Tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Ngày 15/7/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS".
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là điều ước quốc tế quan trọng nhất về Luật Biển trên phạm vi toàn cầu. Sau 5 năm trù bị (1967 - 1972) và qua 9 năm thương lượng (1973 - 1982), ngày 10/12/1982, UNCLOS chính thức được ký kết; là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển.
UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc "cả gói" (package deal), bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hoà - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III khẳng định: UNCLOS 1982 là bản Công ước về Luật Biển hoàn thiện nhất và bao quát nhất cho đến nay của cộng đồng quốc tế, xác định những quy chế pháp lý của hầu hết các bộ phận thuộc biển và đại dương. Đây được xem là một bản hiến pháp mới về biển của cộng đồng quốc tế, ấn định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, xác lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đóng góp quan trọng vào tiến trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế.
Các nguyên tắc của Luật Biển quốc tế được quy định trong UNCLOS 1982 bao gồm: nguyên tắc tự do biển cả; nguyên tắc đất thống trị biển; nguyên tắc sử dụng biển cả vì mục đích hòa bình; nguyên tắc vùng và tài nguyên thuộc vùng là di sản chung của nhân loại; nguyên tắc bảo vệ và khai thác hợp lý các sinh vật sống trên biển; nguyên tắc bảo vệ môi trường biển; nguyên tắc công bằng.
(Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)