Ứng dụng văn hóa vào việc dạy tiếng Anh cho sinh viên

Trong các giờ dạy hiện nay chúng ta thấy rõ sự thiếu quan tâm tới văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để người học có được cả khả năng ngôn ngữ học và khả năng giao tiếp giao văn hóa khi sử dụng ngoại ngữ đó. Ngôn ngữ và văn hóa là không thể tách rời.

Do đó, dạy học ngoại ngữ phải luôn gắn liền và song hành với dạy học văn hóa, và cụ thể là đưa các hoạt động liên văn hóa, giao văn hóa vào các giờ học tiếng Anh dưới góc độ EOC (Ethnography of Communication - nhân học giao tiếp). 

Đây là phương pháp thực hành giao tiếp dựa trên góc độ nhấn mạnh yếu tố giao thoa văn hóa trong giao tiếp giữa các cộng đồng ngôn ngữ (speech community). Thông qua việc phân tích sự khác biệt giữa văn hóa Việt và văn hóa Anh - Mỹ về ngôn ngữ cơ thể (body language), cử chỉ, hành vi, người học có thể đem đến những thông điệp giao tiếp một cách tự nhiên nhất, chuẩn mực nhất của ngôn ngữ mà chúng ta đang học tập. Từ đó, người học có thể truyền tải được nội dung hội thoại không chỉ bằng ngôn ngữ, mà còn bằng các yếu tố liên quan tới sự khác biệt về văn hóa và giao thoa văn hóa, như cấu trúc hội thoại, khoảng lặng trong giao tiếp, tính lịch sự, giao tiếp bằng tay, giao tiếp bằng mắt, và khoảng cách giao tiếp phù hợp.

Phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu của việc dạy ngoại ngữ ngày nay là hướng đến rèn luyện năng lực giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên muốn giao tiếp hiệu quả thì người học cũng cần nắm vững các yếu tố văn hóa, trong đó nhân học giao tiếp là một yếu tố quan trọng trong quá trình giao tiếp. Đây là một phương pháp dạy và học nói tiếng Anh, luyện tập các đoạn hội thoại dựa trên ngôn ngữ cơ thể (body language), cử chỉ, hành vi để người học có thể truyền tải được nội dung hội thoại không chỉ bằng ngôn ngữ, mà còn đảm bảo các quy tắc giao tiếp, hội thoại phù hợp với các yếu tố văn hóa, giao văn hóa, từ đó sinh viên có thể hình thành năng lực giao tiếp trong thực tế, trong công việc sau này.

Phương pháp thực hành này dựa trên các yếu tố chuẩn mực về nhân học giao tiếp của nền văn hóa Anh - Mỹ và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động giao tiếp thực tiễn của người học. Phương pháp xem xét đến yếu tố liên văn hóa, giao văn hóa, sự khác biệt về văn hóa giữa văn hóa Việt và văn hóa Anh - Mỹ ngoài các cấu trúc câu, ngữ pháp, từ vựng như là một thành tố thiết yếu để hình thành năng lực giao tiếp cho sinh viên trong thực tiễn.

Thảo luận

Sinh viên chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Thương mại được học bốn học phần tiếng Anh, từ tiếng Anh 1 đến tiếng Anh 4, theo bộ giáo trình Life, từ Life Elementary, Life Pre Intermediate, Life Intermediate, và Life Upper Intermediate. Mỗi học phần sinh viên được học 11 tín chỉ,165 tiết với giáo viên người Việt và 30 tiết với giáo viên người nước ngoài. Các học phần tiếng Anh thực sự chiếm ưu thế trong việc đào tạo sinh viên hệ liên kết quốc tế với mục tiêu các em sẽ đạt chuẩn trong việc đánh giá năng lực ngoại ngữ và học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ở năm thứ ba. 

Tuy nhiên, trên thực tế, khi dạy tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nói, giáo viên chỉ quan tâm đến việc cung cấp cho sinh viên các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, phân vai, mà chưa quan tâm đến các yếu tố liên văn hóa, giao văn hóa, sự khác biệt về mặt văn hóa giữa văn hóa Việt và văn hóa Anh - Mỹ về nhân học giao tiếp, về ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, hành vi. Giáo viên cần giải thích, hướng dẫn, làm mẫu, cho xem các đoạn video, hình ảnh về những đoạn hội thoại chuẩn mực trong văn hóa Anh - Mỹ. Từ đó, người học có thể bắt chước, vận dụng, tiến hành hoạt động nói, nhằm đem đến những thông điệp giao tiếp một cách tự nhiên nhất, chuẩn mực nhất của ngôn ngữ mà chúng ta đang học tập.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong quá trình giao tiếp: lời nói bao gồm ba yếu tố: ngôn ngữ, phi ngôn ngữ (hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể) và giọng điệu. Trong đó, yếu tố phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các phương pháp dạy học truyền thống chỉ chú trọng vào việc phát triển ngôn ngữ khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp thực tế với người nước ngoài, chưa thực sự tự tin và giao tiếp một cách tự nhiên. Do đó, mục đích giao tiếp chưa đạt được và năng lực giao tiếp của sinh viên còn hạn chế.

Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh nói chung và đặc biệt là giờ học nói tiếng Anh ở học phần 3 nói riêng với giáo trình Life Intermediate tác giả đã áp dụng một số giải pháp như sau:

Giải pháp thứ nhất

Trong những giờ học nói, tác giả xen kẽ, lồng ghép, giải thích cho sinh viên về sự khác biệt trong cấu trúc hội thoại. Cấu trúc đoạn hội thoại thường gồm 3 phần mở - thân - kết. Đối với văn hóa Việt Nam, mở đầu cho một đoạn hội thoại thường rất đa dạng, chúng ta có thể hỏi nhau những câu như "Chị ăn cơm chưa?", "Chị đi làm về ạ", "Anh dạo này béo trắng ra thế?"… Khi kết thúc cuộc hội thoại, người Việt cũng có nhiều cách chào, như "Bác lại nhà", "Sao về sớm thế?"… Tuy nhiên, trong tiếng Anh, ở phần đầu đoạn hội thoại, người ta chỉ chào nhau rất ngắn gọn "Hi", "Hello", "Good morning",… và tạm biệt nhau "Bye bye" "Good bye",… Cách nói trực tiếp của tiếng Anh, đi vào thẳng vấn đề cũng là nét khác biệt về văn hóa mà giáo viên cần lưu ý. Sinh viên cảm thấy rất hứng thú với những sự khác biệt về văn hóa này. Từ đó, sinh viên sẽ giao tiếp đúng hơn và chuẩn mực hơn.

Giải pháp thứ hai

Sự khác biệt trong khoảng lặng trong giao tiếp giữa văn hóa Việt và văn hóa Anh - Mỹ cũng là một yếu tố liên văn hóa, giao văn hóa cần được giải thích cho sinh viên. Im lặng có giá trị liên văn hóa, nhưng im lặng được hiểu như thế nào trong nền văn hóa Đông - Tây. Trong vài văn cảnh, im lặng có nghĩa là thiếu lịch sự trong tiếng Anh nhưng vẫn chấp nhận trong tiếng Việt. 

Ví dụ, trong tiếng Việt, tình huống 1 bạn gái được khen rất xinh đẹp, bạn gái đó có thể im lặng mà người khác vẫn hiểu là bạn gái đó nhận lời khen và đang cảm thấy bẽn lẽn, xấu hổ vì lời khen đó. Khi một người hỏi bạn là "Bạn thích công việc của mình chứ?", nếu bạn im lặng, người nghe có thể hiểu là bạn thích, chứ không nhất thiết phải trả lời "Có". Tuy nhiên, trong tiếng Anh, im lặng lại được coi là bất lịch sự. Khi người khác đặt câu hỏi cho bạn, người ta mong muốn nhận được câu trả lời, hoặc một cử chỉ, hành động nào đó cho thấy bạn đang tán thành hay phản đối nhận định của họ. Và để thành công trong giao tiếp, bên cạnh năng lực ngôn ngữ, thì hiểu biết về văn hóa là rất cần thiết.

Do đó, trong quá trình lên lớp, giáo viên giải thích về sự khác biệt này cho sinh viên hiểu, tránh mắc lỗi giao tiếp trong hội thoại với bạn bè và ngoài thực tế cuộc sống. Ngoài ra, khi quan sát các cặp, các nhóm tiến hành hoạt động nói, giáo viên cũng nhận xét và góp ý luôn để các em ghi nhớ và vận dụng khoảng trống im lặng trong cuộc hội thoại phù hợp với chuẩn mực giao tiếp của văn hóa Anh - Mỹ hơn.

Giải pháp thứ ba

Sự khác biệt về tính lịch sự trong tiếng Việt và tiếng Anh cũng là một yếu tố liên văn hóa và cần được chú trọng khi dạy và học nói tiếng Anh.

Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ của phép lịch sự. Có rất nhiều cụm từ thể hiện tính lịch sự trong giao tiếp bằng tiếng Anh như "please", "thank you", "could you…?", "would you mind…?". Bên cạnh đó, tần suất các cấu trúc sử dụng cách nói rào đón (hedge) xuất hiện nhiều hơn trong tiếng Anh như: "maybe", "could", "would", "should", "possible",...

Trong khi đó, do chưa quen diễn đạt phép lịch sự bằng ngôn ngữ nên người Việt có xu hướng biểu hiện sự nhẹ nhàng, lịch thiệp, gần gũi của mình qua các hành vi phi ngôn ngữ ở dạng ngoại ngôn (extralanguage) như cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, tư thế,... hay cận ngôn (paralanguage) như tốc độ nói, khoảng lặng, nhượng lời, cao độ, trường độ,... Người được cho là giao tiếp lịch sự trong tiếng Việt phải nhượng lời người có tuổi hơn, khoảng dừng giữa các lời thoại khi giao tiếp với người lớn tuổi phải dài hơn trong giao tiếp với bạn bè trang lứa. Trong khi đó, những yếu tố trên không phải là chuẩn mực giao tiếp lịch sự quan trọng trong tiếng Anh. Hiểu đúng về phép lịch sự và lịch sự đúng mực đòi hỏi sự hiểu biết và thâm nhập văn hóa nhất định. Có như thế năng lực ngôn ngữ mới trở thành năng lực giao tiếp.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cung cấp cho sinh viên các cấu trúc, cụm từ mang tính lịch sự trên bảng hoặc slide. Ví dụ, ở hoạt động số 1 Unit 9 trang 106, khi phỏng vấn để hỏi về thói quen mua sắm của ai đó, giáo viên hướng dẫn sinh viên sử dụng những từ, cụm từ mang tính lịch sự:

- Could you tell me about your shopping habits?

- Would you like to shop in the supermarkets?

- Would you mind if I ask you a question?

- Thank you for helping me.

- Thank you for your support.

Giải pháp thứ tư

Khi hướng dẫn sinh viên tiến hành các hoạt động nói, giáo viên rất lưu ý sinh viên về cách giao tiếp bằng tay. Giáo viên có trình chiếu những hình ảnh, video các đoạn hội thoại để sinh viên xem và bắt chước những cử chỉ, hành vi lịch sự, tránh cho tay vào túi quần, khoanh tay trước ngực, hay chỉ tay vào mặt người khác.

Khi có những hiểu biết về mặt nhân học giao tiếp này, sinh viên sẽ tránh được các lỗi về văn hóa, các cú sốc văn hóa, và để lại ấn tượng tốt đẹp với đối tác.

Giải pháp thứ năm

Trong giao tiếp, ánh mắt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của hội thoại. Giao tiếp bằng mắt là tiếp xúc đầu tiên của con người khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

Do đó, khi dạy sinh viên, giáo viên hướng dẫn các em, làm mẫu một vài đọan hội thoại với một sinh viên bất kỳ trong lớp và chỉ cho các em thấy một số điểm lưu ý: giao tiếp nên nhìn thẳng vào người đối diện, nhưng không nên nhìn chằm chằm, hoặc nhìn bằng ánh mắt soi mói, nên thay đổi điểm nhìn ở những vị trí xung quanh để giảm áp lực với người đối diện, luôn thể hiện thiện chí qua những nụ cười và quan tâm đến nội dung cuộc hội thoại.

Giải pháp thứ sáu

Khoảng cách trong giao tiếp thế nào cho phù hợp cũng là một yếu tố giao văn hóa, rất có ý nghĩa trong việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để đạt được hiệu quả của cuộc hội thoại. Duy trì một khoảng cách hợp lý tùy thuộc vào mức độ thân thiết của người nói và đối phương, khoảng cách tốt nhất là từ 1m đến 1,2m trong cuộc hội thoại hai người. Người Việt luôn có xu hướng xích lại gần đối phương để thể hiện sự thân thiết, nhưng người Anh, Mỹ luôn thể hiện sự tôn trọng bằng cách giữ đúng khoảng cách với người nghe.

Trong các giờ học, giáo viên đan xen cung cấp cho sinh viên những phông, nền kiến thức về liên văn hóa, giao văn hóa dưới góc độ nhân học giao tiếp. Giáo viên hướng dẫn, làm mẫu và quan sát các cặp sinh viên thực hiện hoạt động nói, hoạt động hội thoại vào mỗi giờ học nói.

Kết luận

Phương pháp thực hành này dựa trên các yếu tố chuẩn mực về nhân học giao tiếp của nền văn hóa Anh - Mỹ và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động giao tiếp thực tiễn của người học. Phương pháp đem lại rất nhiều lợi ích khi học tiếng Anh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Do, T. (1999, October), Foreign language education policy in Vietnam: The emergence of English and its impact on higher education. Paper presented at the Fourth International Conference on Language and Development, Hanoi, Vietnam.

2. Duong, T. (2000), Suy Nghi Ve Van Hoa Giao Duc Vietnam. HCMC: Tre Publisher.

3. Ellis, G. (1995), Teaching and learning styles in Vietnam: Lessons for Australian educators. Journal of Vietnamese Studies, 8, 9-16.

4. Hofstede, G. (1991), Cultures and organisations: Software of the mind. London: McGraw Hill.

5. Jaatinen, R (2001), Autobiographical knowledge in foreign language education and teacher development. Harlow, England: Longman.

6. Jones, J. (1995), A Cross cultural perspective on the pragmatics of small group discussion. Singapore: RELC.

7. Kramsch.C. (2000), Language and culture. Oxford: OUP.

8. Larsen-Freeman, D. (1999, October), On the appropriateness of language teaching methods in language and development. Paper presented at the Fourth International Conference on Language and Development, Hanoi, Vietnam.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ung-dung-van-hoa-vao-viec-day-tieng-anh-cho-sinh-vien-179221226001534154.htm