Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chứ không cạnh tranh với con người trong môi trường làm việc

13:29 - 15/10/2023

Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế để thay thế lao động thủ công bằng cách thực hiện công việc nhanh hơn và hiệu quả hơn nhưng nó không thể vượt qua nhu cầu về con người trong môi trường làm việc. Nhân viên vẫn có giá trị riêng ở nơi làm việc và không thể bị thay thế hoàn toàn bởi AI.

6 lý do tại sao trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người trong công việc

Khi đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên thị trường lao động ngày nay, các nhà tuyển dụng có thể ứng dụng các quy trình tự động giúp công việc trở nên dễ dàng, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên cũng lo sợ mất việc và bị thay thế bởi máy móc. Tuy nhiên, có 6 lý do tại sao AI không thể thay thế con người trong không gian làm việc.

1. AI thiếu trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là một yếu tố đặc biệt khiến con người luôn có vai trò quan trọng ở nơi làm việc. Là động vật có tính xã hội, một nhu cầu cơ bản và không thể phủ nhận của con người là nhu cầu kết nối cảm xúc với người khác. AI cố gắng bắt chước trí thông minh của con người, nhưng trí tuệ cảm xúc không dễ tái tạo như tri thức. Tại sao? Bởi vì nó đòi hỏi sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm của con người, đặc biệt là sự đau đớn và khổ sở, và AI đơn giản là không cảm thấy đau đớn.

Các chủ doanh nghiệp thông minh và giám đốc điều hành công ty hiểu tầm quan trọng của việc thu hút cảm xúc của nhân viên và khách hàng. Một cỗ máy không thể đạt được mức độ kết nối con người như vậy, trong khi đó, chúng ta có nhiều cách để nâng cao trí tuệ cảm xúc của cá nhân.

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chứ không cạnh tranh với con người trong môi trường làm việc - Ảnh 1.

Trí tuệ cảm xúc, kỹ năng mềm giúp con người chiếm thế "thượng phong" so với AI. Ảnh: Makeuseof

Bất kể các hệ thống AI được lập trình tốt đến mức nào để đáp ứng với con người, khó có khả năng phát triển mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ như vậy giữa con người với những máy móc này. Do đó, AI không thể thay thế con người, đặc biệt khi kết nối với người khác là điều quan trọng cho sự phát triển kinh doanh.

2. Quá trình sáng tạo của AI bị giới hạn ở dữ liệu nó nhận được

AI chỉ có thể hoạt động dựa trên dữ liệu nó nhận được. Bất cứ điều gì ngoài phạm vi đó sẽ vượt quá khả năng xử lý của AI. Vì vậy, khi dữ liệu công việc mới không lập trình sẵn được nhập vào máy, AI có thể trở nên vô dụng. Những tình huống này thường xảy ra trong các ngành công nghệ và sản xuất. Ý tưởng rằng các công cụ AI sẽ thích ứng với mọi tình huống là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến xung quanh trí tuệ nhân tạo.

Vì vậy, nếu bạn lo ngại AI có thể thâm nhập vào mọi ngành nghề và loại bỏ nhu cầu về kỹ năng chuyên môn của mình thì bạn có thể yên tâm điều đó sẽ không xảy ra. Lý luận của con người và khả năng phân tích, sáng tạo, ứng biến, điều khiển và thu thập thông tin của bộ não con người không thể dễ dàng được nhân rộng bởi AI.

Khi thực hiện công việc, AI thiếu đi khả năng sáng tạo của con người, bởi vì, như đã được thiết lập, AI chỉ có thể hoạt động với dữ liệu mà nó nhận được. Do đó, nó không thể nghĩ ra những cách thức, phong cách hoặc mô hình thực hiện công việc mới và bị giới hạn trong các khuôn mẫu nhất định.

Nhà tuyển dụng và nhân viên đều biết tầm quan trọng của sự sáng tạo trong môi trường làm việc. Sáng tạo là nền tảng của sự đổi mới.

Liên quan đến tư duy sáng tạo là khả năng suy nghĩ vượt trội. Máy móc được thiết kế để "suy nghĩ bên trong chiếc hộp". Điều đó có nghĩa là các công cụ AI chỉ có thể hoạt động theo yêu cầu của dữ liệu nhất định.

Mặt khác, con người có thể suy nghĩ sáng tạo, tìm nguồn thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau và tạo ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp với ít hoặc không có dữ liệu sẵn có. Vì AI không có khả năng tư duy đột phá và tạo ra những ý tưởng sáng tạo để đổi mới nên AI không thể đảm nhận một số vai trò của con người trong công việc.

3. AI không có kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm là điều bắt buộc phải có đối với mỗi người lao động tại nơi làm việc. Chúng bao gồm làm việc nhóm, tư duy phê phán và sáng tạo, giao tiếp hiệu quả và kỹ năng giao tiếp cá nhân,... Những kỹ năng mềm này đang được yêu cầu trong mọi ngành và mỗi người phải phát triển chúng để trở nên chuyên nghiệp và thành công hơn.

Con người được dạy và bắt buộc phải sở hữu những kỹ năng mềm; phát triển chúng có giá trị đối với tất cả mọi người, mọi vị trí công việc. Các giám đốc điều hành của công ty cần chúng để phát triển mạnh mẽ, cũng như đội ngũ nhân viên trong bất kỳ ngành nào cũng cần những kỹ năng này. Do đó, kỹ năng mềm giúp con người chiếm thế "thượng phong" so với AI.

Tuy nhiên, kỹ năng mềm còn xa lạ với những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo. AI không thể phát triển những kỹ năng mềm quan trọng này đối với sự phát triển và tăng trưởng tại nơi làm việc. Việc phát triển những kỹ năng này đòi hỏi trình độ lý luận và trí tuệ cảm xúc cao hơn.

4. Con người làm cho AI hoạt động được

Sẽ không có trí tuệ nhân tạo nếu không có trí tuệ con người. Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo có nghĩa là con người tạo ra và phát triển AI. Dữ liệu đầu vào để vận hành AI đều do con người nhập vào. Và chính con người đang sử dụng các công cụ AI để phục vụ cho nhu cầu của mình.

Khi công nghệ AI tiếp tục phát triển, các dịch vụ của con người cũng vậy. Sẽ có người thiết kế các quy trình AI, tạo ra những ứng dụng AI, vận hành và bảo trì chúng. Chỉ có con người mới có thể làm được điều này. Dựa trên những sự thật này, chúng ta có thể bác bỏ suy đoán về việc AI sẽ vượt trội con người trong công việc.

5. AI bổ sung cho khả năng và trí thông minh của con người, chứ không phải cạnh tranh với nó

Không thể phủ nhận, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực sự đang tạo nên giá trị tại nơi làm việc và chúng sẽ thay thế nhiều công việc mà con người làm hàng ngày. Tuy nhiên, những công việc cần thực hiện thường bị giới hạn ở những nhiệm vụ lặp đi lặp lại đòi hỏi ít áp lực và khả năng suy luận. Ngoài ra, theo xu hướng công nghệ tích hợp của thị trường lao động, nhu cầu về con người thậm chí còn tăng lên, và những người lao động sẽ có vai trò mới, riêng biệt và không bị ảnh hưởng bởi AI.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy rằng trong khi AI sẽ thay thế khoảng 85 triệu việc làm vào năm 2025, thì khoảng 97 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong cùng năm đó nhờ AI. Vì vậy, câu hỏi lớn là làm thế nào con người có thể làm việc với AI thay vì bị nó thay thế. Ở thời đại hiện nay, sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể sống thiếu AI - và không có con người thì sẽ không có trí tuệ nhân tạo. Các tổ chức có tư duy tiến bộ đang phát triển các cách kết hợp khả năng của con người và AI để đạt được mức năng suất và đổi mới cao hơn.

6. AI cần được kiểm chứng thực tế

Một vấn đề lớn với các chatbot AI như ChatGPT là chúng thường không chính xác và yêu cầu người kiểm duyệt phải kiểm tra tính xác thực. AI có khả năng học hỏi rất nhanh, nhưng nó thiếu ý thức chung và đơn giản là không có khả năng lý luận và tranh luận về sự thật ở mức độ mà con người có thể làm được.

Như vậy, có thể khẳng định, trí tuệ nhân tạo không phải là thứ đáng sợ. Chúng ta cần học cách "chung sống" và không bị thay thế bởi AI chứ không phải lo lắng về sự phát triển của nó. Mỗi người cần học hỏi, trau dồi kỹ năng, bắt kịp các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực của mình và luôn đổi mới, sáng tạo để nâng cao giá trị bản thân.

Nguồn: Make Use Of

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tri-tue-nhan-tao-ho-tro-chu-khong-canh-tranh-voi-con-nguoi-trong-moi-truong-lam-viec-179231015115614529.htm