Tuổi "bất hoặc", "tri thiên mệnh" và án tham nhũng

18:56 - 20/08/2022

Trong những vụ đại án tham nhũng bị khởi tố gần đây, phần lớn bị can ở tuổi "bất hoặc", "tri thiên mệnh".

Tuổi "bất hoặc", "tri thiên mệnh" và án tham nhũng- Ảnh 1.

Quan tham trong án tham nhũng. Minh hoạ: Ndiep

"Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh" (Tạm dịch ba mươi tuổi lập thân, bốn mươi tuổi không còn nhầm lẫn, năm mươi tuổi hiểu thấu mệnh trời).

Câu nói ấy của triết gia Trung Quốc Khổng Khâu người nước Lỗ thời Xuân Thu cách nay hơn 2.500 năm, để nhận xét khái quát về một đời người qua từng giai đoạn. Dẫu rằng tuổi thọ của con người ngày càng tăng, tuổi 40 không còn là tuổi sắp già, nhưng câu nhận định có tính khái quát hoá tuổi trên dưới 40 của một đời người vẫn không hề lạc hậu.

Tuổi 40, thân thể cường tráng, sức khoẻ dẻo dai, trí tuệ minh mẫn, kinh nghiệm dồi dào, "tri túc, tri chỉ" (biết đủ, biết dừng), động năng và tiềm năng cống hiến cho xã hội, cho đời, cho chính mình rất dồi dào.

Ở tuổi 40, nếu sớm lập gia đình, đã có thể có con lớn trưởng thành, có cháu nội cháu ngoại, để đến tuổi 60 đã có chắt như nhiều miền quê vẫn thường gặp.

Trong lịch sử, phần lớn tài năng xuất chúng phát lộ ở tuổi "nhi lập", "bất hoặc".

Ở tuổi 40, thiên tài quân sự người Pháp Napoléon Bonaparte (1769-1821) đã đánh Đông dẹp Bắc, lên ngôi Hoàng đế.

Ở tuổi U40, J. F. Kennedy (1917-1963), đã là Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, một trong những tổng thống hào hoa nhất thế giới.

Ở tuổi 40, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) đã dẹp bỏ thù riêng, tận tâm phò tá Vua Trần xây dựng quốc gia hùng mạnh, chỉ huy quân dân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, viết nên thiên anh hùng ca chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Tuổi 40, tuổi chín chắn, tuổi thành công, không còn là tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu, không còn là tuổi thơ ngây nữa.

Tuổi 40 điềm đạm đương đầu với thử thách và đủ khôn ngoan để biết đúng, biết sai.

Thế nhưng, trong những vụ đại án tham nhũng bị khởi tố gần đây, phần lớn bị can ở tuổi "bất hoặc", "tri thiên mệnh". Điều đó cho thấy điều gì?

Hầu hết bị can là cán bộ, có chức có quyền, to thì cỡ Bộ trưởng Y tế, nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, tướng tá Quân đội trong vụ điển hình tham nhũng, tiêu cực có hệ thống từ bộ, ngành đến địa phương liên quan đến Công ty Việt Á. Đến nay đã có 25 vụ án liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á bị khởi tố với 95 bị can.

Bé hơn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng, Cục phó Lãnh sự và bé hơn nữa là một số chuyên viên Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, giám đốc doanh nghiệp liên quan đến vụ "giải cứu kiều bào". Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 17 bị can trong vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan.

Những bị can này, ở tuổi trên dưới 40, đã có quá trình công tác đủ dày để có thể được đề bạt lên những vị trí ấy. Họ đều đã "hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc" cho đến khi bị khởi tố.

Mối lợi quá lớn và sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan nơi họ làm việc, của tổ chức cơ sở Đảng nơi họ sinh hoạt là yếu tố cần để dẫn họ đến hành vi phạm tội. Điều quan trọng, yếu tố đủ là họ đã quên trách nhiệm người cán bộ của Nhà nước, người đảng viên của Đảng, để lòng tham trỗi dậy chi phối hành động.

Có ý kiến cho rằng, khi "đường dây" đã hình thành, thì dù không muốn, những người trong hệ thống rất khó thoát khỏi sự khống chế, ràng buộc của tình thế. Sự khống chế, ràng buộc ấy nhiều khi rất tinh vi, tế nhị. Một buổi sáng đẹp trời, đến cơ quan, bỗng nhiên được nhận một món "quà biếu của đối tác" để "cảm ơn" vì đã giúp đỡ. Rất khó để không nhận, bởi chuyện nhận quà "cảm ơn" đã thành nếp quen của cơ quan mất rồi. Không nhận hoá ra lạc lõng. 

Thời buổi bây giờ rất khó sống theo kiểu "tất cả đục riêng mình ta trong". Nhận rồi, khi "có biến", đương nhiên trở thành tòng phạm và món quà tưởng như vô tư kia trở thành tang chứng cho tội nhận hối lộ. Rất ít người đứng ra phát hiện, tố cáo đồng nghiệp và nhất là "sếp" của mình, bởi nhiều lí do.

Thực tế thì  có phải ai ở trong hệ thống đều nhúng chàm đâu! Rất nhiều người dù trong hệ thống đó mà vẫn không nhận quà, vẫn sống trong sạch. Vấn đề ở đây là lòng tham của những người nhúng chàm. Lòng tham làm cho người ta mờ mắt mà quên hết những điều đã biết, đã ngấm, đó là biết đúng, biết đủ, biết không nhầm lẫn, biết thấu mệnh trời !

Và khi đã nhúng chàm, dù đã ở tuổi "bất hoặc", "tri thiên mệnh", những người cầm đầu, người tổ chức phạm tội lại đem "kinh nghiệm" của mình để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc điều tra mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức.

Một khi đã hình thành đường dây phạm tội, thì những người liên quan đều phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình. Dù họ xuất thân như thế nào, có phải diện CÔCC (con ông cháu cha) hay không, khi đã được Cơ quan Điều tra "hỏi thăm" thì kết cục đều phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng với mức độ vi phạm. 

Ngành Y tế đã có cán bộ, kể cả lãnh đạo Bộ, xin nghỉ việc vì áp lực công việc, vì sợ trách nhiệm,  và cũng diễn ra tình trạng thiếu thuốc men, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác điều trị, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc vì lương thấp, vì áp lực công việc nặng nề, môi trường làm việc thiếu tính động viên.

Dư luận nhân dân rất đồng tình và cảm ơn Tổng Bí thư, Trung ương Đảng đã phát động công cuộc phòng, chống tham nhũng quyết liệt hiện nay. Đề nghị Trung ương vừa quyết liệt phòng, chống tham nhũng, vừa tăng cường giáo dục, cải tiến chế độ, chính sách với cán bộ, nhân viên bộ máy công quyền để họ "không dám, không thể, không cần, không muốn" tham nhũng.

Mong rằng, với kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những vụ án tham nhũng trước đây, cơ quan chức năng sẽ sớm kết luận, sớm đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, vừa răn đe, cảnh tỉnh những người muốn tham nhũng, vừa động viên, khuyến khích những người làm tốt, sống trong sạch, giữ ổn định nhân tâm, để cho guồng máy xã hội tiếp tục vận hành lành mạnh hơn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tuoi-bat-hoac-tri-thien-menh-va-an-tham-nhung-179220820175001781.htm