của mình thay đổi, cải tạo thế giới bên ngoài, bắt thế giới đó phù hợp với những đặc điểm tâm lý và thể chất của mình. Có văn hóa là có năng lực thích nghi. Viện sĩ người Mỹ (1840 – 1910), giáo sư Đại học Yale và Albert Galloway Keller đã có quan niệm thú vị về vấn đề này: "Văn hóa là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ".
Thế giới đồ vật xung quanh ta càng nhiều, càng hiện đại, càng đa dạng thì đó là dấu hiệu của nền văn hóa phát triển và hiện đại. Chúng ta so sánh trình độ văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia kia thường căn cứ vào những trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, vào những phương tiện giao thông, vào hệ thống nhà máy, đường xe lửa, các nhà hàng ăn uống, các sản phẩm tiêu dùng.
Cho nên, để hiểu chính xác văn hóa là gì, định nghĩa của Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889 – 1968), người Mỹ gốc Nga là một căn cứ. Ông viết: "Với nghĩa rộng nhất, văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hoặc vô ý thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến lối ứng xử của nhau".
Văn hóa là của con người, do con người sáng tạo ra và vì lợi ích của con người
Song, văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia, lại sáng tạo ra con người của nơi đó.
Thuật ngữ "Văn hóa" bắt nguồn từ chữ La tinh "Cultus" với nghĩa là gieo trồng. Cultus Agri là gieo trồng trên đất đai, Cultus Animi là gieo trồng tinh thần. Giáo dục là một hoạt động cultus animi.
Thomas Hobbes (1588 – 1679), nhà triết học người Anh, viết rằng, lao động dành cho đất đai để có nguồn sống; lao động dành cho tinh thần để có những con người cho tương lai.
Còn tôi - tác giả bài viết này nghĩ rằng, gieo trồng trong xã hội sẽ tạo nên văn hóa ứng xử giữa con người trong xã hội, tạo nên tinh thần chung sống cùng nhau, tạo nên một thế giới hòa bình, phát triển bền vững.
Như trên đã nói, bên bờ của cái hố ngăn cách trình độ tiến hóa, người tinh khôn sống theo văn hóa của mình. Mọi hành vi, hành động, suy nghĩ của con người đều được kiểm soát bởi ý thức. Ở bên bờ đối diện là thế giới động vật – những sinh linh đó dù có trình độ trí khôn nào đó cũng chỉ sống bằng những bản năng. Để thích nghi với hoàn cảnh, chúng không thể sáng tạo ra "thế giới đồ vật", và phương thức thích nghi duy nhất là thay đổi cơ thể mình cho phù hợp với hoàn cảnh. Chúng chưa bao giờ có được một biểu hiện của một đời sống văn hóa, do đó, chúng chưa bao giờ có năng lực tách ra khỏi ngoại giới. Năng lực đó là ý thức.
Về điều này, nhà Tâm lý học X.L. Rubinstein viết rằng: "Ý thức là tri thức về điều ngoài ta, về khách thể đối diện với chủ thể nhận thức. Ý thức chỉ sinh ra từ con người, vì con người là một chủ thể tự tách mình ra khỏi ngoại giới, và tách ngoại giới ra khỏi mình như là một khách thể, một sự vật".
Một định nghĩa kiểu này không dễ gì đọc một lần là hiểu, và cũng có thể đọc một số lần vẫn chưa thật hiểu, nhưng chắc là, ai cũng thấy có một quan hệ bắc cầu: văn hóa tiến đến ý thức, ý thức tiến đến tri thức.
Tri thức là những kiến thức, thông tin, những kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Tri và Thức trong tiếng Việt đều là biết. Đứng trước một sự vật, một hiện tượng mà nói được "nó" là cái gì thì đó mới là hiểu. Còn khi nói được nó có nguồn gốc từ đâu, nó tồn tại theo cơ chế nào, tạo ra nó bằng phương thức nào thì mới gọi là biết. Biết tạo ra văn hóa, tức là tạo ra sự vật, đạo đức, lối sống, thói quen...
Cả thế giới này đều sinh thành từ tri thức. Xã hội càng tiến lên, nhân loại càng văn minh, thế giới càng đổi mới, xét đến cùng là nhờ tri thức, nhờ văn hóa. Tri thức thời đại công nghệ số, kỹ thuật số đang tăng lên theo cấp số mũ. Vì thế, văn hóa luôn đổi mới, luôn vận động và tính hiện đại của văn hóa nói lên sự tồn tại bền vững của nhân loại.
Văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa
Quá trình toàn cầu hóa trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển đã tạo nên xu thế xâm nhập lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc, các quốc gia sẽ thẩm thấu qua các biên giới, thông qua các đoàn du lịch, các đoàn nghệ thuật hoặc các dịch vụ du lịch, các hàng hóa nhập ngoại, sách báo và phim ảnh, mạng xã hội, các doanh nghiệp xuyên quốc gia và các đại hội thể thao quốc tế v.v... Người ta nhận thấy, trên các địa bàn dân cư khác nhau về màu da, sắc tộc, thể chế chính trị, những nét tương đồng về văn hóa ngày càng nhiều.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội đã nhận thấy, trong các lĩnh vực của đời sống, sự thâm nhập văn hóa có nhiều cách chọn lọc và không chọn lọc. Trên nhiều sân khấu biểu diễn văn nghệ, không ít ca sĩ đã chọn các bài hát tiếng Anh như một mốt thời thượng. Cả người hát và hàng trăm người nghe vô cùng phấn chấn, hoan hỉ nhưng có rất nhiều người trong đám đông ấy không biết tiếng Anh. Những ca khúc như Because I love you, Say you will... bằng Tiếng Anh được nhiều người Châu Á yêu thích.
John Naisbitt viết trong tác phẩm "Những xu thế vĩ mô năm 2000" rằng, "từ Toronto đến Bắc Kinh, đâu đâu cũng thấy các cô gái mặc quần bò". Đúng thế! Chiếc quần làm bằng vải Jean có xuất xứ từ nước Ý. Đây là loại vải dày, rất khó rách, trước kia, người ta may để những người thợ hoặc những nô lệ mặc, lăn lộn trong công việc mà chiếc quần chỉ sơ bề mặt vải. Quần Jean đi sang các nước châu Âu rồi tới Mỹ qua Levi Strauss. Những thợ đào vàng dùng loại quần này, sau đó là những chàng trai chăn bò, cả ngày mài đũng quần trên yên ngựa.
Giờ thì, các cô gái Việt Nam thanh tú, trút chiếc áo dài tha thướt, mặc áo chemise vải caro, dắt vào chiếc quần Jeans được mài mòn đầu gối và vùng mông. Một vẻ đẹp khỏe khoắn, rất hiện đại và rất "bụi"!
Có một dạo, các nhà hàng McDonal mọc lên như nấm, hấp dẫn thanh niên với sức hút nam châm của nó. Đâu đâu cũng thấy các tủ đầy ắp CocaCola và SevenUp. Giờ thì, buổi trưa, học sinh phổ thông ngồi kín nhà hàng KFC ăn gà rán giòn da McNuggetts, cánh gà KFC hãng CP, gà viên Popcom. Giới trẻ ở khắp nơi không lạ gì với bánh Burgers, kem Sundae hay McFlurry, nhưng có thể quên bún bò Huế hay Chả cá Anh Vũ.
Nhưng, có lẽ nét văn hóa ẩm thực phổ biến nhất là nhai kẹo cao su mà vợ chồng nhà tương lai học Patricia Aburdena và John Naisbitt gọi là văn hóa Chewing Gum.
Toàn cầu hóa và chính sách mở cửa đã tạo ra sự giao lưu văn hóa toàn cầu phát triển
Ban đầu, các công ty xuyên quốc gia đã tạo nên một mẫu người có năng lực làm ăn ngoài biên giới. Họ phải giao dịch theo văn hóa của những nước mà họ tới, làm quen với lối sống, trật tự xã hội, phong tục tập quán nơi họ đến. Việc ký kết thương mại theo các chính sách WTO đã cho các dịch vụ thương mại, ngân hàng, y tế, giáo dục thâm nhập qua biên giới. Về phương diện giáo dục, các trường học của nhiều quốc gia được phép hoạt động. Ta có thể kể một vài trường như Brigton College Vietnam của Anh với triết lý tuân thủ các giá trị cốt lõi "Sự tự tin – sự tò mò ham học hỏi" để học sinh trở thành chính họ chứ không phải phiên bản của một ai khác.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh ở một số nước. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã có mặt ở 10 nước Châu Á, châu Mỹ và châu Phi, cung cấp dịch vụ cho khoảng 75 triệu khách hàng.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có hàng chục dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài. Tập đoàn FPT có doanh thu từ nước ngoài với 12% tổng doanh thu của họ. Sữa Vinamilk, TH Truemilk cũng phát triển thương hiệu của mình khá tốt. Trong khi đó, các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Agribank đã hoạt động tại nhiều nước trong khối ASEAN như Myanmar, Lào, Campuchia.
Cùng với những dòng người du lịch, hàng hóa các loại, văn hóa phẩm, các đoàn nghệ thuật và thể thao các nước qua lại, trao đổi ngày càng nhiều. Đi tới Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, ta thấy các nhà hàng Việt Nam khá nổi tiếng như Pho King Crab, Washington (Mỹ), Bonjour Vietnam (Đan Mạch), Little Vietnam (Singapore), Phở Bình Trailer, Houston, (Mỹ), Phở Tàu bay (Úc), Cây tre (London - Anh), Hanoi & Hanoi, Tokyo, (Nhật)
Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia vô cùng nhanh nhạy. Một sự kiện tôn giáo, chính trị, thể thao được khai mạc ở Tokyo (Nhật Bản) thì ngay lập tức, hàng chục hàng trăm triệu người ở London (Anh), Stockholm (Thụy Điển), Đà Nẵng (Việt Nam), Savannakhet (Lào), Siem Reap (Campuchia) hay Bandung (Indonesia)... đã thấy trên truyền hình.
Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (2/2023) rung động ở thành phố Sahinbey vào hồi 4 giờ sáng ngày 6/2/2023 thì bản tin 6 giờ sáng của nhiều thành phố đã đưa tin trên sóng truyền hình và phát thanh. Ngay trong ngày đó, các quốc gia chia sẻ sự mất mát với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó các đoàn cứu hộ và viện trợ của 72 quốc gia đã bay tới quốc gia này.
Thế giới ngày nay ngày càng "phẳng" và giao thoa văn hóa là hiện tượng xảy ra nhiều như gần như tức thì
Chúng ta biết rằng, vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, "Con đường tơ lụa" nối từ Tây An (Trung Quốc) đến Tây Á được hình thành, mà người đặt nền móng đầu tiên là Trương Khiên (thời nhà Hán – Trung Quốc). Các thương nhân dùng lạc đà để thồ vải vóc, tơ lụa, và về sau là nhiều mặt hàng khác về nông sản, gốm sứ... Sự giao thương buôn bán kéo theo sự lan tỏa, truyền bá giữa người đi, kẻ đến về tôn giáo, đức tin, tập quán... Thương mại đã khởi đầu cho nhiều cuộc giao lưu văn hóa cách chúng ta vào khoảng 5000 năm.
Giờ đây, giao lưu văn hóa đang thúc đẩy việc hình thành những con người có năng lực sống chung trong ngôi nhà toàn cầu gọi là công dân toàn cầu.
Công dân toàn cầu là người đi ra thế giới mà không bị các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và việc làm. Họ tôn trọng văn hóa của dân tộc khác, chấp nhận luật pháp của quốc gia khác và chung sống với người khác về văn hóa, tập tục, thói quen là một phẩm chất cần thiết với họ.
Một số nhà nghiên cứu về mô hình "Công dân toàn cầu" đưa ra kết luận rằng, để có được những con người loại hình này thì phải giúp họ đạt 3 tiêu chí sau:
Tri thức toàn cầu (Global Knowledge): Những tri thức mới nhất về khoa học và công nghệ cần cho việc áp dụng vào những công việc trong những quốc gia khác nhau, những hiểu biết về văn hóa, về con người – nơi mà họ sẽ đến làm việc...
Kỹ năng toàn cầu (Global skills): Những kỹ năng cứng, kỹ năng mềm cần có để thích nghi với môi trường làm việc quốc tế, những kỹ năng sống để chung sống trong môi trường đa văn hóa...
Cơ hội việc làm toàn cầu (Global employments): Mục tiêu chính của việc đào tạo công dân toàn cầu là hình thành ở con người năng lực tìm kiếm việc làm, tham gia lao động – nghề nghiệp ở nước ngoài. Vì thế, phải trang bị cho họ những năng lực cốt lõi, những kỹ năng cơ bản, những phẩm chất mong muốn để có điều kiện nắm lấy những cơ hội được tuyển chọn, được chấp nhận, được làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học của các quốc gia mà họ đến.
Theo thời gian, số người trở thành công dân toàn cầu sẽ ngày càng đông đảo hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/van-hoa-va-con-nguoi-trong-dieu-kien-toan-cau-hoa-179230314095304045.htm