Ứng dụng CapCut đạt con số ấn tượng 1,4 tỷ người dùng
Theo dữ liệu từ Statista, tính đến ngày 9/9/2024, lượt tải xuống toàn cầu của CapCut đã đạt 1,4 tỉ. Cả CapCut và TikTok đều thuộc sở hữu của ByteDance.
CapCut ra đời như thế nào?
Năm 2016, TikTok đã làm đảo lộn ngành công nghiệp truyền thông xã hội khi ra mắt công chúng. Ứng dụng do ByteDance sở hữu này đã cung cấp cho mọi người những video giải trí nhanh chóng, phù hợp với cuộc sống bận rộn. Chẳng bao lâu sau, những ông lớn như Instagram, YouTube và Facebook cũng phải tham gia vào xu hướng video dạng ngắn để bắt kịp với các xu hướng của TikTok.
CapCut là ứng dụng chỉnh sửa video được tạo ra bởi công ty lShenzhen Lianmeng Technology vào năm 2016. Và tên gọi của CapCut lúc bấy giờ là ViaMaker. Khi TikTok và video ngắn ngày càng trở nên phổ biến, công cụ chỉnh sửa video này đã trở nên được yêu thích ở Trung Quốc, thúc đẩy ByteDance mua lại nó với giá 300 triệu đô la vào năm 2018.
Ban đầu, ứng dụng này chỉ khả dụng ở Trung Quốc cho người dùng Android và iPhone. Năm 2020, ứng dụng được đổi tên thành CapCut và ra mắt trên toàn cầu. Sau đó, nền tảng này mở rộng để bao gồm các phiên bản web và máy tính để bàn cho Mac và Windows. Và nhanh chóng, ứng dụng này đã đạt hơn một tỉ lượt tải xuống trên nhiều nền tảng, bỏ xa các phần mềm cũ từ các công ty như Adobe.
Ứng dụng chỉnh sửa video ngắn này trở thành một thành công lớn với lượng người dùng đông đảo. Vào cuối năm ra mắt, CapCut đã có 50 triệu người dùng hoạt động, sau đó tăng vọt lên 200 triệu vào năm 2022. Cuối năm 2022, nó đã trở thành một trong bốn ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới, đạt 357 triệu lượt tải xuống.
Vào tháng 3/2023, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng trình chỉnh sửa video CapCut là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ hai tại Hoa Kỳ, chỉ sau Temu.
Tính đến ngày 9/9/2024, dữ liệu của Statista cho thấy lượt tải xuống toàn cầu của CapCut đã đạt 1,4 tỉ, vượt qua các ứng dụng khác của ByteDance như ứng dụng tin tức Toutiao (245,1 triệu) và Xigua Video (145,63 triệu).
Tại sao CapCut lại phổ biến đến vậy?
CapCut là một công cụ miễn phí dành cho chỉnh sửa video, hữu ích cho những người sáng tạo nội dung trên TikTok, Instagram, YouTube và các nền tảng khác với định dạng video ngắn.
Đối với người dùng thông thường, việc tạo nội dung này gần như không thể mà không có các công cụ của CapCut. Mặc dù đã có nhiều ứng dụng chỉnh sửa video trước khi ByteDance cho ra mắt CapCut vào năm 2020, nhưng chúng thường phức tạp, khó sử dụng hoặc dành cho dân chuyên nghiệp.
CapCut làm cho việc chỉnh sửa video trở nên dễ dàng hơn cho những người chỉ muốn đăng nội dung lên mạng xã hội, với nhiều tính năng tích hợp, bao gồm thư viện âm thanh với nhạc và hiệu ứng sẵn có để tải lên TikTok.
CapCut cho phép chia sẻ video trực tiếp lên TikTok, lưu chúng để đăng ở nơi khác và hỗ trợ đa nền tảng, có thể chỉnh sửa trên điện thoại và hoàn thành trên máy tính bảng hoặc MacBook.
Gói miễn phí của CapCut đã đủ cho hầu hết người dùng, trong khi gói trả phí cung cấp nhiều tính năng hơn. Giao diện đơn giản và sự phổ biến trong cộng đồng sáng tạo nội dung đã giúp CapCut thu hút nhiều người dùng.
Tất cả những yếu tố này góp phần giúp CapCut chiếm lĩnh thị trường chỉnh sửa video nghiệp dư và chuyên nghiệp, đồng thời giúp ByteDance đưa CapCut đến với hơn một tỉ người dùng thông qua TikTok.
CapCut và những nghi vấn về quyền riêng tư
CapCut, như nhiều ứng dụng khác, thu thập dữ liệu người dùng, nhưng chính sách bảo mật của nó gây tranh cãi do khối lượng và loại dữ liệu thu thập. Đặc biệt, ứng dụng này còn thu thập không chỉ địa chỉ email của người dùng khi đăng ký mà cả địa chỉ email của người liên hệ.
Nếu người dùng sử dụng CapCut, ứng dụng có thể đã biết email của bạn bè, đối tác và các liên hệ khác trong danh bạ.
CapCut cũng thu thập dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt và cơ thể, song khẳng định rằng dữ liệu này không được lưu giữ hoặc chia sẻ với bên thứ ba. Tuy nhiên, thông tin về thời gian lưu giữ dữ liệu lại không được công bố rõ ràng.
Một vụ kiện năm 2023 cho rằng CapCut không thông báo cho người dùng về các hoạt động thu thập dữ liệu và không xin phép họ. Vụ kiện cáo buộc rằng ứng dụng không chỉ thu thập ảnh và video của người dùng mà còn cả vị trí, giới tính và ngày sinh, và những thông tin này được sử dụng để xây dựng một "ngân hàng dữ liệu" nhằm mục đích quảng cáo có mục tiêu.
Vụ kiện cũng chỉ trích ByteDance vì nhúng các khả năng thu thập thông tin kỹ thuật từ thiết bị của người dùng. Điều này bao gồm mọi thứ từ địa chỉ MAC của thiết bị đến các mã định danh như IMEI, MEID, ICCID và thậm chí cả số sê-ri SIM.
Ngày càng có nhiều người lo ngại về chính sách bảo mật của ứng dụng này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ung-dung-capcut-dat-con-so-an-tuong-14-ty-nguoi-dung-179241218174354742.htm