Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao sức mạnh của Quân đội
Ngày 20/12, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2022 và triển khai thực hiện chủ trương, quyết nghị của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ năm 2023.
Quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa và không gian mạng
Năm 2022, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 với kết quả cao hơn năm trước.
Nổi bật là thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là chủ trương, đối sách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo; phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai sâu rộng, hiệu quả các chiến lược, đề án, hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách mới về tăng cường tiềm lực quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng.
Triển khai thực hiện toàn diện hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị và các mặt công tác khác. Toàn quân duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa và không gian mạng; tổ chức thành công các cuộc diễn tập nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trong năm 2023, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm:
Chủ động nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống về quân sự, quốc phòng, không để bị động, bất ngờ.
Triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng.
Tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp vững chắc.
Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội.
Điều chỉnh bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức quân đội. Hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng cần chủ động, nhạy bén, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; có đối sách xử lý phù hợp, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chú trọng tham mưu, xử lý linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả quan hệ quốc tế; các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; các vấn đề biên giới, biển đảo. Tham mưu hoàn thành có chất lượng tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; sơ kết các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược quân sự, quốc phòng.
Tổng Bí thư yêu cầu, toàn quân cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa việc thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng ở tất cả các cấp. Thực hiện tốt hơn nữa chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, điều chỉnh bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức Quân đội trong tình hình mới; phát huy tốt vai trò nòng cốt của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới đất liền và các vùng biển đảo, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo quốc gia.
Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng. Phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh, trật tự trên phạm vi cả nước; chủ động ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống. Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, diễn tập, đáp ứng điều kiện tác chiến mới. Tích cực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, tác chiến với các loại hình chiến tranh công nghệ cao.
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, liên quan đến công tác tư tưởng, công tác chính sách. Quá trình thực hiện phải chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, có lộ trình, bước đi thích hợp, không chủ quan, nóng vội; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác chính sách. Kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh, không làm ảnh hưởng đến các mặt công tác khác. Quản lý tốt cơ sở vật chất, tài sản, vật tư, trang thiết bị; chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Triển khai xây dựng đồng bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm mọi mặt hoạt động của các đơn vị được điều chỉnh nhịp nhàng, hiệu quả. Sau điều chỉnh, sáp nhập, toàn quân phải giữ vững được sự ổn định; sức mạnh chiến đấu phải mạnh lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh phương thức lãnh đạo, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới và Nghị quyết 847, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”.