Tổng Giám đốc WHO cảnh báo sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu

15:23 - 24/06/2022

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp với các thành viên của Ủy ban Khẩn cấp vào ngày 23/6. Sự kiện này sẽ đánh dấu tuyên bố quan trọng với đậu mùa khỉ.

Tổng Giám đốc WHO cảnh báo sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Người lao động

Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra  ngày 23/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tất cả các nước trên thế giới cần tăng cường năng lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, đẩy mạnh việc giám sát, truy vết và cách ly đối với bệnh nhân mắc căn bệnh này.

Cuộc họp khẩn được tổ chức kín, triệu tập các chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp, diễn ra vào 12h ngày 23/6 tại Geneva (theo giờ địa phương, khoảng 5h ngày 24/6 theo giờ Việt Nam).

Cảnh báo liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ

Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp (IHR) của WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra những cảnh báo liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ.

Cảnh báo đầu tiên: nhân loại cần nhìn nhận về sự "thiếu hiểu biết" đối với căn bệnh. "Sự lây truyền từ người đang diễn ra và có thể bị đánh giá thấp. Tại Nigeria, tỉ lệ phụ nữ bị ảnh hưởng cao hơn nhiều so với những nơi khác, và điều quan trọng là phải hiểu rõ hơn về cách dịch bệnh lây lan ở đó" - tiến sĩ Tedros nhấn mạnh và cho biết gần 1.500 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ với 70 ca tử vong đã được báo cáo ở Trung Phi nhưng rất ít trường hợp được xác nhận (vì năng lực xét nghiệm ở châu Phi rất hạn chế).

Cảnh báo thứ hai: sự minh bạch và chia sẻ thông tin. Ông nói: "Đôi khi tôi thấy hậu quả của việc các quốc gia không minh bạch, không chia sẻ thông tin"; đồng thời kêu gọi tăng cường tìm kiếm ca bệnh, truy vết, giải trình tự gien virus.... và thực hiện các biện pháp kiểm dịch khác, đồng thời chia sẻ thông tin để cùng nhau cứu sống người bệnh.

Cảnh báo thứ ba: Nhân viên y tế đang chịu rủi ro và có thể bị nhiễm bệnh nếu không được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.

Theo hãng tin Reuters, tiến sĩ Agam Rao từ CDC cho biết trong một cuộc họp báo ngày 23-6 rằng bên cạnh các báo cáo liên quan đến ca bệnh nhập khẩu - từ người đi nước ngoài về - thì CDC đã có bằng chứng về sự lây truyền tại chỗ, tức lây truyền trong cộng đồng ở các địa phương.

Tiến sĩ Rao cũng cảnh báo các ca bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới nhưng một số phụ nữ cũng nhiễm bệnh. Đã có báo cáo về sự lây truyền giữa các thành viên trong gia đình và những người liên hệ gần gũi.

Trước đó, các chuyên gia từ WHO và các cơ quan y tế hàng đầu đã cho biết đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc da kề da, qua dịch tiết hay dịch từ bóng nước của bệnh nhân và lây yếu qua đường hô hấp. Vì vậy, tuy nguy cơ chung cho cộng đồng là thấp nhưng nguy cơ đối với những người chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân là hiện hữu. Một số quốc gia đã triển khai tiêm phòng vaccine đậu mùa (ngừa cả đậu mùa khỉ) cho một số nhân viên y tế.

Cảnh báo thứ tư: giải quyết sự kỳ thị, phân biệt đối xử và các thông tin sai lệch, một cách nhanh chóng và dứt khoát.

"Chúng ta cần hợp tác với tư cách là một cộng đồng quốc tế để tạo ra dữ liệu lâm sàng và hiệu quả lâm sàng cần thiết về vaccine và phương pháp điều trị để chống lại bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời đảm bảo việc phân phối nó một cách công bằng" - Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Bệnh đậu mùa khỉ dường như đang lây lan với số ca mắc nhiều hơn con số thống kê

Trong phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung ở Kigali (Rwanda), Tổng Giám đốc WHO nêu rõ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại những quốc gia mới bị lây nhiễm tiếp tục chủ yếu ở những nam giới đồng tính và những người này thường có quan hệ tình dục với nhiều người. Ông cảnh báo tình trạng truyền nhiễm từ người sang người đang tiếp diễn và dường như đang bị đánh giá thấp. 

Theo thống kê mới nhất của WHO, tính từ đầu năm tới nay, các nước khu vực Trung Phi đã ghi nhận thêm 3.200 ca mắc và gần 1.500 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, khoảng 70 ca tử vong bị nghi có liên quan đến căn bệnh này. Theo Reuters, thống kê của WHO ngày 23-6 có hơn 3.200 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu (đã xét nghiệm) ở 48 quốc gia và gần 1.500 ca nghi nhiễm ở Trung Phi, với 70 ca tử vong. 

Thông tin từ phiên họp của Ủy ban Khẩn cấp (IHR) trong ngày cũng tiết lộ có 1 ca tử vong ngoài châu Phi đã được xác nhận.

Người đứng đầu WHO cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ dường như đang lây lan với số ca mắc nhiều hơn con số thống kê. 

WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) là: "Một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp".

Theo kế hoạch, trong ngày 24/6, IHR sẽ đưa ra khuyến cáo về "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" (PHEIC) đồng thời đưa ra đánh giá về nguy cơ đối với sức khỏe con người, nguy cơ về sự lây lan trên toàn cầu cũng như nguy cơ của bệnh này đối với việc đi lại trên thế giới. Dựa theo khuyến cáo của IHR, ông Tedros sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có coi bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC hay không. 

Kể từ năm 2009, WHO đã ban bố 6 PHEIC, trong đó lần cuối cùng là đối với đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Theo ông Philippe Duneton, người đứng đầu cơ quan Unitaid - đơn vị về cách thức ngăn chặn, chẩn đoán và điều trị các bệnh, cho rằng không dễ để có thể phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ dựa trên xét nghiệm bởi việc này cơ bản chỉ được thực hiện ở cấp độ lâm sàng. Do vậy, điều quan trọng là phải thực hiện xét nghiệm sớm nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mắc, đặc biệt là ở những người tiếp xúc với người bệnh.

Trước khi diễn ra cuộc họp của WHO ngày 23/6 để đưa ra tuyên bố quan trọng với bệnh đậu mùa khỉ, Mạng lưới Y tế thế giới (WHN) đã thông báo rằng, họ đang tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là một đại dịch. WHN cho rằng, sự bùng phát đang nhanh chóng mở rộng trên nhiều châu lục và sẽ không dừng lại nếu không có hành động chung trên toàn cầu. Mục đích thiết yếu của việc tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một đại dịch, theo WHN, là nhằm đạt được một nỗ lực phối hợp giữa nhiều quốc gia hoặc trên toàn thế giới để ngăn chặn tác hại trên diện rộng.

Nguồn: PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tong-giam-doc-who-canh-bao-su-lay-lan-cua-benh-dau-mua-khi-tren-toan-cau-179220624140917429.htm