Vai trò của đội ngũ nhà giáo trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0
Thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đối với người thầy về sự am hiểu về công nghệ thông tin, năng lực tự học, khả năng nghiên cứu khoa học, tinh thần sáng tạo cao.
Người thầy càng phải rèn luyện năng lực giao tiếp, thông qua các hệ thống trực tuyến và tổ chức quá trình giao tiếp bảo đảm sao cho thu hút, kết nối được với nhiều người học. Bên cạnh đó, phẩm chất, năng lực của người thầy dựa trên nền tảng tri thức và ý chí. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo cần có năng lực định hướng, giúp cho người học không bị mù quáng, biết cách nuôi dưỡng khát khao và đam mê. Người xưa nói "ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm", nhà khoa học lao động cần cù như một thương gia để duy trì thành quả khoa học trước đó thì chỉ đào tạo ra đội ngũ trí thức làm "thợ", những người thực hiện nhiệm vụ lắp ráp lại sản phẩm, hoàn toàn không thể sáng tạo được. Từ những yêu cầu trên, để xây dựng và phát huy tốt vai trò của đội ngũ nhà giáo trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi các lực lượng sư phạm trong các nhà trường cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, năng lực và thực sự là tấm gương sáng về tự học và sáng tạo
Đây là nội dung quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo của các nhà trường. Theo đó, các lực lượng sư phạm tại các nhà trường cần quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu các thành tựu của khoa học, công nghệ mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Các nhà trường phải tăng cường tổ chức những hội thảo, nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất đội ngũ nhà giáo trong tình hình mới. Tập trung lựa chọn, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo cả bề rộng và chiều sâu. Trong đó, coi trọng công tác tạo nguồn, xây dựng đề án phát triển đội ngũ nhà giáo một cách hợp lý; chủ động đưa cán bộ, giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, kỹ thuật số phát triển như vũ bão, nếu như đội ngũ nhà giáo không tự mình trau dồi kiến thức chuyên môn, không tự mình làm chủ được kiến thức, không chỉ kiến thức môn học đảm nhiệm, cũng như những vấn đề liên quan đến môn học và các lĩnh vực khác của xã hội thì họ sẽ không giữ được vai trò quan trọng của mình trong giảng dạy. Bên cạnh việc học tập mở rộng kiến thức chuyên môn người giáo viên cần phải là tấm gương về nghiên cứu khoa học. Thời đại kỷ nguyên số đã làm thay đổi căn bản công cụ và phương pháp tiến hành nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu giờ đây cũng đã thay đổi rất nhiều, từ sự trợ giúp đắc lực của công nghệ thông tin và phạm vi cũng có sự thay đổi lớn với không gian mạng. Mục tiêu giáo dục và đào tạo là hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; trong đó: "Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam". Theo đó, đội ngũ nhà giáo phải tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó định hướng cho người học phương pháp học tập, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình học tập.
Thường xuyên cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực
Đội ngũ nhà giáo phải thường xuyên cập nhật nội dung giảng dạy, ngoài việc đảm bảo tính khoa học còn phải đảm bảo tính thời sự. Nội dung giảng dạy phải liên tục được cập nhật, hướng cho người học cách vận dụng tri thức được trang bị vào giải quyết vấn đề thực tiễn xã hội nói chung và hoạt động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường. Trong thời đại công nghệ số với nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ, không biên giới đòi hỏi việc định hướng nội dung, cách tiếp cận nguồn tài liệu tham khảo cho người học là vô cùng quan trọng. Khi trang bị cho mình được kiến thức cần thiết, với khả năng phân tích, tổng hợp mới giúp người học hình thành tư duy phản biện trước những kiến thức đa dạng, nhiều chiều như hiện nay.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục: "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người". Theo đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực tiễn đất nước; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Vì vậy, vai trò của đội ngũ nhà giáo là vô cùng quan trọng và đặt ra yêu cầu đối với họ ngày càng cao, nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo hiện nay. Đặc biệt, trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0thì yêu cầu với đội ngũ nhà giáo trên mọi mặt: kiến thức, kỹ năng, phương pháp, phẩm chất, nhân cách,.. ngày càng cao để có thể làm tốt vai trò của mình trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Phát huy tính tích cực, tự giác học tập của đội ngũ nhà giáo trong học tập, rèn luyện
Đây là biện pháp có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đổi mới phương pháp giảng dạy của người giáo viên, tạo nên sức mạnh nội sinh giúp họ tiếp thu nhanh những thành quả mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại.
Đứng trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải tích cực nghiên cứu, nắm bắt các tri thức khoa học, công nghệ; hình thành năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề đặt ra trong hoạt động giảng dạy. Không chỉ học trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác nhau như liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học qua các mô hình trực quan. Mặt khác, tích cực, chủ động lên kế hoạch học tập, nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng tìm hiểu và lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy nhiệt tình, ham muốn học tập trong mỗi người. Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác tìm kiếm, chia sẻ tài liệu, đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới và hội nhập quốc tế. Tăng cường hoạt động giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm, giảng liên kết, dự giờ, thông qua bài nhằm giúp đội ngũ nhà giáo đổi mới phương pháp giảng dạy. Tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt học thuật nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, học tập hiện đại theo hướng mở.
Học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin
Hiện nay, nội dung ngoại ngữ và công nghệ thông tin có ý nghĩa quyết định đối với quá trình tiếp nhận các thành tựu của tri thức nhân loại. Ngoại ngữ chính là phương tiện hữu ích nhất để giúp chúng ta tiếp nhận những thành tựu mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Do đó, mỗi nhà giáo cần học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm tạo dựng phương tiện kết nối, trao đổi thông tin, kiến thức, phương pháp giảng dạy của các nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt sẽ tạo cơ hội cho đội ngũ nhà giáo tiếp cận các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế giúp tiếp thu tri thức nhân loại.
Để nâng cao chất lượng học ngoại ngữ và công nghệ thông tin đòi hỏi các lực lượng sư phạm cần điều chỉnh nội dung, chương trình bồi dưỡng ngoại và công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo một cách cân đối; tổ chức nhiều các hoạt động và hình thức như câu lạc bộ tiếng Anh, tọa đàm, giao lưu, thông qua đài truyền thanh, hệ thống panô, khẩu hiệu sử dụng song ngữ,… nâng cao chất lượng sử dụng các phương tiện dạy học, thiết kế và sử dụng giảng dạy bằng trình chiếu một cách linh hoạt, sáng tạo.
Trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên nhiều lĩnh vực và để đáp ứng được yêu cầu đặt ra, giáo dục Việt Nam cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới theo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thông tin. Một trong những nhân tố chủ yếu quyết định sự thành công của giáo dục, đào tạo là đội ngũ các nhà giáo. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần quyết tâm và kiên trì, nỗ lực hết mình, trước hết cần chủ động tìm hiểu và ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào việc nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ đó, giúp họ đào tạo được nguồn nhân lực có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vai-tro-cua-doi-ngu-nha-giao-trong-thoi-dai-cach-mang-cong-nghiep-40-179230307164721045.htm