UN Women và Chính phủ Nhật khởi động dự án hỗ trợ 5.000 phụ nữ Việt Nam khó khăn, dễ bị tổn thương

T.V
11:57 - 03/08/2022

Theo thông tin từ Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Nhật Bản và UN Women vừa công bố dự án kéo dài một năm nhằm giảm thiểu rủi ro và các tác động tiêu cực của COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 1/3 phụ nữ Việt Nam phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đại dịch

Dự án nhằm hỗ trợ cho khoảng 5.000 phụ nữ nghèo, dễ bị tổn thương ở 9 tỉnh và thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Nghệ An, Thái Bình và Lào Cai.

Đối tượng ưu tiên là phụ nữ có nguy cơ cao bị bạo lực, phụ nữ khuyết tật, lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số, người bị mất hoặc giảm thu nhập do ảnh hưởng của COVID-19 và sống ở các khu vực bị thiên tai.

Ngoài các gói vật dụng phòng ngừa COVID-19 gồm các bộ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn, phụ nữ hưởng lợi từ dự án còn được truyền thông, trang bị các kỹ năng sống để phòng ngừa và ứng phó với dịch COVID-19, thiên tai, bạo lực giới và cách thức tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ sẵn có khi cần thiết. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới cư trú tại các nhà tạm lánh, Ngôi nhà Bình yên sẽ được hỗ trợ khám, chữa bệnh liên quan tới COVID-19.

Đây là một phần trong dự án vùng của UN Women và Chính phủ Nhật Bản thực hiện tại 4 nước khu vực sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Với sự quan tâm ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản đối với người dân sống ở tiểu vùng sông Mekong tại Việt Nam, các can thiệp của dự án cũng được thiết kế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ có trách nhiệm giới và năng lực cho cán bộ làm việc tại Văn phòng Thông tin di cư, Hội Phụ nữ các cấp và các tổ chức xã hội tại 9 tỉnh, thành phố nói trên. 

Do COVID-19, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã giảm 8% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2021, cụ thể là giảm từ 70,9% xuống còn 62,3%. COVID-19 đã góp phần làm giảm thời gian làm việc của phụ nữ, cũng như số lượng công việc trong các ngành sản xuất và dịch vụ. 

Một đánh giá nhanh do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và UN Women thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) vào năm 2021 cho thấy, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Theo báo cáo, tại Việt Nam, hơn 1/3 phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đại dịch, đặc biệt là các hành vi kiểm soát và bạo lực kinh tế.

UN Women và Chính phủ Nhật Bản khởi động dự án hỗ trợ 5.000 phụ nữ Việt Nam gặp khó khăn, dễ bị tổn thương - Ảnh 1.

Một bức ảnh chụp phụ nữ Việt Nam của UN Viet Nam/Aidan Dockery

Nhiều phụ nữ Việt Nam mất việc làm trong đại dịch

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam cho biết: Trong đại dịch COVID-19, tại Việt Nam, nhiều phụ nữ đã bị mất việc làm, giảm thu nhập hộ gia đình, thiếu thốn về nhà ở, gặp hạn chế về việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và bảo trợ xã hội, cũng như đối mặt với mức độ gia tăng không thể chấp nhận được của bạo lực trên cơ sở giới từ bạn tình.

“Chúng tôi hy vọng rằng dự án này tạo cơ hội cho việc tái cấu trúc và tạo ra một ‘bình thường mới’, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Sasaki Shohei, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.

Đại diện các đối tác triển khai dự án tại địa phương, bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Đà Nẵng chia sẻ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng đại diện cho 9 tỉnh, thành phố tham gia dự án đánh giá cao các hỗ trợ kịp thời của UN Women trong các ứng phó có trách nhiệm giới với COVID-19. Việc trang bị cho phụ nữ, đặc biệt là những nhóm phụ nữ thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất gói vật dụng và thông tin phòng ngừa COVID-19 là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp và tâm lý có phần chủ quan của người dân.

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/un-women-va-chinh-phu-nhat-ban-khoi-dong-du-an-ho-tro-5000-phu-nu-viet-nam-gap-kho-khan-de-bi-ton-thuong-179220803112647441.htm