Truy vấn về ý nghĩa của tự do với con người hiện đại

06:20 - 12/01/2023

Tự do của con người đã, đang và sẽ luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của các nhà tư tưởng. Trong lịch sử, vấn đề tự do đã được các nhà tư tưởng lý giải ở nhiều góc độ khác nhau.

Từ góc nhìn tâm lý học xã hội, trong cuốn "Trốn thoát tự do" của Erich Fromm, tác giả tập trung vào khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội trong thời đại của chúng ta: ý nghĩa của tự do đối với con người hiện đại.

Tự do là đích ngắm mà mọi người đều hướng đến, và nhiều khi người ta phải đấu tranh để giành lấy nó. Vậy mà ngay từ tựa đề cuốn sách, Erich Fromm đã khiến người đọc tò mò khi đặt ra một nghịch lý: nếu đã muốn sở hữu tự do, thì tại sao lại phải trốn thoát nó? Bằng cách tập trung vào khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội trong thời đại của chúng ta, "Trốn thoát tự do" của Erich Fromm giải đáp những thắc mắc xoay quanh nghịch lý này.

"Trốn thoát tự do" là một phần trong công trình nghiên cứu khái quát về cấu trúc tính cách của con người hiện đại và những vấn đề về tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội mà tác giả đã dày công tìm hiểu suốt nhiều năm. Cuốn sách hàm chứa một nội dung vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa nhân văn lớn lao đối với con người và sự phát triển của xã hội hiện đại; qua đó, thể hiện sự tiếp nối dòng tư tưởng khám phá về con người trong tiến trình lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung, và của tâm lí học xã hội - chính trị nói riêng.

Truy vấn về ý nghĩa của tự do với con người hiện đại - Ảnh 1.

"Trốn thoát tự do" gồm 7 chương và Phụ lục. Chương 1: Tự do - một vấn đề tâm lý; Chương 2: Sự trỗi dậy của con người cá nhân và sự mơ hồ của tự do; Chương 3: Tự do trong thời kì Cải cách; Chương 4: Hai khía cạnh của tự do đối với con người hiện đại; Chương 5: Những cơ chế trốn thoát; Chương 6: Hệ tâm lý của chủ nghĩa Quốc xã; Chương 7: Tự do và dân chủ; Phụ lục: Tính cách và tiến trình xã hội.

"Trốn thoát tự do" phân tích hiện tượng lo âu của con người, bắt nguồn từ sự tan vỡ của Thế giới Trung Cổ, nơi mà dù đầy rẫy hiểm nguy, anh ta vẫn cảm thấy bản thân được đảm bảo và an toàn. Sau nhiều thế kỷ đấu tranh, con người đã thành công trong việc tạo ra một kho của cải vật chất khổng lồ; xây dựng xã hội dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, và gần đây đã thành công trong việc bảo vệ mình trước những âm mưu độc tài mới. Nhưng, như phân tích trong "Trốn thoát tự do" cố gắng chỉ ra, con người hiện đại vẫn đầy hoang mang và bị đủ các kiểu độc tài xúi giục từ bỏ tự do, hoặc đánh mất nó bằng cách biến bản thân mình thành một bánh răng nhỏ trong cỗ máy, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng không phải là một con người tự do mà là một con robot.

Fromm nêu lên chủ đề chính của cuốn sách: "Con người, càng đạt được tự do theo ý nghĩa là bộc lộ chân tính độc đáo giữa con người và thiên nhiên thì càng trở nên một cá thể riêng biệt", tức là, mỗi cá nhân, khi bộc lộ bản ngã của mình trong thế giới, họ được tự do và trở thành những cá thể riêng, độc đáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều đó, bởi họ bị quy định bởi môi trường và hoàn cảnh xã hội, họ ẩn mình vào trong xã hội, ngại bộc lộ cái riêng biệt, và vô hình chung, họ trốn thoát sự tự do của chính mình. Fromm nhận định rằng, con người được sinh trưởng trong những kiểu gia đình khác nhau nên có những tính cách khác nhau, và vì thế cách hành xử cũng khác nhau. Vấn đề là không phải gia đình nào cũng là môi trường sống tốt nên con cái bị ảnh hưởng và nhân cách cũng được định hình từ những hoàn cảnh đầy những khiếm khuyết đó. Bởi thế mà Fromm nói, không phải ai cũng thực sự tự do trong cách hành xử của mình. Chính trong bối cảnh đó mà Fromm đề cao giá trị của tình yêu và tự do trong việc hình thành nhân cách. Ông cũng ước vọng về một xã hội nơi đó con người bình đẳng, tự do và hết lòng quan tâm đến nhau. Đó chính là những giá trị cao cả, nhân văn mà tư tưởng của Fromm hướng tới trong tác phẩm "Trốn thoát tự do".

Với 24 lần tái bản, cuốn sách đã được các chuyên gia, những độc giả phổ thông, và nhất là nhiều sinh viên tìm đọc. Tác phẩm là một tài liệu hữu ích dành cho những ai quan tâm đến tư tưởng phương Tây thời kì hiện đại nói riêng và lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung. The New York Herald Tribune đánh giá, đây là "một tác phẩm quan trọng và đầy thử thách".

Erich Fromm là nhà phân tâm học người Đức, người nằm giữa giai đoạn chuyển tiếp từ Phân tâm học của Sigmund Freud đến Tân Freud. Ông là người đã kết hợp lý thuyết của Freud và học thuyết của Karl Marx để tạo một hướng đi riêng có nhiều đóng góp và ảnh hưởng trong lĩnh vực Phân tâm học xã hội. The Washington Post cho rằng: "Tư tưởng của Fromm xứng đáng nhận được sự chú ý quan trọng của tất cả những người quan tâm đến thân phận con người và tương lai của nhân loại".

Một số trích dẫn từ "Trốn thoát tự do"

Những khuynh hướng cao thượng nhất cũng như xấu xí nhất của con người không phải là một phần trong bản chất cố định và sẵn có về mặt sinh học, mà là kết quả từ quá trình xã hội [đã] nhào nặn nên con người đó. Nói cách khác, xã hội không chỉ có chức năng trấn áp – mặc dù nó cũng có chức năng đó – mà còn có chức năng sáng tạo. Bản chất của con người, những đam mê và sợ hãi của anh ta đều là sản phẩm văn hóa; trên thực tế, bản thân con người là tạo tác và thành tựu quan trọng nhất trong nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân loại, là đỉnh cao của cái mà chúng ta gọi là lịch sử. (tr.32) 

Chừng nào con người còn là một phần không thể thiếu của thế giới, chưa nhận thức được khả năng và trách nhiệm của hành động cá nhân, chừng đó họ không cần phải e sợ điều đó. Khi một người trở thành một cá nhân, anh ta đứng một mình và đối mặt với thế giới mà ở mọi khía cạnh đều nguy hiểm và vượt trội về sức mạnh. (tr. 54) 

Anh ta tự do – tức là anh ta cô đơn, tách biệt, phải đối diện với hiểm nguy từ mọi phía. (tr.100)

Đỉnh cao của sự phát triển tự do trong lĩnh vực chính trị và nhà nước dân chủ hiện đại dựa trên nguyên tắc tất cả mọi người đều bình đẳng và họ có quyền ngang nhau khi tham gia vào chính quyền thông qua những đại diện do chính họ lựa chọn. Mỗi người đều được phép hành động vì lợi ích của mình, đồng thời, hướng tới sự thịnh vượng chung của dân tộc. (tr. 158) 

Có thể thấy bản thân ta, về nguyên tắc, cũng là đối tượng tình yêu của ta giống như người khác. Sự khẳng định của đời sống riêng, hạnh phúc, sự phát triển, tự do cá nhân, bắt nguồn từ sự sẵn sàng và khả năng cơ bản cho một lời quả quyết như vậy. Nếu cá nhân có sự sẵn sàng này, anh ta cũng có thiện chí đó với chính mình; nếu chỉ có thể "yêu" người khác, anh ta không thể yêu gì cả. (tr.169)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/truy-van-ve-y-nghia-cua-tu-do-voi-con-nguoi-hien-dai-179230111152311139.htm