Trong 28 năm qua, Việt Nam luôn đóng vai trò và đóng góp tích cực cho ASEAN
Tổng Thư ký ASEAN Kim Kao Hourn khẳng định trải qua 56 năm tồn tại và phát triển, ASEAN hiện đang tự tin hướng về phía trước với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Để được có một ASEAN ổn định và phát triển như hiện nay không thể thiếu đóng góp lớn của Việt Nam.
Việt Nam luôn đóng góp tích cực cho ASEAN
Trả lời phóng viên VOV về vai trò và những đóng góp của Việt Nam với ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kim Kao Hourn khẳng định: Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN từ năm 1995 và trong quá trình 28 năm qua ASEAN cũng đạt được nhiều kết quả. ASEAN có sự đoàn kết, mở rộng thành viên và Việt Nam luôn đóng vai trò và đóng góp tích cực cho ASEAN.
Việt Nam không chỉ tham gia mà còn đóng góp tích cực cho ASEAN theo nhiều cách khác nhau đặc biệt thông qua các nỗ lực xây dựng trụ cột cộng đồng ASEAN cũng như mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Việt Nam tham gia tất cả các cơ chế của ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong việc cùng các quốc gia thành viên khác tuân thủ và đảm bảo Hiến chương ASEAN hoạt động hiệu quả.
Không chỉ vậy, trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam có dân số đông và nền kinh tế phát triển nhanh. Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận kinh tế song phương với nhiều nước trên thế giới, đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế chung của ASEAN.
Việt Nam cũng có những dấu ấn của mình trong ASEAN, với 3 lần giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam cũng giữ vị trí vai trò điều phối với một số nước đối tác và đều thực hiện hiệu quả.
Việt Nam cũng là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với tư cách là một thành viên ASEAN, Việt Nam luôn thúc đẩy tiếng nói, gia tăng lợi ích cho các quốc gia ASEAN.
2023 – năm quan trọng của ASEAN
Theo VOV, Tổng Thư ký ASEAN Kim Kao Hourn khẳng định: Trải qua 56 năm tồn tại và phát triển, ASEAN hiện đang tự tin hướng về phía trước với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Năm 2023 là một năm quan trọng đối với ASEAN.
Tháng 5/2023, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 đã diễn ra tại Labuan Bajo, Indonesia. Theo VGP, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là hội nghị quan trọng để các nước trao đổi triển khai những ưu tiên trọng tâm trong năm 2023 bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận các biện pháp, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là bảo đảm nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020 khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay…
Không chỉ vậy, trong những ngày đầu tháng 8/2023, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44) cũng đang diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Theo Tổng Thư ký AIPA-44, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44 với chủ đề "Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng" phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm nay là "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng", thể hiện cam kết của Nghị viện các nước trong việc nâng cao khả năng thích ứng, phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực, duy trì ổn định và an ninh, mang lại thịnh vượng cho tất cả người dân khu vực.
Tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA-44 ngày 7/8/2023, lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước thành viên AIPA đều nhất trí cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nghị viện các nước ASEAN cần phát huy vai trò quan trọng trong việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, là điều kiện tiên quyết để có môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội và phục hồi tăng trưởng nhanh như chủ đề ASEAN năm 2023 "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu, phát triển dần thành một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, chặt chẽ với 10 thành viên và trở thành "mái nhà chung" của 10 quốc gia Đông Nam Á.
Chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, ngày 31/12/2015, ASEAN chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Trong giai đoạn thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN tập trung triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và năng động, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, tiến trình hợp tác ở khu vực, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trong-28-nam-qua-viet-nam-luon-dong-vai-tro-va-dong-gop-tich-cuc-cho-asean-179230808102128195.htm