Văn hóa học đường - vấn đề đặc biệt quan trọng
Về vấn đề văn hóa học đường, ứng xử trường học, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc rèn người là nội dung trọng tâm và ưu tiên, vấn đề văn hóa học đường càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng.
Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình nhiều nội dung được đại biểu nêu. Các Bộ trưởng: Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia giải trình.
Rèn luyện đạo đức, nâng cao văn hóa học đường
Đề cập đến vấn đề đạo đức, văn hóa học đường, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, hiện nay, đạo đức học đường, văn hóa ứng xử đang xuống cấp trong nhà trường, bệnh viện.
Việc này dẫn đến gian lận trong học tập, thi cử, làm xấu đi hình ảnh nghề giáo viên và bác sỹ. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp căn cơ đối với vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, đây là những vấn đề "rất bức bối, khổ tâm”. Bản thân ông có nhiều suy nghĩ nhưng để làm được gì thì phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, năng lực.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trách nhiệm của người thầy, của học sinh là tự giác, khuôn mẫu; phải khuyến khích các em tự xây dựng đạo đức lối sống. Cùng với đó, cần phát hiện nhân tố tích cực để lan tỏa hình ảnh đẹp, tấm gương sáng; chú trọng giáo dục học sinh trong mối quan hệ giữa gia đình-nhà trường-xã hội, để xây dựng một thế hệ toàn diện.
Giải trình thêm về vấn đề văn hóa học đường, ứng xử trường học, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc rèn người là nội dung trọng tâm và ưu tiên, vấn đề văn hóa học đường càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng.
Phía ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách có liên quan; trong đó, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là một giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người.
“Xét về vấn đề văn hóa trong trường học, có hai phương diện rất quan trọng. Trường học có vai trò trong việc tạo dựng giá trị văn hóa; trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 1/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Bộ trưởng hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của Chỉ thị này sẽ tạo ra được nhiều chuyển biến, trong đó việc tạo dựng các giá trị bao gồm cả việc thực hiện thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những nội dung giáo dục mới, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá vấn đề rèn luyện các kỹ năng cho học sinh, tạo dựng môi trường văn hóa học đường...
Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp tình hình nhiệm vụ mới.
"Chúng tôi cũng lưu ý đến đề cao vai trò gương mẫu dẫn dắt của nhà giáo. Đây là điều có tính chất quan trọng vì học sinh luôn làm theo các tấm gương của người thầy. Những vấn đề về giáo dục kỹ năng ứng xử, phát triển thư viện trường học, văn hóa đọc; phối hợp giữa nhà trường và xã hội, đặc biệt đối với cha mẹ học sinh nhằm tạo dựng từng bước một văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, để tạo được một thế hệ với những giá trị như sự lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực... cũng được chú trọng", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến.
Xây dựng văn hóa học đường không dễ
Theo Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc thì: “Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp” (Phạm Minh Hạc (2010), "Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI", NXB Giáo dục).
Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa-giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi văn hóa chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững. Tuy vậy, trong thực tế nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường, vì vậy những hành vi lệch chuẩn trong trường học có cơ hội phát sinh, nảy nở, trong đó có bạo lực học đường đang là vấn đề bức xúc của ngành giáo dục và của xã hội.
Trong thời đại ngày nay với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, vấn đề văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm giữ gìn và phát triển. Bên cạnh những xu hướng lớn như: Các quốc gia luôn đón nhận giao lưu giữa các nền văn hóa, sẵn sàng tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa có tính nhân loại, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… văn hóa ngày càng phân mảng nhỏ hơn đi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội rất phong phú, đa dạng. Như: Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông, văn hóa học đường... hoặc xây dựng các cộng đồng văn hóa như ấp văn hóa, xã văn hóa, chợ văn hóa…
Trong bối cảnh đó, theo Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Phạm Văn Khanh, trường học hiện nay không chỉ là trường học trí tuệ mà còn phải là trường học văn hóa. Nhà trường không được nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa trong sứ mệnh giáo dục và đào tạo của mình. Mỗi trường học cần có bước đi, cách thức xây dựng văn hoá học đường ở trường mình cho phù hợp theo đặc điểm của trường và tính chất của văn hóa trường học. Mục tiêu của xây dựng văn hóa học đường là môi trường. Môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, an toàn; môi trường xã hội nhân văn với các mối quan hệ thân thiện, lành mạnh.
Bản chất của xây dựng văn hóa học đường là hoạt động. Hoạt động của người dạy (nhà trường, nhà giáo dục) và hoạt động của người học (học sinh, sinh viên). Trong đó người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử, văn hóa môi trường, văn hóa chất lượng… mà nhà trường đã lựa chọn xây dựng. Hoạt động này của ngưởi dạy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt lớp, tư vấn cá nhân, lồng ghép qua môn học, đánh giá giáo dục…Người dạy qua hoạt động này cũng phải gương mẫu trong thực hiện các chỉ bảo văn hóa này như đối với người học. Điều đó không thể không có và cũng là nhằm tạo ra môi trường văn hóa chung của nhà trường.
Hoạt động của người học là tự mình kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận, các chỉ dẫn văn hóa đã lĩnh hội tiến đến có hành vi văn hóa chuẩn mực. Làm được điều đó người học phải tích cực như có ý chí, động lực, động cơ hoạt động vớí điều kiện phải hiểu được tri thức văn hóa; có tình cảm, niềm tin về giá trị văn hóa để có hành vi văn hóa tự mình.
Khó có thể xây dựng văn hóa học đường trong một trường học nếu thiếu môi trường văn hóa và người dạy chỉ rao giảng suông về văn hóa. Một người lớn không thể dạy cho trẻ con rằng đừng chửi thề nhưng chính ông ta lại chửi thề. Ông thầy không thể dạy học sinh của mình rằng hãy làm theo những gì thầy nói, đừng làm theo những gì thầy làm.
Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Phạm Văn Khanh cho rằng, xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn như: Đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học cũng có nhiều biến tướng, bạo lực học đường chưa được ngăn chặn…Thực tế đó vừa đặt ra tính bức xúc, sự cần thiết vì sao phải xây dựng văn hóa học đường đồng thời cũng nói lên rằng đây là vấn đề có nhiều khó khăn và thách thức.
Xây dựng văn hóa học đường đối với người dạy vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Muốn xây dựng thành công văn hóa học đường phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu ngay trên từng tiêu chí, từng nội dung của văn hóa học đường cần xây dựng.
Tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường
Ngày 1/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021, Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 và Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường.
Tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu khát vọng cống hiến.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/van-hoa-hoc-duong-van-de-dac-biet-quan-trong-179220811005643307.htm