"Văn hóa đồng chiêm" và du lịch
Tháng 6 vừa qua, các nhà nghiên cứu văn hoá, du lịch đã tổ chức một cuộc hội thảo về "Văn hoá đồng chiêm Bình Lục" ngay tại thị trấn Bình Mỹ, trung tâm của huyện.
Bấy lâu nay, phong trào "nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch" đã thành một hướng phát triển mới trong xã hội. Quả vậy, du lịch đã giúp cho kinh tế phát triển nhanh.
Theo thống kê, những năm trước đại dịch COVID, ngành du lịch đóng góp trực tiếp gần 10% vào GDP của nước ta. Một con số mà nhiều ngành kinh tế khác mơ cũng không thấy được. Du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói, là "con gà đẻ trứng vàng".
Các vùng miền đã tận dụng thế mạnh của mình để làm du lịch. Có du lịch lên núi như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt. Có du lịch xuống biển như Hạ Long, Sầm Sơn, Nha Trang. Có du lịch tâm linh như thăm chùa Hương Tích, Bái Đính, Tam Chúc...
Nhiều khi, cách làm du lịch còn chưa đúng lắm. Khi đi thăm chùa Việt mà lại như lạc vào một ngôi chùa ở nước nào đó với tượng Phật nhiều vô kể, to lớn nhưng hệt như tượng Phật Trung Hoa. Nét kiến trúc chùa Việt là dung dị, mà ở những chùa to như vậy lại có kiến trúc ngoại lai từ góc mái, sân chùa.
Dường như du lịch tâm linh đã có những nét biến tướng, chưa kể, nhiều nơi còn bị phá đi chùa cũ để xây mới hoặc thêm những kiến trúc "bê tông hoá" từ đường đi đến cây cầu, tiện cho việc đi đứng cho du khách, nhưng phản cảm ở những vùng lõi của di tích.
Trong đà phát triển của ngành du lịch, có lẽ cần chú ý hơn đến mảng di sản văn hoá mang đậm hồn cốt của dân tộc. Có lẽ những du khách nước ngoài đến Việt Nam rất quan tâm đến mảng này.
Họ không đến Việt Nam để hưởng thụ các tiện nghi ở Resort hay khách sạn mấy sao, vì ở nước họ đã quá quen thuộc. Họ muốn đến khám phá đất nước, con người và lịch sử Việt Nam. Vì thế mà họ thích đi lang thang đây đó, hoà nhập vào xã hội.
Hình ảnh các ông "Tây" đeo ba lô nặng trĩu vừa đi vừa tra bản đồ trên đường phố đã quen thuộc với chúng ta. Nhiều khi họ muốn tự mình trải nghiệm, tự mình tìm hiểu chứ không cần sự giúp đỡ của ai, mặc dù người Việt sẵn sàng chỉ đường giúp họ.
Trong đà phát triển du lịch hiện nay, có những vùng đất tưởng như không có thế mạnh nào về du lịch, nhưng thực ra là chúng ta chưa biết khai thác mà thôi. Một trong những vùng đất như vậy là vùng nông nghiệp như huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Tháng 6 vừa qua, các nhà nghiên cứu văn hoá, du lịch đã tổ chức một cuộc hội thảo về "Văn hoá đồng chiêm Bình Lục" ngay tại thị trấn Bình Mỹ, trung tâm của huyện.
Bình Lục là vùng đất trẻ, mới chỉ có làng xóm được thành lập từ thời văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng hơn hai ngàn năm. Trước đó là vụng biển. Khi biển rút dần về phía đông, cũng là lúc sông Hồng, sông Đáy cùng các chi lưu sông ngòi lấp đầy phù sa. Nước rút đến đâu thì cánh đồng mọc ra đến đấy.
Những người đầu tiên đặt chân lên đất Bình Lục là những nông dân đi tìm đất mới để khai hoang trồng lúa. Ban đầu, đất còn chua và mặn. Dần dần, với sự cần cù chịu khó của người nông dân, đất đã được thau chua, rửa mặn và hợp với một dạng lúa chiêm chỉ trồng được một vụ ở vùng trũng.
Suốt mấy ngàn năm, Bình Lục vẫn còn trũng, là cái "rốn nước" của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người và đất Bình Lục đã vươn lên để tạo nên một văn hoá, đó là "văn hoá đồng chiêm".
Văn hoá đồng chiêm đã để lại dấu ấn đậm nét trong di sản văn hoá của người Việt. Trước tiên là những chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp, mà điển hình là trống Ngọc Lũ. Ngọc Lũ là tên gọi của một xã trong huyện Bình Lục. Cách đây hơn một thế kỷ, trống Ngọc Lũ còn được dân làng thờ trong đình và được coi như một vị thần. Sau đó, trống được mang về Viện Viễn Đông bác cổ và nổi tiếng khắp thế giới từ bấy đến nay. Nhà nước xếp hạng trống là bảo vật quốc gia.
Tại trụ sở Liên hợp quốc (Mỹ) cũng bày phiên bản trống Ngọc Lũ. Hình ảnh của trống được sử dụng là logo trên nhiều đài truyền hình, các ấn phẩm văn hoá phổ biến. Chính những vùng đồng chiêm đã sản sinh ra những chiếc trống đẹp nhất như Ngọc Lũ (Hà Nam), Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Nội), Đống Lãm (Hưng Hà, Thái Bình).
Văn hoá đồng chiêm còn để lại nhiều câu ca dao, tục ngữ nói lên cái vất vả của người nông dân ở vùng "6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay" (đi thuyền), ngập lụt 6 tháng trong năm.
Bình Lục đã sinh ra một nhà văn hoá, nhà thơ đại tài Nguyễn Khuyến. Nay nơi ông ở vẫn còn và trở thành từ đường dòng họ thờ ông. Cảnh vật ngày xưa quanh ngôi nhà Nguyễn Khuyễn vẫn còn nguyên, "ngõ trúc quanh co khách vắng teo" với "ao thu lạnh lẽo nước trong veo". Qua bao năm tháng, ngôi nhà ông ở vẫn có kiến trúc y nguyên.
Cách nhà từ đường không xa còn có đình Vị Hạ thời Hậu Lê khá đẹp, cũng được xếp hạng là di tích quốc gia. Bình Lục, miền quê nông nghiệp còn nghèo, có lẽ vì thế mà làng quê còn giữ được nhiều nhà cổ, làng cổ mà chưa bị dấu ấn của đô thị hoá, công nghiệp hoá lấn lướt.
Vùng đồng chiêm vẫn là một vùng đất nhiều ô trũng, cái rốn nước của nhiều sông ngòi thuộc lưu vực sông Hồng, sông Đáy đổ về. Nhưng cũng vì thế mà cái hương vị ẩm thực của Bình Lục lại khá độc đáo, nhiều nơi nuôi hay đánh bắt được thuỷ sản đậm chất đồng chiêm, ao, hồ, đầm, sông ngòi như ba ba, cua đồng, cá rô, ốc nhồi, cà cuống, lươn, ếch…và nhiều loại rau quả khác.
Một thời đấy là những món ăn của nhà nghèo cứ ra đồng là mò cua, bắt ốc về làm thức ăn. Nay thì những thứ thuỷ sản này lại là món đặc sản hấp dẫn người thành phố, du khách.
Có một văn hoá đồng chiêm, thuần Việt mà chỉ có ở những vùng chiêm trũng như Bình Lục. Người Bình Lục ngày nay cố gắng đổi đời bằng du lịch và họ có đủ cái vốn di sản văn hoá để phát triển du lịch.
Đó là những di tích nổi tiếng như từ đường Nguyễn Khuyến, các ngôi đình cổ như đình Vị Hạ, khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân đắp đập Cát Tường để chống hạn ngày 14/1/1958. Đó là những di tích tiêu biểu trong số 376 di tích (có 22 di tích được xếp hạng quốc gia), 29 lễ hội truyền thống. Ngôi đình Ngọc Lũ nổi tiếng cũng cần được tu sửa, đúc phiên bản của trống Ngọc Lũ thờ trong đình như ngày nào để du khách đến thăm và cúng viếng như một vị thần Trống đồng ở một số đền Đồng Cổ nổi tiếng khác.
Cái "văn hoá đồng chiêm Bình Lục" sẽ biến mảnh đất này trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhờ địa lợi: Gần thành phố Phủ Lý, gần thủ đô Hà Nội có mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt xuyên Việt chạy qua.
Lại còn nhờ cái vốn văn hoá di sản văn hoá vật thể và phi vật thể giàu có nữa lôi cuốn khách quốc tế và trong nước muốn tìm hiểu những nét độc đáo của văn hoá Việt và con người Việt Nam được tôi luyện hàng ngàn năm ở chính nơi "chiêm khê, mùa thối" một thời này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/van-hoa-dong-chiem-va-du-lich-179220703084446679.htm