Tuổi thơ trong trẻo trong thơ Phạm Anh Xuân

16:32 - 30/05/2022

Vài năm lại đây, thơ Phạm Anh Xuân được trẻ em thích thú và các bậc cha mẹ tin cậy chọn để nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ nhỏ.

Tuổi thơ trong trẻo trong thơ Phạm Anh Xuân  - Ảnh 1.

Nhà thơ Phạm Anh Xuân

Vậy trong thơ Phạm Anh Xuân có gì mà các cháu bé và phụ huynh các cháu tỏ ra thích thú đến như vậy?

Làm lung linh hơn những gì bé thấy

Sau mùa xuân với những ngày rét Đài, rét Lộc, rét Nàng Bân, mưa phùn ẩm ướt, nắng nhè nhẹ thì mùa hè cũng đã đến. Cùng với tự quan sát thiên nhiên, cảnh vật, chim chóc chung quanh mình, thơ Phạm Anh Xuân đã chắp nối thêm cho cái nhìn trong trẻo của các em để các em thấy cảnh vật thiên nhiên như chú ve, bông hoa lựu… đều trở nên sống động, có nhạc, có thơ.

Trong bài thơ "Mùa hè đến chơi", tác giả Phạm Anh Xuân viết: "Đêm qua bắt gặp chú ve/ Chú lên từ mảnh vườn quê sau nhà/ Chú trèo lên một khóm hoa/ Chầm chậm lột xác mượt mà cánh nhung/ Ban mai rực rỡ nắng hồng/ Sân nhà cây lựu đơm bông lập lòe/ Bỗng xôn xao tiếng hát ve/ Sáng nay có một mùa hè đến chơi".

Bài thơ vần điệu, có họa, có nhạc khiến các bé rất thích và dễ nhớ để rồi thêm tò mò, thích thú việc khám phá cảnh vật mùa hè quanh mình? Cô giáo hoặc cha mẹ có thể lấy bài thơ này để làm các câu hỏi trắc nghiệm về sự quan sát, những cảm nhận về mùa hè trong thơ đến thiên nhiên đang diễn ra trước mắt bé.

Nói qua thế để thấy việc mở mang kiến thức, tâm hồn, tình cảm cho bé cũng thật đơn giản, dễ dàng và thú vị nếu có cách dẫn dắt bé, đặc biệt là bằng những bài thơ nhẹ nhàng, chân chất, giàu nhạc điệu và hình ảnh về những gì diễn ra quanh bé. Sự học của trẻ nhỏ chính là ở đây, từ đây chứ đâu xa.

Phạm Anh Xuân đã có 4 tập thơ lần lượt được được các nhà sách chọn in bao gồm: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Trồng nụ trồng hoa” và “Bởi vì yêu thương” và hàng loạt tác phẩm thơ lớn nhỏ khác.

Trong bài thơ "Bức tranh thiên nhiên", tác giả Phạm Anh Xuân dẫn các bé đến khung cảnh làng quê nơi có đồi, có suối, có cỏ, có hoa: "Nghỉ hè bé về quê/ Được lên đồi, lên núi/ Được chơi sông, chơi suối/ Được nhìn cỏ, ngắm hoa/ Đêm trăng sáng bao la/ Sao vàng như sân thóc/ Buổi bình minh chim chóc/ Reo vang mỗi sáng ngày…".

Với bài thơ "Ngôi nhà bầu trời", tác giả Phạm Anh Xuân đã giúp các bé quan sát, liên tưởng để tìm được câu trả lời thật thuyết phục về ngôi nhà của cỏ, hoa, ong, bướm, trăng, sao… đó là bầu trời. Muôn loài trong vũ trụ này đều có chung ngôi nhà là bầu trời:

"Bé thì thầm với mẹ/ Con rất thương cỏ hoa/ Chúng chẳng có mái nhà/ Để đêm về nằm ngủ/ Mẹ ôn tồn nói nhỏ/ Muôn loài có nhà chung/ Ngôi nhà lớn mênh mông/ Là trời xanh mây trắng/ Cỏ hoa được sưởi nắng/ Cỏ hoa được tắm mưa/ Cùng ong bướm vui đùa/ Cùng trăng sao nằm ngủ/ Bé trải manh chiếu nhỏ/ Ngắm bầu trời bao la/ Đêm nay trên trần nhà/ Trăng và sao lấp lánh".

Những thứ ấy bé từng thấy trong sách, được học, được nghe cô giáo kể, nhưng khi về  quê tận mắt chứng kiến, rồi lại thấy long lanh trong thơ tác giả Phạm Anh Xuân thì niềm vui trong bé vỡ òa, buổi học như thế còn gì thú vị bằng.

Tuổi thơ trong trẻo trong thơ Phạm Anh Xuân  - Ảnh 2.

Một bản thảo thơ của Phạm Anh Xuân

Thêm yêu gia đình, nhà trường, quê hương

Đòi theo mẹ đi chợ, mẹ không cho theo thì khóc. Tuổi thơ ai chẳng quấn mẹ, muốn luôn được bên mẹ, dù mẹ có ở nhà hay đi đâu. Khi mẹ không cho theo thì người bé đeo lại là bố. Với bài thơ "Khóc xấu khóc xinh", tác giả Phạm Anh Xuân không chỉ nói thành công về mối quan hệ đó mà còn nhẹ nhàng chỉ ra lời dạy của người lớn giúp bé nhận ra đâu là xấu, đâu là đẹp mỗi khi khóc:

"Đòi theo mẹ đi chợ/ Bé nũng nịu khóc nhè/ Thế là bố ồ ề/ Con khóc nhè xấu lắm/ Mẹ đi công tác vắng/ Bé thấy nhớ mẹ ghê/ Thế là lại khóc nhè/ Bố dỗ dành đôn hậu/ Đòi theo là khóc xấu/ Nhớ mẹ là khóc xinh/ Nhưng thôi bố con mình/ Bây giờ vui đọc sách".

Bài thơ "Yêu thương còn mãi" thật đằm thắm, dễ thương, là bài học giúp các bé nhận ra trong cuộc sống cần yêu thương biết bao; yêu thương giúp con người sống tốt hơn, vui hơn, bởi vậy các em cần học cách cho đi yêu thương để giúp cha mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè, những người quanh mình hạnh phúc hơn:

"Mẹ ơi con hỏi/ yêu thương là gì?/ Nếu mà cho đi Sẽ còn hay mất/ Mẹ vui ánh mắt/ Vuốt mái tóc thơm/ Xòe vòng tay ôm/ Vỗ về nói nhỏ/ Một người nào đó/ Làm con thấy vui/ Cho con nụ cười/ Là yêu thương đấy/ Ồ, nếu như vậy/ Mẹ luôn cho đi/ Con được nhận về/ Yêu thương còn mãi".

Yêu bố mẹ, yêu ông bà được tác giả Phạm Anh Xuân thể hiện đậm nét trong nhiều bài thơ viết cho trẻ em. Tiêu biểu là bài "Tuổi thơ có bà" có câu kết thật xuất sắc, bất ngờ đã được một em bé chuyển ngữ sang tiếng Đức:

"Bà đi chợ về/ Cháu chờ trước cửa/ Bà ơi bà ơi/ Bánh đa vừng vỡ/ Chiều nay trang vở/ Đỏ chói điểm mười/ Cháu khoe rối rít/ Bà ơi bà ơi/ Tiếng cháu rộn vui/ Mắt bà trẻ lại/ Tuổi thơ có bà/ tuổi thơ còn mãi".

Với ngôi trường nơi hằng ngày đến học, tiếng trống trường sao mà rộn rã, thiết tha để các em thêm yêu trường, yêu thầy cô và bè bạn:

"Em yêu tiếng trống trường em/ Ngày ngày rộn rã rung lên từng hồi/ Nào cùng vui học bạn ơi/ Tùng tùng tiếng trống giục lời thiết tha/ Giục trang sách mới mở ra/ Dạy em bài học chan hòa yêu thương/ Biết yêu lớp học, mái trường/ Thầy cô, bè bạn, quê hương, xóm làng…".

Với tình yêu thương người mẹ hiền là cô giáo, trong ngày sinh nhật cô, các em học trò đã biết phân công nhau tặng những món quà đơn sơ, bất ngờ nhưng thể hiện tấm lòng dành cho cô thật ấm áp:

"Ngày mai sinh nhật cô/ Đám trẻ con xúm lại/ Chúng bàn nhau mê mải/ Ngày mai sẽ tặng quà/ Sáng nay đứa cầm hoa/ Giấu sau lưng, sau áo/ Đứa mang ổi, mang táo/ Đứa đem mận, đem mơ/ Cô giáo chợt bất ngờ/ Nay đám trò ngoan thật/ Cô long lanh ánh mắt/ Đám trẻ tủm tỉm cười/ Cô trò ríu rít vui/ Đám trẻ tròn miệng hát/ Những thơ ngây ấm áp/ Dâng ngập tràn yêu thương".

Sống ở thành phố phồn hoa, thứ gì cũng sẵn, những bé thơ cần được biết đến làng quê gốc gác của mình để vun đắp tình cảm quê hương. Bởi vậy, tác giả Phạm Anh Xuân không quên nhắn nhủ các em những món quà thật đơn sơ mà ấm áp của người thân ở quê dành cho mình qua bài thơ "Quà quê":

"Hôm nay bà gửi quà quê/ Bé theo chân mẹ mang về bày ra/ Rau xanh, gạo nếp, trứng gà/ Nào cam, nào ổi, nào na, nào hồng/ Bà gửi cả chú cún bông/ Mắt vui lạ lẫm trong lồng tròn xoe/ Túi quà gói trọn tình quê/ Đất trời phố thị bốn bề rộn vui".

Cứ thế, hàng trăm bài thơ của tác giả Phạm Anh Xuân đã mang đến những tìm tòi, khám phá thú vị cho các em về cuộc sống quanh ta, về tình yêu thương cha mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè, lớp trường, quê hương đất nước. Những vần thơ dung dị, dễ hiểu, dễ thuộc làm giàu thêm tâm hồn và sự ấm áp thương yêu nơi các em. 

Đó cũng là một sự khuyến học nhẹ nhàng mà hiệu quả đáng ghi nhận. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tuoi-tho-trong-treo-trong-tho-pham-anh-xuan-179220530154800934.htm