Vai trò của AI trong chống gian lận thương mại điện tử và bảo mật thông tin người dùng
Trí tuệ nhân tạo (AI) là giải pháp tiềm năng góp phần bảo mật thông tin người tiêu dùng, chống gian lận và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử.
Đánh cắp thông tin và gian lận giao dịch thương mại điện tử là vấn đề đáng báo động
Theo Báo cáo tổng kết An ninh mạng Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 do Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) tổng hợp, tình trạng lộ dữ liệu của người dùng tại Việt Nam đã ở mức báo động. Các vụ việc mất thông tin cá nhân thường bao gồm việc đánh cắp thông tin thanh toán, thông tin cá nhân, và tài khoản đăng nhập từ các sàn thương mại điện tử bị xâm nhập, dẫn đến nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dùng.
Thiệt hại do gian lận thương mại điện tử trong năm 2022 đã được tính đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Bộ Công An đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân.
Sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng cũng có xu hướng nhắm vào doanh nghiệp thương mại điện tử. Theo NCS, trong năm 2023 có 13.900 vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tại Việt Nam. Như vậy, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Các cuộc tấn công thường nhắm vào dữ liệu khách hàng, thông tin thanh toán, và cả cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp thương mại điện tử.
Về gian lận trong thương mại điện tử, các hình thức phổ biến bao gồm gian lận thanh toán, gửi hàng không đúng mô tả, và sử dụng thông tin giả mạo để mua hàng.
Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, trong khoảng 2 đến 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Gian lận, lừa đảo, và mất thông tin dữ liệu trong thương mại điện tử không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất niềm tin từ phía khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín và doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
AI giúp phát hiện và ngăn chặn hành vi đánh cắp thông tin người dùng và gian lận thương mại điện tử
Trước thực trạng đáng lo ngại này, việc tăng cường kiểm soát bảo mật trong giao dịch thương mại điện tử là vấn đề cấp thiết. Trong đó, việc sử dụng công nghệ, cụ thể là ứng dụng AI có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, cũng như giúp bảo mật thông tin người dùng trong giao dịch thương mại điện tử nhờ những khả năng mạnh mẽ.
Việc sử dụng AI hiệu quả có thể giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng cường an ninh, giảm thiểu rủi ro gian lận, và cung cấp trải nghiệm mua sắm an toàn hơn cho khách hàng.
Khả năng xác minh danh tính: AI được sử dụng để xác định và xác minh danh tính của người mua khi họ thực hiện giao dịch trực tuyến, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt, giọng nói… giúp ngăn chặn đánh cắp thông tin và gian lận tài khoản. Công nghệ nhận dạng giúp đảm bảo rằng người thực hiện giao dịch là chủ sở hữu hợp pháp của tài khoản. Điều này không chỉ bảo vệ cho chính người mua mà còn bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp.
Phân tích hành vi người dùng: AI có thể theo dõi và phân tích hành vi của người dùng, cũng như dữ liệu từ lịch sử giao dịch, từ đó phát hiện những hành vi bất thường có thể là dấu hiệu của gian lận. Ví dụ, một người dùng thay đổi địa chỉ giao hàng nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc cách thức mua hàng không đồng nhất cũng có thể là dấu hiệu cần chú ý của gian lận thương mại điện tử.
Phát hiện gian lận thanh toán: AI có thể phân tích hàng triệu giao dịch để phát hiện ra những mẫu hành vi bất thường, giúp dự đoán, ngăn chặn gian lận và bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp một cách hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường thương mại điện tử, nơi mà gian lận tài chính và lừa đảo có thể gây ra tổn thất rất lớn.
Kiểm duyệt sản phẩm, nhận biết và loại bỏ hàng giả: AI giúp tự động hóa quy trình kiểm duyệt sản phẩm và nội dung đăng tải trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời giúp phát hiện hàng giả bằng cách phân tích và so sánh hình ảnh sản phẩm, mô tả, và giá cả với dữ liệu của hàng hóa chính hãng.