Tội phạm mạng, lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm
Tội phạm mạng, nổi bật là lừa đảo trực tuyến, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để thực hiện các hành vi vi phạm, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo trực tuyến đang là vấn đề cấp thiết
Ngày 13/5, phát biểu tại Hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng", Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khẳng định, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo trực tuyến đang là vấn đề rất cấp thiết.
Trên phương diện quốc tế, Liên Hợp Quốc và một số tổ chức cộng đồng cấp khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia nhằm thiết lập quy tắc chung để giảm thiểu nguy cơ. Đã có hơn 160 nước ban hành các chính sách mới nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu phòng, chống đánh cắp mã hóa, dữ liệu để lừa đảo đòi tiền chuộc.
Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quy mô và tốc độ chưa từng có đã tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của mọi quốc gia.
Hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là triệt để lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các hành vi vi phạm, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm 2023, lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng
Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.
Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến trong năm 2023, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dân nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em - những người không có nhiều kỹ năng an toàn trên không gian mạng.
Thông tin thẻ tín dụng được mua bán công khai, trực tuyến trên “chợ đen” có thông tin dữ liệu của khoảng 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan đến tài chính.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, công tác phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng như: Hình thành hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng; tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, tiếp cận đến nhiều người dân; xóa bỏ SIM“rác”, ngăn chặn các giao dịch, dòng tiền liên quan hành vi phạm tội. Rà soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động lừa đảo đang được thúc đẩy; hệ thống trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng liên quan đến đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được xây dựng…
Tuy nhiên, công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có sự trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.
2 nguyên nhân dẫn đến lộ, lọt dữ liệu tại Việt Nam
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến lộ, lọt dữ liệu tại Việt Nam.
Thứ nhất là hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không bảo đảm an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập, lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính.
Thứ hai là do người dùng chủ quan, bất cẩn, tự mình làm lộ, lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến. SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến.
Đáng lưu ý, các đối tượng lừa đảo sử dụng rất nhiều chiêu thức tinh vi như kêu gọi đầu tư qua sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán; đe dọa tiền gửi ngân hàng của người dùng đang bị điều tra, cần chuyển tiền để xác minh… Qua đó cho thấy, tính chất lừa đảo trực tuyến đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, tình hình trật tự an ninh xã hội.