Trái tim lạc quan, khao khát học tập của chàng trai khuyết tật

Ngày Đỗ Hà Cừ được sinh ra và bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, chẳng ai nghĩ sau này Cừ sẽ làm được việc gì. Vậy mà sau hơn 40 năm cuộc đời Đỗ Hà Cừ đã trở thành đại sứ văn hóa đọc, viết sách và cùng mẹ truyền cảm hứng gia đình học tập cho hàng ngàn bạn trẻ.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Nguyễn Văn Công (Hà Nội)

Đỗ Hà Cừ (ngồi xe lăn) được rất nhiều các tình nguyện viên hỗ trợ vận hành không gian đọc Hy vọng.
Màu của Hy vọng
Khi tôi cầm cuốn sách của Màu của Hy vọng (Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2014) - một cuốn tự truyện của anh Đỗ Hà Cừ trên tay, tôi càng thêm nể phục về tinh thần tự học của tác giả.
Một cuốn tự truyện dày dặn, câu từ mạch lạc, giản dị nhưng xúc cảm và đầy nội lực của một chàng trai chưa bao giờ được đến trường, đến lớp. "Trời đất sinh ra ta thế này/Không thừa không thiếu đủ tay chân/Trời đất sinh ra tất có ích/Chỉ chưa tìm thấy nhiều cái hay/Trời đất thách đố ta như vậy/Ta sẽ tìm ra cho biết tay", đây cũng chính là lời tựa của sách Màu của Hy vọng.
Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984 ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Bố Cừ từng tham gia quân ngũ và bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, trong 2 người con thì Cừ bị ảnh hưởng chất độc da cam, em trai Cừ may mắn là người bình thường.
Một lần ghé thăm ngôi nhà của Cừ ở phường Trần Lãm, tôi thật sự xúc động khi thấy chàng trai tuy mang trên mình thân bình biến dạng, liên tục co quắp, giọng nói khó khăn và chỉ có 1 ngón tay hoạt động bình thường nhưng trái tim luôn lạc quan, đôi môi luôn mỉm cười và nhiệt tình giới thiệu cho bạn bè về những cuốn sách hay và văn hóa đọc sách.

Đỗ Hà Cừ cùng bố mẹ của anh và khách đến tham quan không gian đọc.
Khi có được cơ duyên trò chuyện với cô Nguyễn Kim Sơn, mẹ của Đỗ Hà Cừ tôi càng ấn tượng hơn bởi một người phụ nữ hiền hậu đã đồng hành cùng con suốt hơn 40 năm qua trong việc học tập và lan tỏa văn hóa đọc. Mọi sinh hoạt của Cừ, mọi chuyến đi, mọi mối quan hệ của con trai đều có sự hỗ trợ của người mẹ.
Ngay cả việc học chữ cũng do cô Sơn dạy cho Cừ bằng những phương pháp hết sức đặc biệt.
Cô Sơn cho biết, Cừ nằm liệt một chỗ trên giường không thể đến trường nhưng rất thích nghe đọc truyện, thường xuyên bắt mẹ mua truyện về đọc cho nghe. Nhiều lúc Cừ muốn tự đọc sách để đỡ làm phiền mẹ nên khi 10 tuổi Cừ "bắt" mẹ dạy chữ cho.
"Tôi xem trên truyền hình thấy các bạn khiếm thị còn cố gắng học chữ nổi, tôi thì có mắt sáng mà không học thì phí phạm quá, vì vậy tôi nằng nặc đòi mẹ dạy chữ cho", Đỗ Hà Cừ tâm sự.
Để Cừ quen với chữ, cô Sơn đã đọc các bài thơ lục bát có vần dễ thuộc cho Cừ nghe, từ nọ gọi ra từ kia. Sau đó, mỗi ngày cô Sơn viết vài chữ lên bảng treo trước mặt Cừ cho Cừ nhớ. Khi đó em trai Cừ cũng đang độ tuổi đến trường, hàng ngày em học bài thì Cừ nằm bên cạnh, thỉnh thoảng em trai lại chỉ cho anh vài chữ.
Mưa dầm thấm lâu như vậy, mẹ Cừ và em trai đã giúp Cừ thông thạo mặt chữ trong 2 năm. Tuy không thể cầm bút viết nhưng với Cừ có thể tự đọc sách đã là một niềm hạnh phúc rất lớn. Từ đó Cừ đòi mẹ mua cho rất nhiều sách, truyện, chàng trai nghiền ngẫm đọc ngày đọc đêm mà không hề biết chán. Và cũng có nhiều cuốn sách Cừ đã đọc đi đọc lại nhiều lần đến nỗi nhiều đoạn anh thuộc làu từng chữ. Bỗng nhiên phòng của Cừ thành một thư viện mini với hàng trăm đầu sách, trẻ em hàng xóm thường tìm đến đọc chung và trò chuyện với anh Cừ như một tấm gương hiếu học có một không hai.
Nhân lên những tủ sách Hy vọng
Được sự hỗ trợ của những người bạn, năm 2015 Cừ thành lập Không gian đọc Hy vọng với hơn 300 đầu sách. Mục đích của Cừ là để trao đổi những cuốn sách giữa người đọc, để mỗi người được đọc nhiều sách hơn. Vì đọc sách sẽ giúp mở mang kiến thức, giúp tâm hồn thư thái hơn. Đặc biệt, gia đình Cừ rất ủng hộ việc thành lập tủ sách của con và thu hút các bạn trẻ đến đọc, mượn sách. "Hiện tủ sách của tôi có hơn 4.000 đầu sách và thường xuyên luân chuyển sách với những tủ sách khác do người khuyết tật quản lý", anh Cừ cho biết.

Tác giả Nguyễn Văn Công và cuốn sách Màu của Hy vọng của anh Đỗ Hà Cừ.
Từ khi có máy tính kết nối mạng internet, Cừ vẫn không từ bỏ thói quen đọc những cuốn sách thơm mùi giấy hàng ngày. Ngược lại, Cừ tận dụng mạng xã hội để kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ sách, truyền cảm hứng cho các thanh niên khuyết tật mở không gian đọc tại nhà, lan tỏa văn hóa đọc, nâng cao tri thức ở các vùng nông thôn.
Sách từ chỗ là người bạn, người đồng hành hàng ngày của Cừ bỗng còn trở thành người người kết nối đam mê. Một số trường học trên địa bàn thành phố Thái Bình đã cho học sinh đến trải nghiệm không gian đọc Hy vọng của anh Cừ. Đến đây các em học sinh không những được tiếp cận với một tủ sách phong phú mà còn được nghe anh Cừ kể chuyện, lan tỏa đam mê tự học, tự đọc.
Bên cạnh đó anh Cừ còn tổ chức một số kiện truyền thông sách như hùng biện, review sách, lì xì sách dịp tết thiếu nhi, trung thu, mini game tặng sách... góp phần lan tỏa không nhỏ giá trị của những cuốn sách trong cuộc sống hiện đại với vô vàn phương tiện truyền thông, giải trí. Anh Cừ còn tự làm hơn 100 bài thơ với chủ đề về mẹ, quê hương, học tập và khao khát một ngày nào đó sẽ tập hợp những bài thơ này lại in thành một tuyển tập.
Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của anh Cừ đã có hơn 30 không gian đọc do người khuyết tật thành lập rải rác ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình... với các cái tên như Ánh sáng, Nơi dừng chân của bạn, Hạnh phúc...
Để động viên được các "thủ thư" khuyết tật mở không gian đọc, anh Cừ đã truyền cảm hứng về tinh thần tự học, về gia đình học tập, xã hội học tập cho các bạn, bởi hầu hết các bạn khuyết tật không được đến trường, luôn mặc cảm và tự ti về bản thân cũng như nền tảng tri thức.
Bên cạnh đó, Không gian đọc Hy vọng của Cừ còn tặng rất nhiều sách cho một số thư viện trường học của một số trường trên địa bàn tỉnh, đồng thời đã tiếp đón hàng chục nghìn lượt bạn đọc đến đọc sách trong 10 năm qua. Nghị lực của Cừ và tình yêu thương của cô Sơn đã giúp hai mẹ con có những đóng góp hữu ích cho xã hội, khơi dậy tinh thần học tập và lan tỏa mô hình gia đình học tập, xã hội học tập, đặc biệt đối với những bạn không may mắn, khiếm khuyết trên cơ thể và mang trong mình sự mặc cảm.
Với những đóng góp của mình, Đỗ Hà Cừ được tặng giải thưởng phát triển Văn hóa đọc năm 2019 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 và rất nhiều giải thưởng, ghi nhận khác.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trai-tim-lac-quan-khao-khat-hoc-tap-cua-chang-trai-khuyet-tat-179250418150724407.htm