Từ vụ ông Dương Văn Thái: Khởi tố, bắt tạm giam đại biểu Quốc hội cần có sự đồng ý của ai?
Theo quy định của pháp luật, việc bắt giam đại biểu Quốc hội cần có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp thì cần có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Như Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đưa tin, ngày 26/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, ông Dương Văn Thái cũng bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội khóa XV kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.
Từ vụ việc này, bạn đọc đặt câu hỏi: Tại sao bắt đại biểu Quốc hội phải được Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đồng ý?
Bắt giam đại biểu Quốc hội cần có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo Khoản 1, Điều 79 Hiến pháp năm 2013 thì đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.
Cụ thể, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội (Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014).
Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội
Để thực hiện các nhiệm vụ của mình thì pháp luật quy định cho đại biểu Quốc hội những đặc quyền quan trọng mà một trong số đó là quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội. Đây được coi là điều kiện khiến cho các cơ quan hành pháp và tư pháp không thể tự ý thực hiện các hành vi pháp lý đối với đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Điều 81 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".
Theo quy định nêu trên, trường hợp bắt giam đại biểu Quốc hội cần có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp thì cần có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Có thể thấy, vai trò lớn nhất của đại biểu Quốc hội là phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các phát biểu mà đại biểu Quốc hội thay mặt Nhân dân phản ánh có thể đụng chạm đến lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Do đó, quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội được đặt ra từ đây, nhằm khuyến khích đại biểu Quốc hội nói lên ý chí toàn dân mà không bị ảnh hưởng bởi nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp. Đồng thời, đặc quyền này cũng là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của toàn dân, đảm bảo phát huy tính dân chủ trong quản lý Nhà nước.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền đề nghị bắt giam đại biểu Quốc hội
Theo Điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, việc bắt giam đại biểu Quốc hội phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp).
Như trong trường hợp ông Dương Văn Thái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.
Như vậy, thẩm quyền đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Ông Dương Văn Thái bị khởi tố và bắt tạm giam trong thời gian Quốc hội không họp nên thẩm quyền đồng ý thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội khi bị khởi tố bị can
Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về "Suy đoán vô tội" như sau: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Vậy nên, việc khởi tố, bắt tạm giam một người mới chỉ là bước đầu để phục vụ cho quá trình điều tra. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Theo Điều 39 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, việc mất quyền đại biểu Quốc hội là hậu quả pháp lý kéo theo khi một đại biểu Quốc hội bị kết án bằng một bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Để trở thành một đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thì người đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cụ thể như sau:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
-Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.