TPHCM: Tiếp tục quyết tâm phục hồi nền kinh tế

PV
09:00 - 19/02/2023

Kể từ sau đại dịch COVID-19, người ta đã nhắc nhiều tới những kết quả thần kỳ của TPHCM, và cho tới nay, với những nỗ lực tiếp nối TPHCM đã không ngừng có thêm nhiều thảo luận, chính sách, đề xuất mới để hỗ trợ người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu thành phố đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Thành quả này là sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở - ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền thành phố , đòi hỏi thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM.

Mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã có buổi gặp gỡ lắng nghe ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, giúp lãnh đạo thành phố, sở - ngành thành phố hiểu rõ hơn về những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp để thành phố tập trung giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

TPHCM: Tiếp tục quyết tâm phục hồi nền kinh tế - Ảnh 1.

Các cuộc gặp gỡ lắng nghe ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, giúp lãnh đạo TP, sở - ngành TP hiểu rõ hơn về những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: HCM.

Khó khăn, thách thức của doanh nghiệp tại TPHCM

Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thành phố cuối năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó. Tín hiệu kém lạc quan trong các lĩnh vực xuất hiện như xuất khẩu, đầu tư và bất động sản cho thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu khó khăn, hàng tồn kho tăng, dấu hiệu suy giảm của thị trường nước ngoài.

Về lực lượng lao động, thông tin cho thấy có dấu hiệu một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2/2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Cụ thể: Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là: nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Riêng với ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần thư đóng băng và có khả năng kéo dài.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, kim ngạch xuất khẩu của sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau.

Ngoài ra, do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mang tính giật cục. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.

Chia sẻ cụ thể về tình hình khó khăn doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi, đại diện các doanh nghiệp ngành hàng lương thực thực phẩm cho biết, trong bối cảnh với những tác động từ khủng hoảng kinh tế chính trị thế giới và hậu quả của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. 

Tăng cường lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất

Ông Nguyễn Ngọc Hòa thay mặt các doanh nghiệp thành phố gửi đến 02 kiến nghị lớn về kiến nghị Chính sách Nhà nước và kiến nghị với thành phố cần nhanh chóng thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Đối với kiến nghị Chính sách Nhà nước, cần hỗ trợ vốn, tín dụng. Hệ thống ngân hàng hiện siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng, định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao trên 10%/năm là cản trở lớn, gây là khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 01 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn; đồng thời sớm công bố thông báo hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.

Với thị trường trái phiếu và tài chính, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Các trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 03 năm trở lên được gia hạn 18 tháng. Do niềm tin của các trái chủ bị lung lay nên kiến nghị Nhà nước cần ban hành chính sách trên giúp ổn định thị trường tài chính.

Về chính sách thuế, kiến nghị Chính phủ tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt ...cũng cần được xem xét miễn, giảm. Kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.

Đối với kiến nghị TPHCM, doanh nghiệp kiến nghị với thành phố cần cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ hoặc quy định nghiêm ngặt về thời gian; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng(thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố cần xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư đã từng thực hiện trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.

Cùng đó, doanh nghiệp kiến nghị thành phố xem xét chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp chưa sử dụng để hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp vì hiện doanh nghiệp đang thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh. Xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng. Các chính sách cho thuê đất trong khu nông nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là hình thức cho thuê đất trả tiền một lần hay trả tiền hàng năm) cũng cần xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình đầu tư thực tế của doanh nghiệp và đồng bộ với các quy định khác của thành phố.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng; vấn đề quảng cáo, quảng bá kinh doanh; Vấn đề qui hoạch, xây dựng, đất đai; Vấn đề chuyển đổi số và công nghiệp hỗ trợ ...

Quyết tâm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, TPHCM có thể vực dậy, bật lên sau đại dịch COVID-19 với đà tăng trưởng mạnh mẽ là nhờ sự đồng lòng đoàn kết của toàn thành phố, của cộng đồng doanh nghiệp thành phố.

Trước các đề xuất, kiến nghị liên quan đến thẩm quyền cấp Trung ương, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố tiếp thu đầy đủ và sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị. Còn với những vấn đề của thành phố mà doanh nghiệp đặt ra như về thủ tục, vốn vay, lãi suất ... thì thành phố phải nỗ lực để khắc phục nhanh và ngay và với những vấn đề phát sinh mới thì sẽ xem xét tháo gỡ trong thẩm quyền của thành phố.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi các sở, ngành thành phố nói đã làm hết sức nhưng doanh nghiệp nói vẫn gặp khó, chứng tỏ sự nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bí thư đề nghị, mỗi sở, ngành cần soi lại mình, soi lại từng việc đã làm, những cái đã làm để đề ra những việc mới, cách làm mới. Những việc nào cần làm, phải làm thì phải làm sớm... để khắc phục nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

"Từng doanh nghiệp đề xuất cụ thể, rõ ràng trong từng lĩnh vực và thành phố sẽ tổ chức thực hiện chỉ đạo trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng doanh nghiệp"
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên

Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu, trong mọi hoạt động liên quan đến cải cách hành chính cần công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền, cam kết ai không làm đúng, làm tốt cần bị xử lý. Mỗi người làm đúng và làm tốt công việc của mình trên cơ sở thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ và thông cảm nhiều hơn. 

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị, UBND thành phố cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các doanh nghiệp, kết hợp 3 chiều, bằng trách nhiệm, chia sẻ, sáng tạo để vượt qua khó khăn.

Tăng cường tháo gỡ mọi khó khăn, chủ động giải quyết vướng mắc

Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đã yêu cầu HUBA tập hợp, tổng hợp lại tất cả những kiến nghị cụ thể của từng doanh nghiệp, không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, vấn đề thuế mà có có khi liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, môi trường... gửi UBND thành phố. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ chỉ đạo, giao các sở - ngành trực tiếp tháo gỡ, giải quyết cụ thể.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng yêu cầu các sở - ngành với những kiến nghị hôm nay cùng những nội dung chung, cụ thể ngày mai thì sở - ngành nào có liên quan thi cần nên chủ động có thể mời từng nhóm hoặc mời từng doanh nghiệp cụ thể để nghe, giải quyết cụ thể cho từng trường hợp.

TPHCM cũng sẽ tiếp tục gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt có hội nghị đối thoại và kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp ngân hàng với cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác tại TPHCM. Hiện thành phố cũng đang có kế hoạch yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và làm việc với các nhóm doanh nghiệp hiện đang có nhu cầu vay vốn và thực hiện chính sách tại ngân hàng của mình và xác định đủ điều kiện tổ chức cho vay và thực hiện chính sách đó. Dự kiến, thành phố sẽ sớm công bố danh mục này.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tphcm-tiep-tuc-quyet-tam-phuc-hoi-nen-kinh-te-179230219072558538.htm