Từ chiều tối 14/10, ven biển Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sẽ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới tại Lý Sơn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Từ chiều tối ngày 14/10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9 ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, nằm trên khu vực Giữa Biển Đông, cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 330km về phía Đông Đông Nam.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão số 5.
19 giờ ngày 14/10, tâm bão số 5 mạnh cấp 8 giật cấp 10 ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc -110,3 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 180km về phía Đông Đông Nam. Vùng nguy hiểm ở Biển Đông trong 24 giờ tới từ 12,5-16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
7 giờ ngày 15/10, tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 nằm ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc-108,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vùng nguy hiểm ở Biển Đông trong 24 -48 giờ tới từ 12,5-16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.
Trong 48 -72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
7 giờ ngày 16/10, vùng áp thấp mạnh dưới cấp 6 ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc -106,2 độ Kinh Đông. Vùng nguy hiểm ở Biển Đông trong 48-72 giờ tới từ 13,0-16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Cảnh báo từ ngày 14 – 16/10, cấp độ rủi ro thiên tai tại phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông và phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên đạt cấp 3.
Cảnh báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mực nước trên một số sông chính từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đang dao động theo điều tiết xả của các hồ chứa thủy điện (vận hành hạ dần mực nước hồ theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa); mực nước các sông ở Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có dao động, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị biến đổi chậm.
Trung tâm này cảnh báo: Từ ngày 14 - 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10m, hạ lưu từ 1,5-5m. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai khả năng lên mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3; các sông Quảng Bình, Khánh Hòa và Đắk Lắk lên mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2; nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
Tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung
Ngày 13/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nêu rõ:
Nội dung công điện nêu rõ: Từ cuối tháng 9 đến nay, các địa phương miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Hiện nay, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới, bão có thể ảnh hưởng, tiếp tục gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày tới, tổng lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi trên 600 mm. Trong bối cảnh khu vực này vừa xảy ra mưa lớn, hồ chứa nước, sông suối đầy nước. Để chủ động ứng phó tình huống thiên tai phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lũ chồng lũ, sạt lở đất, lũ quét, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt tại các huyện có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét như Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam; Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi; Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cần tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.