Hội Khuyến học Việt Nam hành động vì mục tiêu "Tri thức là sức mạnh dân tộc"
"Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam diệt giặc dốt từ năm 1946 và đến nay Hội Khuyến học Việt Nam đã lấy lời dạy của Người làm kim chỉ nam cho hành động.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và luôn coi trọng việc học hành
Những năm trước đây, ra đường, hễ ai mà có thái độ xấc xược, không biết trên biết dưới, các cụ đều coi đó là: "đồ vô học", hoặc "con nhà mất dạy". Dù nghèo đến mấy, cha mẹ cũng tìm mọi cách cho con được đi học vì "có học mới biết, có đi mới đến".
Trong xã hội phong kiến, con nhà giàu đều được đi học và đều phấn đấu để được làm quan trong triều, ở tỉnh, ở huyện. Con nhà nghèo không được đi học, chịu thân phận cày thuê cuốc mướn. Nước ta bị đô hộ khá lâu, bị ngoại quốc làm "ngu dân". Chính sách đó làm cho dân ta bị mù chữ, lệ thuộc vào chúng, chịu cảnh áp bức, lầm than.
Bôn ba khắp nơi trên thế giới, đấu tranh tìm đường cứu nước, Bác Hồ vĩ đại của chúng ta đã thấm cảnh đói nghèo, nhìn thấu những chính sách dã man, tàn bạo, thâm độc của ngoại bang xâm lược, so sánh hoàn cảnh của Việt Nam với các nước Bác đã đi qua, Bác đã quyết tâm tìm ra con đường cứu nước là "chỉ có con đường cách mạng" và Bác đã lãnh đạo Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.
Khi đó 90% người dân bị mù chữ. Hơn 80 năm thực hiện chính sách ngu dân, thực dân Pháp đã biến nước ta thành đất nước nghèo về vật chất, về tri thức. Phát huy khí phách cha ông được lưu truyền trên văn bia Quốc Tử Giám "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp kém", Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói: " Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ, thế nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ". Vì vậy, để thể hiện quyết tâm trong thực hiện xóa mù, ngày 11/6/1946 Bác đã phát động phong trào thi đua, ra lời kêu gọi thi đua ái quốc: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Bác Hồ coi sự dốt nát là giặc, xếp thứ hai, trên cả giặc ngoại xâm
Thật vậy, nếu đói thì không đủ sức chống giặc, nếu dốt nát thì lại trở lại kiếp nô lệ. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho đất nước ta vươn lên từ gian khó. Lời kêu gọi của Bác đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp phát triển đất nước, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật và được toàn dân hưởng ứng, thực hiện. Phong trào học tập, trước tiên là xóa nạn mù chữ được thực hiện sâu rộng, đem lại kết quả tốt. Đến nay gần 100% nhân dân biết đọc, biết viết và đạt các loại bằng cấp của các cấp học. Tuy chất lượng có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhưng sự học phát triển, học để thoát nghèo, học để làm người, làm cán bộ... đã trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi con người.
Đất nước phát triển nhờ sự học. Học trong nước, học ngoài nước, học mọi nơi, mọi chỗ bằng mọi phương pháp ngày càng phát triển. Sự học đó đã đưa đất nước như ngày hôm nay: Hội nhập sâu rộng và quốc tế, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, phồn vinh, nhân dân no ấm. Lời kêu gọi: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" luôn lắng đọng trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam, thúc giục ta phải học để tiến lên.
Hội Khuyến học Việt Nam tự hào đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện lời kêu gọi học tập
Ra đời vào ngày 29/2/1996 với sứ mệnh là: "Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, vận động toàn dân học tập", Hội Khuyến học đã có nhiều cống hiến xuất sắc góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ tốt sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước, làm giàu cho các gia đình về mọi mặt: giàu tri thức, giàu văn hóa, giàu tình nhân ái, giàu cả về vật chất lẫn tinh thần. Hội Khuyến học đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp "trồng người" của đất nước thông qua các hoạt động của mình.
Tuy hoạt động trong Hội đa số là những người "đầu đã hai thứ tóc", đã được quyền nghỉ ngơi sau mấy chục năm cống hiến, song với nhiệt huyết cách mạng, họ lại tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ bằng cách vận động nhân dân đi học, "học không bao giờ cùng". Họ chính là những công dân học tập tiêu biểu vì họ luôn nghiên cứu, học hỏi để tham mưu cho lãnh đạo các cấp thúc đẩy sự học trong nhân dân. Họ luôn mong muốn dân ta thoát nghèo nhờ sự học. Tham mưu đề ra chủ trương, chính sách, chính họ lại là những người tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả. Với bề dầy kinh nghiệm và những kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ thực tế những năm cống hiến đã qua, phải nói rằng trong con người họ là một kho tàng quý giá về phương pháp công tác, về vận động, tổ chức và động viên.
Chính vì vậy các văn bản của Đảng, Chính phủ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã học học tập đối với hội ngày càng hoàn thiện, được bổ sung cho các khiếm khuyến trước đó. Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư tháng 5/2019 là một minh chứng về điều đó. Từ khi mới thành lập, Đảng chỉ mới yêu cầu Hội làm tốt việc khuyến khích và hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy, phát triển các loại hình học tập không chính quy đến việc Hội được Đảng giao nhiệm vụ chính trị là xây dựng xã hội học tập từ cơ sở (2005-2010) và đóng vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.
Hội Khuyến học Việt Nam luôn lấy lời dạy của Bác về sự học, học suốt đời, ai cũng phải học, học ở mọi nơi, mọi lúc, học ở thầy, ở bạn, ở trường, ở thực tế, "vợ không biết thì chồng bảo....", ai không học là lùi... làm phương châm tổ chức và phát triển sự học trong nhân dân, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Hội Khuyến học được Nhà nước giao nhiệm vụ thông qua các quyết định quan trọng. Tổ chức thành công quyết định đó sẽ làm cho dân trí thực sự được nâng lên, từng con người được trưởng thành toàn diện, trí thông minh và truyền thống hiếu học của dân ta sẽ được phát huy tột bậc và dân tộc ta sẽ trở thành dân tộc thông thái như mong muốn của Bác.
Chúng ta đã bước đầu thành công, tự hào là người thực hiện lời dạy của Bác "Diệt giặc dốt" với nhiều thắng lợi quan trọng. Đến nay mạng lưới hội khuyến học đã phủ kín 100% xã, phường, các tổ dân phố đều có chi Hội Khuyến học với các hoạt động phong phú, năng động, sáng tạo. Phong trào khuyến học đã phát triển sâu rộng trong toàn quốc, khơi sâu mạch nguồn hiếu học chảy mãi không bao giờ ngừng. Từ chỗ Hội chỉ tổ chức hoạt động ở các vùng quê của tỉnh, thành và các nhà trường thông qua các hoạt động: trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, vận động các em học sinh đi học đúng độ tuổi, không bỏ học, đến 2015 việc tổ chức triển khai các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Đó là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, ghi nhận vai trò của Hội thông qua Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội Khuyến học các cấp đã trở thành cầu nối, liên kết các tổ chức chính trị - xã hội cùng làm khuyến học. Quán triệt tinh thần đoàn kết dân tộc: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", để triển khai tốt chỉ thị của Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thế chính trị, chính trị - xã hội cùng làm khuyến học. Bắt đầu từ năm 2017, Hội đã ký văn bản phối hợp với các tổ chức này về thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, sự học của toàn xã hội mới được phát huy tốt hơn.
Từ chỗ Hội Khuyến học chỉ dành thời gian hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các nhà trường phổ thông, từ năm 2016, Hội đã đẩy mạnh, tập trung vào sự học của người lớn bởi vì người lớn đang giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo các cấp. Họ vừa là người đề ra chủ trương, chính sách, vừa là người triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đó. Sự thành công của tất cả các công việc trên đều tùy thuộc vào trình độ, năng lực của những "người lớn" đó, mà trình độ, năng lực chỉ có được thông qua học tập, trau dồi, bồi đắp tri thức một cách thường xuyên.
Từ những định hướng đó, Hội đã tích cực chỉ đạo hệ thống của mình giúp Lãnh đạo các cấp thúc đẩy sự học của người lớn ở mọi lĩnh vực. Trước tiên đối tượng cần phải học tập thường xuyên là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, và trong thời kỳ hội nhập tất cả mọi người từ già đến trẻ đều phải học: học để hoàn thiện mình nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong nền kinh tế kết nối vì "Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học thì bị lùi lại phía sau, công việc sẽ gạt mình ra" theo lời Bác dạy; học để ứng xử với hoàn cảnh thực tế trong gia đình, xã hội, cộng đồng; học để phát triển bản thân...
Từ nhận thức đó, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống ngoài việc hỗ trợ giáo dục của các nhà trường, mở rộng hỗ trợ giáo dục ngoài nhà trường và tập trung khuyến khích người lớn học tập thông qua hình thức trao học bổng, tặng cho người lớn ham học, học có kết quả thông qua vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh, vào việc đưa ra các sáng kiến, sáng tạo để chế tạo thành công các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Việc trao học bổng cho các nông dân đạt giải "Nhân tài đất Việt", các nông dân xuất sắc trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao (Huyện Mê Linh), cho người lớn ở các lĩnh vực: từ giáo viên các trường đại học có thành tích học tập xuất sắc, các tiểu thương kinh doanh ở các chợ, các thầy, cô giáo ở các trường đại học về hưu có sáng kiến tổ chức các nhóm học sinh để phụ đạo cho các cháu ở các cấp học đến các cụ già chịu khó học hỏi cách sử dụng triệt để điện thoại di động và phổ biến lại cho các cụ khác (Phường Phương Liên, Quận Đống Đa)... là những ví dụ sinh động cho phong trào học tập ở người lớn.
Qua những hoạt động đó mới thấy một lần nữa kho báu trí tuệ không bao giờ cạn, càng khai thác càng giàu có, càng sáng bừng lên ánh sáng của tri thức. Kho báu này khác hẳn những mỏ vàng, mỏ bạc vì những mỏ này càng khai thác càng cạn kiệt, không thể tái tạo sinh sôi ra được nữa mà vĩnh viễn sẽ mất đi, nó cũng giống như tri thức sẵn có trong con người, nếu chỉ khai thác thì sẽ cạn kiệt, nghèo tri thức dần sẽ trở thành dốt vì thế giới vẫn phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, ai không học là lùi. Mỗi người đều có thể khắc phục sự nghèo tri thức đó bằng sự quyết tâm học tập, vượt khó vươn lên.
Phong trào vận động người lớn học tập đạt kết quả là một thành công của Hội Khuyến học Việt Nam. Trao học bổng cho người lớn, ký kết văn bản phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các Bộ, ngành; phát triển tổ chức Hội trong các nhà trường, đặc biệt trong các trường Đại học là những công việc mà Hội Khuyến học đã thực hiện. Đến nay, tất cả các tổ chức tham gia khuyến học, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập bước đầu đã chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của sự học, đã lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Song người lớn học bằng cách nào? Ai sẽ là người tổ chức cho họ học mới là vấn đề phải quan tâm.
Nhận thức được vai trò của các trường đại học đối với việc học tập thường xuyên của người lớn, với việc xây dựng xã hội học tập, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai có hiệu quả Nghị Quyết 29/TW/2013 về "Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục Đào tạo", quyết tâm phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện chuyển hướng đào tạo đại học theo hướng mở với tài nguyên giáo dục mở phong phú. Thấm nhuần tư tưởng "Nền kinh tế - xã hội chỉ phát triển khi đất nước có hệ thống giáo dục đại học hiện đại", Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam quyết tâm tìm cách đưa các trường đại học vào thực hiện phong trào học tập suốt đời, học tập người lớn vì chỉ có trường đại học mới thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Chúng ta đã có bài học gần 30 năm qua về đào tạo đại học, sau đại học. Do tư tưởng "sính bằng cấp" mà đào tạo đại học có lúc quên nhiệm vụ chính của mình là: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà đã chạy theo nhu cầu bằng cấp của nhiều người học, nhất là những cán bộ, công chức nhà nước cần bằng cấp để tiến thân. Chính vì vậy có một số không ít người bằng cấp nhiều nhưng năng lực kém, lại được đề bạt trong bộ máy các cấp dẫn đến bộ máy ì ạch, cồng kềnh, kém hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, phải đi làm thuê bằng lao động cơ bắp, không sử dụng được kiến thức đã học do kiến thức đó quá xa với thực tế. Việc không thực hiện nguyên lý giáo dục "Học đi đôi với hành, lý thuyết đi đôi với thực tiễn" đã tạo ra những sản phẩm đào tạo kém chất lượng. Điều đó dẫn đến lực lượng lao động xã hội trong các lĩnh vực kém về năng lực, về kỹ năng, thậm chí về cả tác phong lao động. Hệ quả là năng suất lao động của nước ta luôn kém hơn nhiều nước trong khu vực. Kinh tế chậm phát triển và phát triển thiếu bền vững làm cho đất nước tụt hậu ngày càng xa so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Lời dạy của Bác "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" phần nào đã đúng với bối cảnh đất nước ta trong thời gian qua. Mặc dù ta vẫn tiến, vẫn phát triển nhưng tốc độ phát triển dựa vào kinh tế tri thức, dựa vào khoa học – công nghệ, lao động sáng tạo không kịp với các nước chủ yếu phát triển bằng tri thức, bằng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Chúng ta phát triển chủ yếu dựa vào lao động cơ bắp, khai thác tài nguyên, bán thô trong khi con người Việt Nam thông minh, năng động và có ý chí. Góp phần vào phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo theo hướng mở, nhằm khắc phục tình trạng trên, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức các cuộc hội thảo cấp quốc gia với mục tiêu trước hết là tuyên truyền để các trường đại học hiểu hơn sứ mạng của mình trước lịch sử phát triển đất nước, để các trường dần thấy trách nhiệm lớn lao của mình với đất nước về sản phẩm đào tạo do mình tạo ra trong một thời gian dài chưa đáp ứng yêu cầu.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã nghiên cứu vấn đề đó và thấy rằng: trường đại học là kho báu về tri thức vì ở đó gồm đội ngũ các thầy, cô giáo có trình độ cao, được đào tạo cơ bản. Đội ngũ này không chỉ có nhiệm vụ trao đổi trí thức cho người học mà còn khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, nuôi ý chí phát triển, cống hiến. Cả một thời gian dài, những cỗ máy sản xuất các loại bằng cấp là nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã có lúc "quên mình" chấp nhận đầu vào kém với số lượng lớn, không quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo nên chất lượng đầu ra không đáp ứng nhu cầu. Do đó thông qua các cuộc hội thảo được tổ chức ở cả 2 miền Nam, Bắc, thu hút được nhiều trường đại học tham gia với các chủ đề: "Trường Đại học với đào tạo theo hướng mở", và "Trường Đại học với xây dựng tài nguyên giáo dục mở", nhận thức của lãnh đạo các trường đã chuyển biến rõ rệt. Sự cần thiết của vấn đề học thường xuyên, học suốt đời đã được nhận thức sâu sắc hơn từ Bộ đến các trường đại học. Do đó, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở và chuyển hướng đào tạo theo hướng mở được nhiều trường thực hiện tốt hơn.
Một kết quả cho thấy những kết luận của hội thảo đã được kiểm nghiệm qua thực tế trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát vừa qua: các nhà trường đóng cửa trong thời gian dịch bệnh, học sinh phải học ở nhà, nhà trường buộc phải sử dụng phương pháp học trực tuyến thông qua việc sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục phong phú. Đây cũng là một phép thử cho sự đổi mới phương pháp dạy và học của các trường mà chúng ta đã mất khá nhiều thời gian nhưng chưa thực hiện được. Hy vọng rằng từ nay trở đi phương pháp này sẽ được hoàn thiện và phát triển, đáp ứng đúng yêu cầu của đào tạo theo hướng mở: người học được học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương tiện, chứ không phải chỉ đến trường, đến lớp mới là đi học như tư duy giáo dục của chúng ta đã kéo dài trong suốt thời gian qua.
Chất lượng các mô hình học tập ngày càng nâng cao
Trở về vấn đề nâng cao chất lượng của các mô hình: gia đình học tập, dòng họ học tập... theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam không chỉ dừng lại ở các tiêu chí đánh giá các mô hình đã xây dựng một cách cơ học: số lượng người tham gia học tập, số lớp học...mà đi sâu đánh giá tác động của các tiêu chí đó đói với sự phát triển kinh tế, văn hóa của gia đình, địa phương và xã hội. Có nghĩa là tập trung đánh giá chất lượng của các mô hình. Hội thảo "Đánh giá chất lượng các mô hình học tập" đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội trong thực hiện các mô hình và đánh giá kết quả đạt được.
Hoạt động của Hội đã thay đổi về chất, đi vào chiều sâu và đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước, làm chuyển biến nhận thức trong xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Kết quả điều tra xã hội học năm 2019 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng các mô hình đã chứng minh sự hài lòng của nhân dân trong thực hiện Mô hình học tập và nhân dân đánh giá tác dụng của các mô hình học tập trên mọi lĩnh vực đều đạt 95% trở lên.
Phong trào "Gia đình học tập" đã góp phần phát triển kinh tế của địa phương, gia đình, đặc biệt chỉ tiêu góp phần xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết, góp phần bảo vệ xóm làng đều đạt 100% tỷ lệ đánh giá tốt. Như vậy, Hội Khuyến học các cấp, những người làm khuyến học, hội viên Hội Khuyến học đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực học tập, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt các tiêu chí đề ra.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân, đất nước ta ngày càng đổi mới. Sự phát triển và đổi mới đó có đóng góp quan trọng của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Từ chỗ Hội chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ các nhà trường (chủ yếu là trường phổ thông), phong trào chủ yếu tập trung ở nông thôn, đến nay hoạt động của Hội đã có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu như đã nêu ở trên.
Như vậy, thông qua các hoạt động của mình, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Đặc biệt, kết quả về phối hợp, thúc đẩy "Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập" đã đạt kết quả rõ nét.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: đạt 100%
Giáo dục phổ thông: 67% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương;
Trong những năm gần đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức rất cao.
Giáo dục đại học: Thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng được cải thiện: 7 cơ sở đại học lọt vào Top 500 bảng xếp hạng đại học (QS) Châu Á;
Tỷ lệ sinh viên có việc làm khá cao (Quý 3/2018: thất nghiệp 2,17%): 84%, có nhiều trường đạt 97%;
Đạt mục tiêu cơ bản về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, mang lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho đất nước. Với quyết tâm của mình, Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục sự nghiệp xóa mù chữ, diệt giặc dốt do Bác Hồ phát động và đến nay Diệt giặc dốt không chỉ dừng lại ở xóa mù chữ mà Hội đang cùng tham gia xóa mù chức năng (xóa mù tin học, ngoại ngữ...) và xóa mù nghề nghiệp. Hội đã tham gia với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện nhiều nội dung trong công tác đào tạo nghề có hiệu quả không chỉ ở các trung tâm học tập cộng đồng, mà cả các cuộc khảo sát chung trong nhân dân về nhu cầu nghề nghiệp, hướng phát triển.
Phải nói rằng cùng với biết đọc, biết viết là chìa khóa vào đời của mỗi con người, thì biết nghề, hành nghề là con đường dẫn đến tương lai, dẫn đến cuộc sống tốt đẹp và ngày càng tốt đẹp hơn nếu như mọi người chịu khó bồi đắp tri thức cho tay nghề điêu luyện theo tư tưởng của các cụ "Của bề bề không bằng nghề trong tay".
Từ năm 2018, việc tập trung cho xóa mù nghề đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đưa vào chương trình công tác, với quyết tâm cao độ là góp phần để tất cả mọi người từ nông dân cho đến sinh viên, cán bộ, công chức, người lao động ai cũng thấm nhuần tư tưởng phải có nghề, thạo nghề và đi lên làm giàu từ nghề. Quyết tâm không để ai bị "mù nghề", "dốt nghề" là một phương hướng hành động của Hội Khuyến học Việt Nam.
Như vậy, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước, góp phần đẩy lùi nạn mù chữ, diệt giặc dốt trong bất kỳ thời kỳ nào kể từ khi thành lập đến nay.
Thời gian tới, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động còn khó khăn hơn. Song với nhiệt huyết vì sự học của đất nước, Hội sẽ thực hiện thắng lợi kết luận 49-KL/TW và góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 52-NQ/TW đưa nước ta tiến đến đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc trên thế giới như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Muốn vậy, Hội sẽ tập trung xây dựng và triển khai mô hình "Công dân học tập", trong đó các tiêu chí đo lường công dân học tập là những số đo cơ bản trong đánh giá các mô hình học tập mà Hội đã, đang và sẽ triển khai. Mỗi công dân Việt Nam phải là các công dân học tập, xã hội Việt Nam phải trở thành xã hội học tập.
Văn hóa học tập suốt đời sẽ đến với từng công dân học tập
Văn hóa học tập suốt đời chính là phẩm chất hiếu học, ham học, học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nó đã có sẵn trong dòng máu người Việt Nam. Hội Khuyến học sẽ cố gắng khơi nguồn để dòng chảy văn hóa học tập suốt đời mãi mãi trường tồn. Điều đó hết sức quan trọng đối với đất nước ta khi chúng ta phải phát triển kinh tế bằng tri thức, bằng sáng tạo, bằng áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mang 4.0 và nếu không như vậy thì câu nói của Bác Hồ "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" sẽ thành hiện thực.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tri-thuc-la-suc-manh-cua-dan-toc-179220519174410617.htm