Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024
Kinh tế Việt Nam trong năm 2024 còn tồn tại nhiều thách thức từ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên Việt Nam sở hữu nhiều tiềm lực mạnh để kinh tế "bứt tốc" trong năm 2024.
Kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng để phục hồi trong năm 2024
Theo báo cáo mới đây của Techcombank Secirity (TCBS), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 duy trì tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn: Tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2.5% vào năm 2023, đưa Mỹ trở thành nước phát triển có tốc độ tăng trưởng cao nhất dù áp lực lạm phát vẫn còn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế khu vực đồng Euro tiếp tục trì trệ với PMI ở mức dưới 50. Trung Quốc cũng đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, trong đó có lĩnh vực bất động sản suy thoái, sự thiếu niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm phát và sản xuất sụt giảm.
Trước bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế – xã hội trong nước năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Tất cả những nỗ lực của chính phủ và Nhân dân Việt Nam, đã và đang tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước trong năm 2024.
Kết thúc năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%. Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,21%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%.
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Thực tế, từ cuối năm 2023, nhiều tín hiệu tích cực đến từ nền kinh tế Việt Nam với các kết quả và sự đánh giá cao từ các tổ chức quốc tế.
Trong Báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu quý IV/2023, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics nhận định: mặc dù có sự giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023 và năm 2024 so với mức trung bình trước đại dịch là 7%, nhưng câu chuyện tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ lên mức 6% vào năm 2024 khi thị trường bên ngoài phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đối với kinh tế Việt Nam, giới chuyên gia IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng GDP 4,7% cho năm nay, nhưng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025.
Nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới bao gồm các nền kinh tế: Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%; Guyana 26,56%; Palau 12,40%; Niger 11,14%; Senegal 8,82% ; Đông Nam Á có Campuchia (6,13%) và Philippines (5,88%) có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam.
Danh sách còn lại bao gồm: Chart, Senegal, Libya, Rwanda, Côte d'Ivoire, Burkina Faso, Benin, Ấn Độ, Gambia, Ethiopia, Campuchia, Tanzania, Bangladesh, Djibouti, Burundi...
Năm 2023, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 5,05% với xu thế tăng trưởng duy trì đà tăng dần qua từng quý (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84% điểm tăng trưởng chung, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 1,0 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Những kết quả trên là một minh chứng cho sự nỗ lực và thành công của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức từ cả bối cảnh quốc tế và các hạn chế nội tại, đặt ra những rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trien-vong-kinh-te-viet-nam-trong-nam-2024-1792402280827245.htm