Triệt phá đường dây buôn bán pháo nổ lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay

13:18 - 15/10/2023

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 13 đối tượng liên quan đến đường dây buôn bán pháo nổ liên tỉnh với số lượng lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay.

Triệt phá đường dây buôn bán pháo nổ lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay - Ảnh 1.

Các đối tượng trong đường dây buôn bán pháo nổ gồm: Tăng Quốc Tiến (bìa trái), Đặng Duy Linh (bìa phải), Danh Tích (thứ 3 từ trái qua) và một số đối tượng có liên quan. Ảnh: CACC

Ngày 15/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là pháo nổ lớn nhất cả nước từ đầu năm 2023 đến nay. Đường dây tội phạm này hoạt động liên tỉnh do Tăng Quốc Tiến (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Kiên Giang) cầm đầu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 13 đối tượng về các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngụy trang pháo nổ trong các thùng xốp chứa cá khô

Trước đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện Tăng Quốc Tiến đã cấu kết với các đối tượng: Đặng Duy Linh (sinh năm 1992), Danh Tích (sinh năm 1990) - cùng ngụ thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ với số lượng đặc biệt lớn từ Kiên Giang về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đồng thời, núp bóng sau vỏ bọc là đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải để trung chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Triệt phá đường dây buôn bán pháo nổ lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay - Ảnh 2.

Một số đối tượng khác trong đường dây buôn bán pháo nổ. Ảnh: CACC

Nhóm người này "ngụy trang" pháo nổ trong các thùng xốp chứa cá khô, ghi sẵn thông tin người nhận. Sau đó chỉ đạo tài xế và phụ xe vận chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, tập kết tại quán cà phê ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, do Nguyễn Đăng Thành (sinh năm 1990) làm chủ để cất giấu.

Những thùng pháo này sau khi trót lọt sẽ do Nguyễn Đăng Thành trực tiếp đi giao cho những khách hàng có nhu cầu thông qua các dịch vụ giao hàng trực tuyến.

Với thủ đoạn trên, từ khoảng tháng 8 đến thời điểm bị bắt, băng nhóm do Tăng Quốc Tiến cùng đồng bọn đã tiêu thụ gần 6 tấn pháo nổ ra ngoài thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cà Mau, Long An, Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Ngày 29/8, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch phá án, bắt giữ Nguyễn Đăng Thành khi đang vận chuyển 5 thùng pháo nổ.

Đồng thời, một tổ Công tác của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang và Cục Phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) bắt giữ các đối tượng: Tăng Quốc Tiến, Đặng Duy Linh, Danh Tích và 4 người là lái xe, phụ xe.

Mở rộng điều tra vụ án, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Cà Mau, tỉnh Long An, tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội bắt giữ thêm 6 người có liên quan đến hành vi giao nhận, mua bán pháo nổ từ băng nhóm của Tăng Quốc Tiến. Khám xét 11 địa điểm, lực lượng chức năng đã truy xét, thu giữ được gần 6 tấn pháo nổ các loại mà các nghi phạm chưa kịp tuồn ra thị trường.

Hiện vụ án đang được Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm như sau:

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/triet-pha-duong-day-buon-ban-phao-no-lon-nhat-ca-nuoc-tu-dau-nam-den-nay-179231015114806357.htm