Ưu trội của đội ngũ trí thức mới
Ưu trội của trí thức chính là sự tích lũy tri thức và vận dụng tri thức vào cuộc sống trên cơ sở họ có đủ 4 yếu tố làm nên con người trí thức mới.
Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945), vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể. Đảng cũng có nhiều văn kiện quan trọng nói đến vai trò của người trí thức, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 2 (Khóa VIII) với Nghị quyết 02-NQ/HNTW về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII) với Nghị quyết 05-NQ/HNTW về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tầm vóc của trí thức mới
Trí thức là ai? Thế nào là người trí thức chân chính? Là một vấn đề mở bởi khái niệm "Trí thức" là một khái niệm mở. Trong nước và trên thế giới đã có không biết bao nhiêu cuộc tranh luận về trí thức, số lượng các bài viết về người trí thức đã quá nhiều, các định nghĩa về trí thức cũng rất phong phú.
Vấn đề là ở chỗ, người ta chưa nói rõ thực chất trí thức là ai, họ quan trọng như thế nào, vì sao vị trí quan trọng của họ không thể phủ nhận và không thể thay thế mối quan hệ giữa họ với nhân dân và dân tộc cũng như với tiến trình phát triển của mỗi dân tộc và nhân loại nói chung.
Đứng trước những câu hỏi đại loại như trên, chúng ta cần hiểu rằng, sự có mặt của trí thức, tầm vóc trí tuệ của họ, những cống hiến vĩ đại của họ, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Sự ra đời của người trí thức và đội ngũ trí thức nói chung là kết quả của cả một quá trình con người vật lộn với tự nhiên, đấu tranh trong xã hội theo quy luật tiến hóa của nhân loại. Chính trong quá trình đấu tranh để sinh tồn và phát triển, con người đã sáng tạo ra những giá trị khoa học, những nền văn hóa đặc sắc và đa dạng, những nền văn minh từ thấp đến cao, những giá trị tinh thần và vật chất ngày càng phong phú. Công lao đó là của đông đảo người lao động, trong đó có trí thức. Chính những con người bình thường ấy bằng lao động của mình đã đặt nền tảng cho việc chinh phục tự nhiên, đấu tranh xã hội và tạo ra kho tàng của cải nuôi sống con người và cả những giá trị tinh thần đáp ứng cho cuộc sống của mỗi thời đại.
Người tri thức, kể cả những trí thức thiên tài đều không phải là những siêu nhân, mà họ cũng xuất thân từ những con người bình thường. Những sáng tạo nhờ trí tuệ, những phát hiện ra những chân lý vĩ đại không phải là những sản phẩm của sự tưởng tượng vô căn cứ mà là kết quả lao động không mệt mỏi của người trí thức. Những vĩ nhân: triết gia K.Marx, F.Engels, Chủ tịch Hồ Chí Minh... cũng từng là những con người bình thường, mà trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ đã hoạt động với những thiên chức của người trí thức.
Nói đến thiên chức ở đây là đề cập đến chức năng, có ý nghĩa bản chất của nhà trí thức và đội ngũ trí thức nói chung. Nói đến thiên chức ở đây cũng là để phân biệt người trí thức chân chính với người có học vấn cao hoặc người nắm kiến thức khoa học, nghệ thuật nhưng đi ngược lại với thiên chức vốn có của người trí thức chân chính.
Hiểu thế nào về thiên chức của trí thức?
Nếu coi trí thức là người học cao, có học vấn đại học hay trên đại học đi nữa – và chỉ có thế không thôi – thì là một cách hiểu sai lệch và ấu trĩ.
Mặt khác, không thể lấy tiêu chí nào đó áp đặt một cách chủ quan cho những người mà từ đó, ta gọi họ là trí thức. Đồng thời, không có tiêu chí nào chung cho trí thức sống trong những thời đại khác nhau.
Một trong những dấu hiệu quan trọng của người trí thức là dù sống trong xã hội nào, tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa thì đã là trí thức thì phải là người gắn bó với dân, lấy việc phục vụ dân làm mục đích, làm lý tưởng trong hoạt động của mình.
Tất nhiên, khi nói đến Trí thức, ai cũng hiểu rằng, đó là những người có học vấn cao, có hiểu biết rộng. Nhưng xếp họ vào phạm trù "Trí thức" thì phải căn cứ vào những chức năng sau đây có được họ thực hiện hay không.
Chức năng sáng tạo văn hóa; duy trì, lưu giữ truyền bá những giá trị cơ bản của xã hội theo hướng chân, thiện, mỹ và chân lý. Chức năng phản biện xã hội (mà K.Marx gọi là chức năng phê phán), biết nhìn rõ sự vật, suy xét đến cùng sự vật đó và thẳng thắn phê phán, đánh giá những gì không đúng, không hợp lý.
Chức năng đào tạo lớp trí thức mới cho đất nước và góp phần "trí thức hóa" (intellectualization) con người trong xã hội (đặc biệt là trong xã hội trí thức ngày nay với nền kinh tế tri thức đang phát triển). Chức năng xã hội, thể hiện ở sự tham gia các hình thức xã hội, các phong trào xã hội tiến bộ cùng những công việc mang tính xã hội.
Chính từ quan niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ luôn phải là người vừa có đức, vừa có tài. Đức phải có trước, tài là quan trọng.
Ngày xưa, trong đào tạo nhân tài cho đất nước, các cụ luôn nói đến những người thành đạt, những nhà khoa bảng và gọi họ là những bậc hiền tài. Chỉ căn cứ vào học vấn, vào kết quả thi cử không thôi là phiến diện khi đánh giá, sử dụng con người. Hiền tài mới là nguyên khí quốc gia.
Xã hội luôn trọng vọng trí thức
Học xong đại học không phải là đã trở thành trí thức. Chúng ta đang đi vào đại chúng hóa đại học, rất nhiều người lao động hiện đã với tay tới học vấn đại học. Đánh giá và xếp sinh viên mới ra trường là trí thức là một ngộ nhận đáng tiếc.
Những người có học vị cao (tiến sĩ), chức danh khoa học cao (giáo sư, phó giáo sư) không thể tự ý đôn họ lên là trí thức. Họ không thực hiện thiên chức của trí thức thì chỉ xếp họ ở hàng những người được học cao, học nhiều mà thôi.
Những người được nhân dân trọng vọng, gọi họ là trí thức, thường không bao giờ tự cho mình là trí thức. Những kẻ háo danh, tài hèn sức mọn, bằng con đường không minh bạch nào đó mà có được một danh vọng mới hay vỗ ngực tự xưng mình là trí thức.
Một số người đã nhìn nhận về người trí thức chỉ thông qua cái danh, mà không biết rằng, tài năng và đức hạnh giống như một thân cây, cái danh của con người chỉ là cái bóng cây. Đánh giá cái cây là đánh giá chính cái thân cây chứ không phải đánh giá cái bóng cây.
Về nguyên tắc, đánh giá và sử dụng trí thức là căn cứ việc họ thực hiện thiên chức, không có tiêu chí nào khác. Jean Paul Sartre nói rằng: "Người tìm ra năng lượng nguyên tử là trí thức. Nhưng người chế tạo ra bom nguyên tử để giết đồng loại hàng loạt không thể coi là trí thức. Vì thế, người chân chính cho rằng, trí thức có công tìm ra năng lượng nguyên tử, còn chống lại việc dùng năng lượng nguyên tử để hủy diệt con người là thiên chức của trí thức".
Hành vi mẫu mực ở người trí thức
Trước hết, họ có một học vấn uyên thâm và biết vận dụng học vấn của mình để làm ra những giá trị cho con người, cho xã hội. Những người nói mà không làm, đại ngôn nhưng chẳng biết mình nói gì chỉ là một thứ "nhân cách rỗng tuếch".
Bill Gates – một con người được coi là giàu có vào hàng nhất thế giới – cho rằng, "Trong cuộc sống mỗi người, sự rỗng tuếch là đáng sợ hơn cả".
Dù học vấn có uyên thâm đến đâu thì người trí thức vẫn cảm thấy mình hiểu biết còn quá ít. Do vậy, trí thức bao giờ cũng lao vào học tập, tìm tòi và nghiên cứu. Xưa nay, "kẻ Trí" luôn hiểu bản thân họ còn chưa biết điều gì, điều gì họ cần phải học thêm. Chỉ khi biết mình còn thiếu nhiều tri thức thì lúc đó mới thể hiện được dung mạo của một trí thức.
Khổng Tử đã rất chí lí khi ông viết: "Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy mới là biết!"
Người trí thức chân chính chỉ phục tùng chân lý. Họ không chấp nhận sự áp đặt. Dùng quyền lực có thể bắt trí thức yên lặng, không cho họ nói ra những điều họ nghĩ thì họ im tiếng, nhưng không thể tháo dỡ ý tưởng trong đầu của họ.
Galileo Galilei (1564 – 1642) là nhà thiên văn học ủng hộ thuyết Nhật tâm của Nicolaus Copernicus. Ông tuyên bố trái đất quay xung quanh mặt trời như một chân lý. Lời tuyên bố này đi ngược với Kinh Thánh. Do vậy, tòa án dị giáo ở Rome đã xét xử ông, bắt ông đặt tay lên tập Kinh Thánh mà thề rằng, trái đất đứng yên. Nếu không thề, Galileo bị rút phép thông công.
Thề xong, ra khỏi giáo đường, Galileo ngửa mặt lên trên trời, nói rằng: Dù sao thì trái đất vẫn xoay xung quanh mặt trời.
Đây là một tính cách rất phổ biến ở đội ngũ trí thức.
Trí thức là người có cá tính rất riêng biệt, họ không chấp nhận mình giống người khác, bởi giống người khác sẽ làm cho họ lặp lại người khác mà không sáng tạo được.
Trần Tiến là một nhạc sĩ tài năng, một trí thức trong giới âm nhạc. Có lần, trong giao lưu với người hâm mộ, ông tâm sự rằng, để sáng tác ca khúc thì đừng có nghe các bài hát do các nhạc sĩ khác sáng tác. Bởi nếu nghe quen tai thì tác phẩm của mình sẽ bị ảnh hưởng của giai điệu ở những bài do nghệ sĩ khác tạo nên. Nghe các bài hát như "Mặt trời bé con", "Chiếc vòng cầu hôn", "Sao em nỡ vội lấy chồng", "Vết chân tròn trên cát", "Em vẫn như ngày xưa", của ông rất khác biệt, giai điệu ấy rất "Trần Tiến".
Một nét riêng điển hình của những trí thức lớn, những tài năng nổi trội là ở sự nhìn xa, trông rộng. Viết về trí thức, Học giả Vũ Khiêu đánh giá rằng, trí thức là người nhìn thấy trước cái mà người khác chưa thấy, lo trước những cái mà người khác chưa lo. Đó là cái ưu hoạn của trí thức. Jean Paul Sartre cũng đã nói về trí thức bằng một câu mà nhiều người coi là kỳ cục: Trí thức là người thích làm những việc của người khác.
Thực ra, trí thức hay làm những điều mà nhiều khi lúc đầu không được nhiều người chấp nhận. Công việc làm đó của họ đã khiến cho nhiều người trong số họ thấy mình cô độc. Và đến khi thiên hạ công nhận họ đúng thì họ đã phải chịu "trái đắng" một thời gian không ngắn.
Trong đề tài cấp nhà nước "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tầng lớp trí thức – Những định hướng chính sách" mà tôi đã bảo vệ thành công năm 1999, có một đoạn phân tích giới trí thức Nga sống trong thời kỳ bất ổn, có trích một câu của nhà sử học người Nga – ông Poljiakov Juri Aleksandrovich: "Người trí thức thường là người xa lạ đối với cả chính quyền lẫn nhân dân: là người thân thuộc giữa những người xa lạ và là người xa lạ giữa những người thân thuộc".
Trong hội đồng đánh giá đề tài này có nhà viết kịch và có cả nhà nghiên cứu xã hội học lại tâm đắc với câu nói này. Điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều đến trạng thái mà Học giả Vũ Khiêu gọi là sư ưu hoạn của trí thức.
Năng lực tiên nghiệm ở trí thức lớn
Cũng cần nói thêm rằng, sự tranh luận của các nhà triết học, sử học, xã hội học... về trí thức còn xoay quanh một vấn đề thú vị. Đó là năng lực "tiên nghiệm" vốn ở những trí thức lớn, nhất là ở những vĩ nhân được xếp ở hàng thiên tài.
Tiên nghiệm (transcendental) – có "trước kinh nghiệm", là một hiện tượng rất khó giải thích.
Năm 1966, trong khi miền Bắc mỗi người dân phải hứng chịu 45,5kg bom đạn, mỗi km vuông phải chịu 6 tấn bom đổ xuống, miền Nam đang chịu hàng chục triệu lít chất độc da cam/dioxin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ngày thắng Mỹ và một thời kỳ mới kiến thiết đất nước tươi đẹp.
"Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp bị tàn phá, song nhân dân ta quyết không sợ! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn" (trích Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh "không có gì quý hơn độc lập, tự do" phát trên Đài tiếng nói Việt Nam ngày 17/7/1966).
Lúc cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố sẽ xây dựng to đẹp và đàng hoàng. Và giờ đây thật sự chúng ta có những thành phố như vậy, gấp cả trăm lần trước đây.
Có lẽ bản chất của sự tiên nghiệm là sự tích lũy tri thức, cộng với điều mà Khổng Tử gọi là "tri thiên mệnh" - hiểu được mệnh trời, mà diễn giải theo quan điểm duy vật biện chứng là ngộ được quy luật phát triển trong tự nhiên và xã hội.
Cái ưu trội của trí thức chính là ý thức tích lũy tri thức và vận dụng được tri thức vào cuộc sống.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/uu-troi-cua-doi-ngu-tri-thuc-moi-179230308174553304.htm