Trẻ em có thể học cách quản lý và sử dụng tiền như thế nào?
Hệ thống giáo dục của một số quốc gia hiện vẫn chưa trang bị đầy đủ cho trẻ em và thanh thiếu niên những kiến thức cần thiết về quản lý tài chính, chi tiêu của bản thân. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp những ứng dụng để giáo dục trẻ em về tài chính.
Khi nào là thời điểm phù hợp để trẻ nhỏ bắt đầu học về cách tiêu tiền?
Câu hỏi về thời điểm để trẻ nhỏ có thể học về tiền luôn là một trong những mối quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh mọi nơi trên thế giới.
Khoa học chứng minh rằng, trẻ nhỏ 2-3 tuổi đã có thể bắt đầu hiểu được những khái niệm cơ bản về tiền, chẳng hạn như muốn mua đồ ở cửa hàng cần phải có tiền. Trẻ ở độ tuổi này học về thế giới thông qua quan sát. Do đó, những hành động mua sắm, thanh toán, giao dịch của người lớn đều có thể trở thành bài học hàng ngày cho con trẻ. Còn cách dùng tiền như lên danh sách mua sắm, lập quỹ chi tiêu,… được thiết lập ở độ tuổi từ 7-9 tuổi, và sau đó dần được củng cố trong suốt quá trình lớn lên và trưởng thành.
Ngày nay, trẻ em có nhiều cơ hội lựa chọn mua sắm và tiêu tiền hơn rất nhiều so với thế hệ trước, từ những giao dịch ảo trong trò chơi điện tử, cho đến những ứng dụng trả phí trên điện thoại, tải nhạc về máy tính cá nhân, hay đơn giản là việc mua quà bánh ăn vặt. Đặc biệt, các giao dịch này hiện đa phần đều được thực hiện trực tuyến. Do đó, cha mẹ sẽ cảm thấy khó khăn không những về việc dạy con tiêu tiền như thế nào, quản lý tài chính ra sao, mà còn thực hiện giao dịch qua mạng như thế nào cho an toàn và tiết kiệm.
Theo bà Amy Goodall- Smith, người sáng lập Công ty tư vấn tài chính Goodall-Smith Wealth Management, trong thế giới tài chính đang ngày càng phát triển, trẻ nhỏ rất cần nắm được những khái niệm cơ bản, như ngân sách, giá trị của đồng tiền, ngân hàng là gì, khoản vay là gì hay thẻ tín dụng là gì.
Trẻ nhỏ nên được học về quản lý tài chính ở đâu và từ ai?
Theo Ngân hàng Trung ương Anh, trẻ nhỏ có thể tiếp cận với những thông tin về cách quản lý tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhà trường và từ chính các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, các bài học tại mỗi trường mỗi khác, trong khi hiện nay, hệ thống giáo dục của một số quốc gia, trong đó có cả Vương quốc Anh, cũng không thể trang bị đầy đủ cho trẻ em và thanh thiếu niên những kiến thức về tài chính, quản lý tài chính. Đây là một lỗ hổng cần nhanh chóng được lấp đầy, nếu không, kiến thức kém do giáo dục không đầy đủ có thể dẫn đến các vấn đề về tài chính và các khoản nợ trong tương lai.
Một cuộc khảo sát năm 2020 của Cơ quan Quản lý tài chính của Anh (FCA) nhấn mạnh rằng, có tới 30% số người trưởng thành cảm thấy rằng họ có ít kiến thức về quản lý tài chính, khiến việc chi tiêu hàng ngày bị ảnh hưởng.
Do đó, việc dạy trẻ em cách tiêu tiền chủ yếu đặt lên vai các bậc cha mẹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, phụ huynh có thể hướng dẫn con thông qua cả việc chia sẻ, trò chuyện và cả việc làm gương trong nhiều hoạt động chi tiêu trong cuộc sống.
Trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng, đồng hành cùng cha mẹ có thêm các dịch vụ giáo dục tài chính, các công ty cung cấp ứng dụng và thẻ ngân hàng cho trẻ nhỏ. Các dịch vụ này mang lại cho các bậc cha mẹ những công cụ để giáo dục con cái về giá trị của đồng tiền và cách quản lý đồng tiền của mình một cách nhẹ nhàng và tư giác.
Các ứng dụng giáo dục tài chính cho trẻ nhỏ
Thời gian gần đây, ngay càng có nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp những ứng dụng để giáo dục trẻ em về tài chính. Các công ty này phát triển rất nhanh chóng và đang dần trở thành một trợ thủ đắc lực cho nhiều bậc cha mẹ ở phương Tây giáo dục con mình về đồng tiền.
Trong số các ứng dụng này có thể kể đến GoHenry với hơn 2 triệu người dùng tại Anh và Mỹ. Ra mắt vào năm 2012, GoHenry là một ứng dụng giáo dục tài chính và thẻ ghi nợ trả trước dành cho trẻ từ 6-18 tuổi, cung cấp những bài học và lời khuyên về "quản lý tài chính" cho trẻ, với sự giám sát của cha mẹ. Theo ông Louise Hill, đồng sáng lập GoHenry, sứ mệnh của Công ty là giáo dục trẻ nhỏ về cách quản lý tài chính, cũng như học cách tiêu tiền thông minh hơn.
Ngoài ra, còn có Pixpay, rất được phổ biến ở các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha. Về cơ bản, Pixpay là một ngân hàng cho trẻ nhỏ, cho phép các em được sở hữu chiếc thẻ tín dụng Mastercard của riêng mình, dưới sự giám sát của phụ huynh. Đi kèm với đó, các em tải về điện thoại di động ứng dụng cho phép thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm hoặc thậm chí nhận được các thông tin giảm giá của những thương hiệu mình yêu thích. Phần lớn các tiện ích này đều giống với thẻ ngân hàng và ứng dụng trên điện thoại thông minh mà các bậc phụ huynh vốn đã rất quen thuộc. Cha mẹ có thể kiểm soát được các khoản giao dịch của con qua thẻ thanh toán thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại của mình.
Trong khi đó, ứng dụng Hyperjar lại tạo cho các em một "cách hình dung đơn giản về tài chính". Hyperjar cung cấp cho trẻ em các công cụ để bắt đầu quản lý các khoản tiền của riêng mình, như tiền tiêu vặt được cha mẹ cho hàng tháng, hay "thu nhập" từ các công việc nhà, nhờ đó các con bắt đầu hiểu được bài học cơ bản về cách quản lý tiền một cách thông minh, tiết kiệm.
Điều quan trọng đáng nói ở đây là việc được sở hữu riêng một chiếc thẻ thanh toán mang lại cho trẻ cảm giác được chủ động trong chi tiêu, dù có sự giám sát gián tiếp của bố mẹ và trẻ biết điều đó. Quan trọng hơn thế, việc sử dụng thẻ giúp trẻ học được những bài học đầu tiên về trách nhiệm chi tiêu, cách quản lý tài chính. Chẳng hạn, các em biết được các "nguồn thu", như tiền bố mẹ cho tiêu vặt, tiền thưởng, tiền làm thêm,… đổ vào tài khoản, "ngân sách" mình đang có, những nhu cầu chi tiêu của bản thân, những món đồ mình muốn mua sẽ làm vơi đi bao nhiêu khoản tiền đang có… Từ đó, các em có những khái niệm đầu tiên về thu – chi, về cân bằng ngân sách, về chi tiêu và tiết kiệm, về lựa chọn khoản "đầu tư" nào cho hiệu quả nhất, khoản nào có thể cho qua, giữ lại tiền trong tài khoản.
Những bài học đầu tiên này sẽ giúp các em học cách quản lý tài chính, quản lý tốt hơn tài chính của mình, và xa hơn nữa, của gia đình trong tương lai.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tre-em-co-the-hoc-cach-quan-ly-va-su-dung-tien-nhu-the-nao-179220720232827541.htm