Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội

16:19 - 16/10/2023

Ngày 16/10/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 16/10. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo đó, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội; việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm được quan tâm chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai;...

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 và cả giai đoạn giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, mặc dù nhiều khó khăn khách quan và khó khăn nội tại nhưng đã có sự nỗ lực lớn để đạt được kết quả khả quan.

Điều chỉnh tiền lương gắn với nâng cao chất lượng cán bộ công chức

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW không chỉ điều chỉnh tiền lương mà gắn với nâng cao chất lượng trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức. Nhấn mạnh, 2 nội dung điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm kỉ luật, kỉ cương công vụ nên cần rà soát sắp xếp cán bộ, công chức để bảo đảm yêu cầu đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tiếp tục thực hiện các đơn vị cấp huyện cấp xã, dự kiến có 35 huyện và trên 1000 xã thuộc diện sắp xếp. Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai nhưng qua báo cáo cho thấy một số địa phương đang chậm. Do đó, cần đôn đốc đẩy mạnh, giám sát, quán triệt bảo đảm trong Quý 3 phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm triển khai thực hiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như công tác kiện toàn bộ máy nhiệm kỳ tới.

Tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy, quản lý mạng xã hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tình hình cháy nổ trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini đã thể hiện chúng ta còn sơ hở trong công tác phòng cháy chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tăng cường thực hiện các giải pháp Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết về phòng cháy chữa cháy.

Về thực trạng lừa đảo qua mạng xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý mạng xã hội để cảnh báo những trường hợp lừa đảo trên mạng xã hội để người dân được biết, phòng ngừa. Về tình trạng bắt cóc, xâm hại trẻ em; tình trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử có trộn ma túy khá phổ biến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý lĩnh vực này.

Nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể phát triển khoa học, công nghệ

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9 năm 2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5 % - 6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá nếu chỉ tăng 1% năm suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, do vậy Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển. Bởi nguồn nhân lực là động lực nội sinh và cốt lõi của nền kinh tế, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với 3 đột phá chiến lược, 2 yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng nhân lực vẫn chưa có đột phá trong lĩnh vực này mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, đề án, gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ.

Phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cân đối các nội dung trong báo cáo, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, “gạn đục khơi trong” để làm nổi bật các kết quả đạt được để thấy được nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023; nhấn mạnh công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc họi, Chính phủ, giao lưu Nhân dân được đẩy mạnh, chủ động triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và sôi động các đoàn ra, đoàn vào góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm mục tiêu chung của năm 2024. Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong thời gian tới, tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách; đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế…cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nêu vấn đề về đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và sớm xây dựng trình Quốc hội xem xét thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc chuẩn bị báo cáo tương đối công phu, phản ánh đúng thực trạng và lưu ý cần đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các nội dung, các phần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, báo cáo cần chú trọng đến một số nội dung như, về thực hiện kế hoạch cơ cấu nền kinh tế 2021-2025, đến hết năm 2023 dự kiến còn một số chỉ tiêu, mục tiêu còn có khoảng cách xa so với kế hoạch, nhiều khó khăn thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng, công tác dự báo còn nhiều hạn chế, việc ứng phó với tình hình cấp bách có lúc, có chỗ còn bị động, chưa kịp thời, việc kiểm soát thực hiện chính sách còn bất cập.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã được nêu tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để hoàn thiện các báo cáo đạt chất lượng cao, đảm bảo toàn diện, sâu sắc, bao trùm các khía cạnh, các lĩnh vực và sát với tình hình thực tiễn, nhìn nhận rõ những vấn đề, thách thức, phân tích rõ nguyên nhân và nêu rõ giải pháp thực hiện để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-cac-van-de-kinh-te-xa-hoi-179231016154110663.htm