Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi hiện thực hóa giấc mơ du học Trung Quốc
Học tập tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên được đào tạo về ngôn ngữ, các kỹ năng sư phạm thành thục. Bên cạnh đó, trường cũng là nơi những ước mơ đi du học, được đặt chân tới miền đất lạ của sinh viên được "cất cánh".
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi "chắp cánh" cho ước mơ du học Trung Quốc của sinh viên
Chu Thị Oanh từng là sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc khóa QH.2015 của Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại, Chu Thị Oanh đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại trường Đại học Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải và đi du học Trung Quốc theo diện học bổng toàn phần.
Với Chu Thị Oanh, du học là “con đường ngắn nhất” để nâng cao trình độ và nghiệp vụ giảng dạy tiếng Trung Quốc. Bên cạnh đó, Oanh cho biết, việc sinh sống và học tập tại nơi xứ lạ đã giúp chị có thêm nhiều trải nghiệm hơn về lối sinh hoạt và học tập ở nước ngoài.
Nhắc tới quá trình đạt được suất học bổng toàn phần du học Trung Quốc, Chu Thị Oanh chia sẻ: "Những năm tháng học ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp tôi tiếp cận và tiếp thu khối lượng kiến thức nền tảng tiếng Trung Quốc vững chắc. Điều này chính là "bước đệm" thuận lợi để tôi có thể giành được học bổng toàn phần cho hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ".
Chính cánh cổng du học rộng lớn ấy đã giúp Chu Thị Oanh nâng cao khả năng tiếng Trung, mở mang tầm hiểu biết, đặc biệt là khả năng giảng dạy ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học được nâng lên tầm cao mới.
Ngoài ra, với sự giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc cung cấp thư giới thiệu đã giúp Chu Thị Oanh hoàn thiện hồ sơ và thuận lợi trong việc giành được học bổng du học.
Chia sẻ thêm về lợi ích của việc đi du học, Chu Thị Oanh nói: "Đi du học có thể giúp chúng ta nâng cao kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội hiếm có để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, nhằm rèn giũa tư duy và sáng tạo trong học tập cũng như trong công việc. Ngoài ra, những trải nghiệm khi sống ở Trung Quốc cũng giúp chúng ta mở mang tầm nhìn, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi và thu về cho mình nhiều kỷ niệm đẹp”.
Chu Thị Oanh chia sẻ về trải nghiệm đón Tết ở Trung Quốc, mỗi người học sẽ có rất nhiều quà và được lì xì 300 nhân dân tệ. Ảnh: NVCC
Du học Trung Quốc để nâng cao học vị và khả năng nghiên cứu
Trần Trung, cựu sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc, khóa QH.2015, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Trung hiện theo học Thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải và Tiến sĩ tại Đại học Dân tộc Trung Ương ở Bắc Kinh.
Đi du học theo diện sinh viên có học bổng Chính phủ Trung Quốc CSC, Trần Trung mong muốn bản thân có thể nâng cao học vị, kiến thức chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học.
Với Trần Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là “bệ phóng quan trọng” để bản thân xây dựng một nền tảng tiếng Trung vững chắc. Cùng với đó là sự nhiệt huyết và truyền lửa của thầy cô giáo tại ngôi trường này đã phần nào thôi thúc Trung mong muốn theo đuổi một “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” – nghề giáo.
“Cuộc sống du học đã giúp tôi mở mang thêm nhiều kiến thức, cũng như nhận thức sâu hơn về tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tôi cũng có thêm nhiều trải nghiệm phong phú về cuộc sống và con người Trung Quốc”, Trần Trung chia sẻ.
Thầy cô giáo - những người truyền lửa yêu thích tiếng Trung Quốc
Bùi Huy Hoàng là cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khóa QH.2017, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội định hướng Biên – Phiên dịch. Sau khi tốt nghiệp, Bùi Huy Hoàng nhận được học bổng Chính phủ Trung Quốc và hiện đang là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc.
Bùi Huy Hoàng chia sẻ: “Trong quãng thời gian học đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô trong khoa, tôi đã tìm thấy niềm đam mê to lớn với công việc giảng dạy. Do đó, tôi đã quyết định tiếp tục học nghiên cứu sinh để hiện thực hóa ước mơ trở thành một giáo viên tiếng Trung Quốc".
Sau khi đưa ra quyết định nộp hồ sơ du học, Bùi Huy Hoàng cho biết, thầy cô giáo trong trường đại học đã giúp đỡ anh rất nhiều, đặc biệt trong việc cấp thư giới thiệu cũng như chỉnh sửa kế hoạch học tập.
"Khi tôi sang đến Bắc Kinh (Trung Quốc), cũng nhờ kinh nghiệm của các thầy cô giáo đi trước đã truyền lại mà cuộc sống tại Bắc Kinh của tôi dễ dàng đi vào ổn định và có những trải nghiệm vô cùng khó quên”, Bùi Huy Hoàng nói.
Đối với Bùi Huy Hoàng, thời gian du học tại Trung Quốc là “tài sản” vô cùng quý báu. Bởi du học tại đây đã giúp bản thân Hoàng tích lũy được nhiều tri thức. Từ đó góp phần củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm sống thực tế cho bản thân anh.
Bùi Huy Hoàng cũng hy vọng rằng, khi trở thành một giáo viên, được đứng trên bục giảng, anh sẽ sớm có cơ hội kể lại những kỷ niệm này cho học sinh tương lai của mình, cũng giống cách các thầy cô ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã truyền tải những trải nghiệm đẹp về đất nước, văn hóa và con người Trung Hoa, tiếp ngọn lửa đam mê du học cho Hoàng như trước đây.
Tích lũy kiến thức đại học là "chìa khóa" giành được học bổng, hiện thực hóa giấc mơ du học Trung Quốc
Lưu Thị Phúc là cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, khóa QH.2017, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, Lưu Thị Phúc đang du học theo diện học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc CSC tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc.
Với mong muốn đi du học để phát triển bản thân, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn, trải nghiệm và tìm hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc, Lưu Thị Phúc đã quyết định "đặt chân" vào thế giới của những sinh viên du học xa nhà nơi xứ lạ – đó chính là đất nước Trung Quốc.
Khi nhắc tới những điều mà Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mang lại cho mình, Phúc chia sẻ: “Những kiến thức chuyên ngành mà tôi tích lũy được trong 4 năm học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chính là vốn quý báu để tôi có thể dự tuyển thành công học bổng chính phủ và thực hiện hóa ước mơ du học".
Lưu Thị Phúc cho biết, trong suốt quá trình thực hiện thủ tục đi du học, Phúc đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo từ việc viết thư giới thiệu, đến góp ý để hồ sơ hoàn thiện hơn. Vì vậy với Lưu Thị Phúc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thật sự là hậu phương vững chắc đầy trân quý trên hành trình du học của chị.
Nói thêm về quãng thời gian du học của mình, Lưu Thị Phúc cho biết, du học đã giúp chị học hỏi thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ.
Bên cạnh đó, trải nghiệm du học Trung Quốc đã trao cho Phúc rất nhiều cơ hội gặp gỡ và làm quen bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ đó, giúp Lưu Thị Phúc mở mang tầm nhìn cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm. "Tôi có rất nhiều dịp trực tiếp trải nghiệm, khám phá về văn hóa và con người Trung Quốc. Tất cả những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho tôi trong tương lai khi trở thành một giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc”, Lưu Thị Phúc bày tỏ.
Du học Trung Quốc giúp thế giới quan mở rộng hơn
Hoàng Thị Chung là sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc, khóa QH.2017, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện Chung đang du học tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc theo diện Học bổng Khổng Tử CIS.
Chia sẻ về động lực thúc đẩy bản thân đi du học, Hoàng Thị Chung cho biết, xuất phát từ chính tính cách bản thân – năng động và khả năng ham học hỏi, luôn muốn tìm tòi bản thân ở nhiều môi trường khác nhau cũng như mong muốn được trải nghiệm cảm giác mới lạ đã thôi thúc chị quyết định đi du học.
“Trước khi bước vào đại học, tôi chưa từng có định nghĩa về du học. Nhưng sau khi học tập tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận thức cũng như thế giới quan của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi được tiếp xúc với nhiều bạn bè, anh chị, thầy cô rất giỏi và toàn diện về mọi mặt. Tôi có theo dõi các anh chị khóa trên đã đi du học và cảm thấy rất tò mò về cuộc sống của du học sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn biết được cảm giác khi được trải nghiệm khám phá một đất nước mới sẽ như thế nào”, Hoàng Thị Chung bộc bạch.
Hơn nữa, Hoàng Thị Chung cho rằng, trong quá trình học đại học ở Việt Nam, nhờ sự truyền đạt, giảng dạy tâm huyết của các thầy cô giáo đã giúp chị ngày càng hiểu và yêu hơn văn hóa cũng như ngôn ngữ mà mình đang theo học.
Bên cạnh đó, khi học tập tại đây, Hoàng Thị Chung chia sẻ, chị cũng có nhiều cơ hội tham gia những chương trình tư vấn về du học do nhà trường tổ chức để hiểu hơn về du học.
Với những lý do trên, Hoàng Thị Chung mới quyết định tìm cơ hội để được đi du học tại Trung Quốc.
Tin rằng với những kiến thức về ngôn ngữ đã được trang bị trong gần 4 năm tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như việc tham gia các hoạt động và các cuộc thi của nhà trường sẽ giúp mình đạt được học bổng thuận lợi hơn. Hoàng Thị Chung đã nung nấu quyết tâm thử sức mình và đỗ cả hai học bổng (học bổng Khổng Tử CIS và học bổng chính phủ Trung Quốc CSC).
Kể về trải nghiệm cuộc sống du học ở Thượng Hải, Hoàng Thị Chung cho biết, bản thân chị được tham gia rất nhiều hoạt động như: tham quan các bảo tàng lớn, học pha trà theo kiểu truyền thống Trung Quốc, đi tham quan cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn tại Thượng Hải. Ngoài ra, Chung cũng có dịp khám phá những thành phố khác như Hàng Châu, Tô Châu, cũng như tham gia đi phiên dịch tại các triển lãm, hội chợ lớn tại Thượng Hải.
Chia sẻ với những bạn đang có ý định đi du học, Hoàng Thị Chung gửi gắm một câu nói mà bản thân vô cùng tâm đắc, đó là: “Nếu cửa sổ nhà cậu nhỏ quá, hãy đi ra ngoài và mở cánh cửa lớn hơn bằng đôi mắt”.
Hoàng Thị Chung cho rằng, du học giúp bản thân mỗi người vững vàng hơn về mặt suy nghĩ, đồng thời mở rộng thêm những mối quan hệ mới. Từ ấy, thế giới quan của chúng ta cũng được mở rộng hơn. Vậy nên, Hoàng Thị Chung ủng hộ việc các bạn trẻ cố gắng tiến về phía trước để khám phá thế giới này, và du học chính là cách để "mở cánh cửa lớn hơn bằng đôi mắt".
Du học và nhiều trải nghiệm "lần đầu"
Nguyễn Võ Nguyệt Minh là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc định hướng Kinh tế, khóa QH.2017, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện Nguyệt Minh đang du học tại Đại học Vũ Hán ở Hồ Bắc, Trung Quốc theo diện học bổng toàn phần CSC.
Chia sẻ về lý do tham gia chương trình du học, Nguyệt Minh cho biết: “Nhờ vào chương trình trao đổi một năm của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2019 là lần đầu tiên tôi tới Trung Quốc, hiện thực hóa giấc mơ được đặt chân đến đất nước mà từ lâu đã vô cùng yêu thích”.
Từ một con người không biết tiếng Trung, sau một quãng thời gian miệt mài với con chữ và văn hóa nơi đây và kiến thức bản thân có được tại giảng đường ở Việt Nam, Nguyệt Minh đã trở thành một người có niềm yêu thích sâu sắc với tiếng Trung cũng như đất nước này.
“Một năm học theo chương trình trao đổi đủ để tôi quyết tâm nhất định phải đặt chân quay lại Trung Quốc thêm lần nữa để tận hưởng cuộc sống du học sinh ở nơi đây”, Nguyệt Minh kể.
Kể về việc lựa chọn học tiếng Trung, Nguyệt Minh chia sẻ: "Năm 2017, khi bước chân vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, những gì tôi biết về tiếng Trung chỉ là con số "0" tròn trĩnh. Thế nhưng sau 4 năm học, điều tôi đạt được là kiến thức về ngôn ngữ, về văn hoá và con người Trung Quốc. Thế nên, khi qua Trung Quốc du học, tôi không gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngôn ngữ lẫn văn hoá nơi đây".
Nói về những trải nghiệm mà bản thân tích lũy được sau thời gian dài tại Trung Quốc và những định hướng trong tương lai, Nguyệt Minh cho biết: “Du học ở Trung Quốc, tôi đã có những trải nghiệm "lần đầu": lần đầu được đi tàu điện ngầm, đi tàu cao tốc, lần đầu được trải nghiệm cuộc sống không tiền mặt. Thật thú vị khi thậm chí người ăn xin cũng dùng mã QR".
Nguyệt Minh cũng chia sẻ rằng, sau khi qua Trung Quốc du học, chị cũng được đi du lịch rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hoá Trung Quốc. Điều này rất có ích với định hướng tương lai sau này của Nguyệt Minh là trở thành giáo viên dạy tiếng Trung Quốc.