Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng

08:01 - 26/12/2024

Mọi chuyện đang không tốt đẹp với Nissan. Nếu có ai đó có thể cứu Nissan, đó phải là một công ty Nhật Bản, không phải một thực thể bên ngoài ngành công nghiệp ô tô nước này.

img

Thông tin gần đây trên truyền thông cho thấy Nissan đang đàm phán để sáp nhập với Honda. Chúng ta không bao giờ biết được đầy đủ và chi tiết về các cuộc trò chuyện giữa hai công ty diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Nhưng các báo cáo từ Reuters và các báo cáo khác dường như làm rõ một điều: Không ai thích ý tưởng rằng Nissan có thể bị mua lại bởi Foxconn của Đài Loan.

Trong bối cảnh chạy đua xe điện toàn cầu, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang trở thành một thế lực khó có thể ngăn cản và đang ngày càng mở rộng. Nếu Nissan bắt tay với Honda để cứu công ty khỏi việc rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, điều này sẽ được coi là một động thái tích cực cho nhiều người dân Nhật Bản, cả trong ngành công nghiệp ô tô và chính phủ của “xứ sở mặt trời mọc”.

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 1.

Vào đầu tháng 10, các nhà quản lý của Nissan Motor ở khắp các chi nhánh trên toàn cầu đã cùng với Tổng giám đốc Nissan Makoto Uchida có mặt trong một cuộc họp trực tuyến thường kỳ. Thông điệp ảm đạm mà cuộc họp đưa ra khiến ai nấy đều thất vọng: Tình hình kinh doanh tệ hơn dự kiến và nhà sản xuất ô tô này phải cắt giảm việc làm và sản xuất.

Ông Makoto Uchida mô tả cụ thể về tình hình tài chính đang ngày càng xấu đi, đặc biệt là sự suy giảm doanh số và lợi nhuận ở thị trường Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Uchida đang loay hoay sửa chữa nhà sản xuất ô tô và giữ được công việc của mình. Để duy trì khả năng vận hành tối thiểu của công ty, ông đã thông báo kế hoạch cắt giảm 9.000 nhân viên, 20% công suất sản xuất toàn cầu và 2,6 tỷ đô la chi phí. Ông cũng hứa sẽ từ bỏ một nửa tiền lương của mình.

Nhiều nhà quản lý chất vấn ông Uchida bằng những câu hỏi dồn dập về trách nhiệm của ông đối với sự suy giảm của công ty.

Năm năm trước Nissan đã có mẫu xe điện hàng đầu thế giới với doanh số bán ra trọn đời. Tại sao Nissan không cung cấp xe hybrid tại Hoa Kỳ - nơi khách hàng hiện đang kêu gào mua chúng?

Ai là người chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng mới nhất này?

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 2.

Nhiệm kỳ của ông Uchida trùng với sự thay đổi lớn trong bối cảnh ô tô toàn cầu, bao gồm sự cạnh tranh từ Trung Quốc và nhu cầu thay đổi của khách hàng. Các nhà sản xuất xe điện mới thách thức các nhà sản xuất xe ô tô truyền thống. Những tên tuổi lớn nhất trong ngành cũng không nằm ngoài khó khăn này: Volkswagen rơi vào tình trạng có nguy cơ phải đóng cửa các nhà máy ở Đức và Tổng giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares cũng đã đột ngột từ chức mới đây.

Với những khó khăn chưa từng có, cộng thêm việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ làm tăng thêm áp lực đối với hãng xe này. Vị Tổng thống này dự tính sẽ áp thuế 25% đối với Mexico - một trung tâm sản xuất quan trọng, chi phí thấp của Nissan và nhiều công ty khác. Đối với ông Uchida, ông Trump đại diện cho sự xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất. Mức thuế quan cao có thể buộc Nissan phải cắt giảm sản lượng tại Mexico.

Nhà phân tích Seiji Sugiura (Viện nghiên cứu Tokai Tokyo)
Những gì xảy ra ngày hôm nay tại Nissan là một thảm họa do con người gây ra. Đúng là đã có rất nhiều bất ổn và gián đoạn trong chính ngành công nghiệp này nhưng về cơ bản đây là trường hợp thất bại trong chiến lược quản lý. Điều mà ông Uchida phải làm bây giờ là trao lại quyền điều hành cho đội ngũ quản lý mới"

Tất cả những điều này đã nói lên những bước đi sai lầm của Nissan trong thời gian qua và những lựa chọn khó khăn mà ông Uchida đang phải đối mặt.

Theo Reuters, Tổng giám đốc điều hành đã thừa nhận trách nhiệm quản lý đối với tình hình hiện tại của công ty, đồng thời ông cũng đang nỗ lực để Nissan trở nên tinh gọn và kiên cường hơn và tăng cường khả năng cạnh tranh.

"Chúng tôi còn 12 hoặc 14 tháng để tồn tại". - CFO của Nissan đã phát biểu trước truyền thông như vậy. Theo báo cáo, Nissan hiện đang tìm kiếm một nhà đầu tư mới để đảm bảo sự tồn tại của mình sau năm 2025. Các cuộc đàm phán diễn ra với mục đích tìm kiếm một cổ đông ổn định, lâu dài như một ngân hàng hoặc tập đoàn bảo hiểm để khỏa lấp chỗ trống về tài chính khi Nissan bị Renault bỏ rơi.

Trong cuộc khủng hoảng năm 1999, Carlos Ghosn đã sử dụng chiêu “hợp lý hóa” và đạt được sự phục hồi hình chữ V nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Điều này là do nhiều nguyên nhân thất bại đan xen một cách phức tạp: doanh số bán xe chậm, nhân lực và năng lực sản xuất dư thừa và liên minh kém với các công ty khác. Việc đặt câu hỏi về thái độ vô trách nhiệm của đội ngũ quản lý đã bỏ qua những vấn đề như vậy là điều cần làm.

Tổng giám đốc điều hành Nissan Makoto Uchida cho biết: "Tình hình cực kỳ khó khăn và buộc phải có những động thái tái cấu trúc táo bạo. Trên toàn cầu, Nissan có 25 dây chuyền sản xuất xe. Kế hoạch hiện tại của chúng tôi là giảm công suất hoạt động tối đa của 25 dây chuyền này xuống 20%".

Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Nissan là lời cảnh báo cho các hãng sản xuất ô tô lâu đời đang cố gắng điều hướng một ngành công nghiệp đang thay đổi nhanh chóng. Liệu câu chuyện của công ty có kết thúc sau 12 tháng hay công ty sẽ tìm được con đường trở lại với sự phù hợp?

Nissan từng là một biểu tượng bất khả xâm phạm của ngành công nghiệp ô tô, giờ đây đang bám vào các rào chắn để bảo vệ "mạng sống". Liệu công ty có thể vượt qua cơn bão hay đây là hồi kết? Dù thế nào đi nữa, thời gian đang dần trôi và mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Nissan khi hãng này đang nỗ lực để trụ lại trong cuộc đua đầy khốc liệt.

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 3.

Khi Tesla và BYD của Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần, Nissan gặp phải khủng hoảng tài chính và buộc phải sa lầy vào các cuộc đàm phán để tái cấu trúc.

Chiến lược tập trung vào chất lượng bán hàng ở Bắc Mỹ của ông Makoto Uchida khiến cho sản lượng toàn cầu giảm. Nissan bị phụ thuộc doanh số vào đại lý cho thuê xe tại Mỹ. Sự cạnh tranh gay gắt về chính sách thuế và giá cả và mạng lưới sạc hạn chế đã khiến thị trường Bắc Mỹ trở nên khó chinh phục đối với dòng xe điện và hybrid của Nissan.

Năm 2010, Nissan từng dẫn đầu thị trường xe điện với sự ra đời của Leaf. Tuy nhiên, công ty đã ngủ quên trên tay lái, để các đối thủ cạnh tranh vượt qua. Ở thời điểm hiện tại, Leaf được biết đến nhiều hơn nhờ các chương trình giảm giá, phân khúc thấp.

Năm 2017, Nissan đã ngừng sản xuất một số mẫu xe như: Rogue Sport, Titan, Maxima, Juke, Quest, Versa Note, xe van NV.

Từ năm 2020 trở đi, họ phải đối mặt với đại dịch COVID - 19 và tình trạng thiếu chip. Kể từ đó, Nissan chưa bao giờ phục hồi được doanh số.

Tại Trung Quốc, Nissan cũng mất đi vị thế của gã khổng lồ vì không theo kịp thị trường thay đổi nhanh chóng và không bắt kịp đối thủ cạnh tranh. Nissan đã cho ra mắt mẫu xe e-Power Sylphy hybrid và đã thất bại. Người tiêu dùng Trung Quốc thích những chiếc xe có phong cách thời thượng, hợp xu hướng thay vì một chiếc xe hybrid nhưng giống phiên bản chạy bằng xăng.

Nhiều người cho rằng, việc Nissan liên minh với Renault vào năm 1999 để gỡ gạc vấn đề tài chính đã cứu thoát công ty này rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo sự đi xuống của chất lượng sản xuất và khiến người tiêu dùng chỉ mua xe của Nissan một lần, không quay trở lại.

Nhiều khách hàng cũ tỏ ra tiếc nuối thời hoàng kim của Nissan và ngao ngán trước sự thay đổi của công ty này: “Nissan từng ngang tài ngang sức với Toyota và Honda về độ tin cậy. Tuy nhiên, việc sáp nhập với Renault sau đó tạo ra hộp số CVT đã phá hủy hoàn toàn Nissan. Những chiếc xe tuyệt vời, những chiếc xe thể thao, thị trường lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ chỉ còn là câu chuyện từ những năm 90”.

Năm 2023, Nissan chỉ đã bán được 3,3 triệu xe, giảm khoảng 40% so với năm 2017. Cổ phiếu của công ty đã giảm 70% trong vòng chưa đầy một thập kỷ, khiến giá trị công ty mất khoảng 30 tỷ đô la.

Theo báo cáo của Financial Times, lợi nhuận của Nissan đã giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao và thị phần toàn cầu đang thu hẹp đã khiến Nissan phải vật lộn để duy trì hoạt động tài chính.

Việc Nissan không thể đổi mới hơn nữa trong lĩnh vực xe điện đã ám ảnh công ty này như bóng ma của những cơ hội bị bỏ lỡ. Trong khi Tesla và các công ty ô tô Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần, dòng sản phẩm của Nissan trở nên lỗi thời và không có nhận diện tích cực. Nissan đang phải chơi trò đuổi bắt "hụt hơi" khi các đối thủ không ngừng tiến lên còn Nissan dường như không chuẩn bị để giành chiến thắng.

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 4.

Xét về góc độ kinh doanh thuần túy, Carlos Ghosn đã hồi sinh Nissan và khiến các ông chủ của Renault (công ty Pháp nắm giữ 43,5% cổ phần của Nissan) rất vui mừng. Ông được biết đến như một người có tầm nhìn xa và là chuyên gia cải tổ. Ghosn là động lực thúc đẩy sự hồi sinh của Nissan theo hình chữ V. Sức hút và sự quyết tâm của Ghosn đã khiến ông trở thành một nhân vật được kính trọng trong ngành công nghiệp ô tô, mang lại cho ông biệt danh "Le Cost Killer".

Thêm vào đó, Ghosn đã làm một điều cực kỳ khó khăn: Duy trì liên minh giữa hai công ty có nền văn hóa dân tộc chủ nghĩa cực đoan khác biệt mà không để cho Renault “nuốt chửng” Nissan lúc bấy giờ. Điều này đã tạo ra hai nền kinh tế có quy mô ở hai quốc gia Á - Âu nhờ vào sự hiệp lực của chuỗi cung ứng và đòn bẩy của nhà cung cấp. Giảm chi phí hàng hóa và tăng lợi nhuận, đưa Nissan trở về vị thế khổng lồ như trước đó đã từng.

Tuy nhiên, cũng vì chính sách “thắt lưng buộc bụng” này, ông đã gây ra thiệt hại rất lớn cho hình ảnh của Nissan, đặc biệt là về mặt độ tin cậy, khiến ban quản lý/kỹ sư Nissan và những người đam mê Nissan trên toàn thế giới phải phiền lòng.

Quay trở lại tháng 11/2018, cả thế giới chấn động vì tin tức về vụ bắt giữ Carlos Ghosn tại Nhật Bản. Những cáo buộc ban đầu về hành vi sai trái về tài chính, bao gồm khai báo không đúng mức lương và sử dụng tài sản công ty để trục lợi cá nhân, khiến cả ngành công nghiệp ô tô bị sốc. 

Tuy nhiên, chính những cáo buộc tiếp theo của Ghosn đối với Nissan và các giám đốc điều hành của hãng mới thực sự gây chấn động khắp thế giới doanh nghiệp và phủ bóng đen danh tiếng lên công ty. Sự sụp đổ thảm khốc của Ghosn không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh của Nissan; mà còn phơi bày những vết nứt sâu trong cấu trúc quản lý của công ty.

Kể từ khi cựu CEO Carlos Ghosn bất ngờ bị bắt giam, Nissan liên tục bị dính vào các bê bối khác nhau và gần như mất hoàn toàn phương hướng trong đường lối lãnh đạo. Tân CEO Hiroto Saikawa của Nissan sau khi kế nhiệm Ghosn đã gặp phải những vấn đề lớn gây đau đầu. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 tháng sau, ông đã bị buộc phải từ chức khi vướng vào vụ bê bối tiền thưởng được nhận quá mức. Nissan tiếp tục phải chịu áp lực kiện toàn đội ngũ quản lý cấp cao nhanh chóng.

Năm 2018, Hari Nada, người đứng đầu bộ phận pháp lý có ảnh hưởng tại Nissan cũng bị bắt và bị buộc tội tại Nhật Bản với các cáo buộc tham ô tài chính. Giám đốc điều hành Ashwani Gupta của Nissan cũng đã rời đi vào năm 2023. 

Sự ra đi của Ghosn từ năm 2018 đã đưa Nissan vào giai đoạn bất ổn kéo dài trong lãnh đạo và chiến lược. Việc thường xuyên thay đổi lãnh đạo do các vụ bê bối tham nhũng tài chính đã dẫn đến chiến lược không nhất quán và thiếu định hướng rõ ràng cho sự phát triển của Nissan.

Danh tiếng của Nissan đã không còn như trước. Những chuyên gia cho rằng Nissan sẽ không quay trở lại thời hoàng kim khi nhìn vào cách quản lý và điều hành. Trong suốt thời gian qua, những người đứng đầu Nissan chỉ đơn giản là “tái chế” những chiếc xe đã cũ và làm mới chúng bằng việc thay đổi nội thất bên trong. Điều này không phải là một chiến lược đúng đắn trong cuộc chạy đua khốc liệt giành thị phần ngành ô tô.

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 5.

Dưới thời Ghosn, mọi mẫu xe đều phải có lợi nhuận riêng - điều này thúc đẩy Nissan tập trung vào các mẫu xe toàn cầu và đơn giản hóa đội hình, nhưng theo thời gian, các mẫu xe đó mang đến sự trì trệ.

Nissan có một loạt các xe thể thao khác nhau với các phiên bản hiệu suất khác nhau xếp hàng chờ đợi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế và bong bóng tài sản xảy ra, công ty bị bỏ lại trong tình thế tồn kho, không thể bán được.

Suốt một thời gian dài, chiến lược kinh doanh của Nissan là cố gắng giảm nợ thay vì đầu tư. Những chiếc xe Nissan có giá bán ra quá đắt trong khi nhà máy không hoạt động hết công suất để tiếp tục phát triển. 

Dưới thời cắt giảm chi phí của Ghosn, Nissan đã có lãi. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với giảm chất lượng, hộp số kém. Do đó, để bán được xe, Nissan phải nhắm mục tiêu vào những người không có nhiều tiền, làm tổn hại thêm đến danh tiếng từng có của họ. Biến thương hiệu này trở thành một thương hiệu ô tô cấp thấp.

Đứng trước giai đoạn khủng hoảng và cần những quyết định kịp thời, Nissan đã tiếp tục với chiến lược cắt giảm toàn cầu. Khoảng 1.000 nhân viên Hoa Kỳ đã chấp nhận nghỉ hưu sớm. Reuters đưa tin rằng công ty cũng đang xem xét cắt giảm việc làm tại Thái Lan.

Hai nhà máy ở Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ cần phải đóng cửa và giảm dây chuyền. Các dây chuyền lắp ráp cũ ở Bắc Mỹ cũng chịu chung cảnh cắt giảm đồng thời giảm số ca làm việc trên một số dây chuyền.

Sam Fiorani, nhà phân tích tại AutoForecast Solutions, chuyên nghiên cứu và phân tích ngành công nghiệp ô tô cho biết có khả năng nhà máy liên doanh với Nissan sẽ bị đóng cửa. Theo ông, doanh số bán ô tô cỡ nhỏ do nhà máy sản xuất đã ì ạch trong nhiều năm và công ty chỉ sản xuất được khoảng 50.000 chiếc trong tổng cộng suất hàng năm là 230.000 chiếc. Do đó, việc đóng cửa là “gần như chắc chắn”.

Tại Nhật Bản, mặc dù đồng yên đang giảm nhưng Nissan vẫn tìm cách giảm số lượng nhân viên nhằm tối ưu chi phí.

Mặc dù việc cắt giảm chi phí là bình thường trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Tuy nhiên, tình hình hiện tại của Nissan không thể phục hồi chỉ bằng cách cắt giảm chi phí.

Toàn cảnh cú sập của Nissan: “Tứ đại tài phiệt” Nhật Bản “tự huỷ” trong tuyệt vọng - Ảnh 6.

Có thông tin tiết lộ rằng Nissan Motor Co., Ltd. và Honda Motor Co., Ltd. đang xem xét các cuộc đàm phán để hội nhập kinh doanh. Cũng có khả năng Mitsubishi Motors có thể tham gia trong tương lai. Nếu ba công ty hợp nhất, họ sẽ trở thành tập đoàn lớn thứ ba trên thế giới dựa trên doanh số bán hàng đơn giản. Nissan vừa công bố kế hoạch tái cơ cấu, nhưng chỉ tái cơ cấu thôi chưa đủ để vực dậy công ty.

Vào ngày 18/12, khi có tin Honda và Nissan Motors bắt đầu đàm phán về việc sáp nhập, giá cổ phiếu của cả hai công ty đã diễn biến trái chiều. Trong khi cổ phiếu Nissan tăng 24% so với ngày hôm trước, cổ phiếu Honda lại giảm tới 4%, chạm mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và đóng cửa ngày với mức giảm 3%.

Tình hình kinh doanh của Honda được cho là đang khả quan với doanh số bán xe hybrid tại Bắc Mỹ tăng mạnh và dự kiến sẽ đảm bảo mức lợi nhuận tương đương năm trước trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025. Do đó, xét về tổng thể, sự hợp nhất của hai công ty có một khía cạnh mạnh mẽ là Honda sẽ cung cấp cho Nissan một “con tàu trợ giúp”.

Nếu so sánh tình hình tài chính và năng lực sản phẩm của Honda và Nissan, không còn nghi ngờ gì nữa, Honda và Nissan có nhiều thời gian hơn và vị thế đàm phán thuận lợi hơn.

Cựu Chủ tịch Ghosn trả lời trước truyền thông quốc tế khi được hỏi về vấn đề sáp nhập của Nissan đã bày tỏ quan điểm: “Cho dù đó là Honda hay Hon Hai, những người có thể nắm quyền kiểm soát Nissan không làm điều đó vì lợi ích của Nissan. Họ cũng phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông và đây không phải là một dự án từ thiện. Honda có truyền thống riêng của mình. Xét về quyền lực quản lý, tôi nghĩ sẽ do Honda kiểm soát hoàn toàn. Đội ngũ quản lý của Nissan chưa đạt được trình độ như mong đợi của một công ty lớn như Nissan. Kết quả là, nạn nhân là các cổ đông, những nhân viên bị sa thải và cộng đồng nơi các nhà máy dự kiến đóng cửa”.

Giám đốc điều hành của Honda
Chúng tôi sẽ đàm phán từ góc độ trung và dài hạn, không phải về giá cổ phiếu hiện tại mà về loại sức mạnh tổng hợp nào có thể được tạo ra trong vòng 5 năm kể từ bây giờ khi hai công ty hợp nhất và ra mắt sản phẩm?''

Trên thực tế, tại Trung Quốc và Đông Nam Á, Nissan gặp khó khăn khi mất thị phần vào tay các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD. Nhật Bản cũng thua xa Trung Quốc trong việc phát triển các phương tiện được xác định bằng SDV - phần mềm xác định hiệu suất của ô tô. 

Honda đã nhanh chóng cố gắng biến General Motors (GM) trở thành đối tác trong kỷ nguyên xe điện nhưng sự hợp tác bị đình trệ khi hai công ty hủy bỏ hoạt động phát triển xe điện chung và rút khỏi lĩnh vực kinh doanh taxi tự lái hoàn toàn.

Để không ngủ quên trên chiến thắng, nhiệm vụ cấp bách của Honda là tìm một đối tác có thể chia sẻ chi phí phát triển SDV. Trong tình huống số lượng các công ty đối tác tiềm năng còn hạn chế, Nissan có thể là một lựa chọn phù hợp đối với Honda.

“Triết lý và thương hiệu của cả hai công ty sẽ không thay đổi" - Chủ tịch Honda Toshihiro Mibe đã nói về sự hội nhập mà ông đang hướng tới trước cuộc họp báo.

Tuy nhiên, nếu kế hoạch được thực hiện, ban lãnh đạo công ty mới rõ ràng sẽ do phía Honda ấn định. Honda, công ty có vốn hóa thị trường lớn hơn gấp bốn lần Nissan, sẽ nắm quyền bổ nhiệm chủ tịch và phần lớn giám đốc của công ty mẹ sẽ được thành lập thông qua việc sáp nhập kinh doanh hai hãng này. Tái cơ cấu Nissan sẽ là điều kiện tiên quyết cho việc sáp nhập.

Ngành công nghiệp ô tô là một phần không thể thiếu của nền kinh tế Nhật Bản và chịu trách nhiệm tuyển dụng khoảng 8% lực lượng lao động hiện tại của Nhật Bản. Vì vậy, dễ hiểu là người dân Nhật Bản không muốn thấy những công việc đó biến mất ở bất kỳ nơi nào khác.

Trong khi đó, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc dường như là một thế lực không thể ngăn cản. Nếu Honda sáp nhập Nissan vào tổ chức của mình để cứu công ty không rơi vào tay đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, thì đây được coi là kết quả khả quan đối với nhiều người ở Nhật Bản, cả trong ngành công nghiệp ô tô và chính phủ xứ sở này.

Việc tìm kiếm đối tác vực dậy Nissan quan trọng như tìm kiếm "con tàu Noah". Liệu Honda của Nhật Bản sẽ "cứu" Nissan không biến mất khỏi ngành công nghiệp ô tô hay Hon Hai Precision Industry của Đài Loan sẽ trở thành "công ty mẹ" mới của Nissan?

Tất nhiên có một số lo ngại về những khó khăn gây ra bởi sự sáp nhập giữa Honda và Nissan. Văn hóa doanh nghiệp tại hai công ty được cho là khá khác biệt khi Honda phát triển như một công ty độc lập còn Nissan lại là một zaibatsu (tập đoàn kinh doanh lớn do gia đình kiểm soát).

Một điểm mấu chốt nữa là ngay cả bây giờ là cuối năm 2024, xe máy vẫn là dòng sản phẩm cực kỳ quan trọng đối với lợi nhuận ròng quốc tế của Honda. Trên thực tế, trong báo cáo tài chính gần đây nhất, doanh số bán xe máy mạnh đến mức Honda thực sự đã điều chỉnh dự báo tài chính của mình theo hướng tăng (không giảm) trong năm sau.

Khi mọi công ty đều nỗ lực hết sức để giữ chân khách hàng và làm cho khách hàng hài lòng, Honda cũng cùng chung xu thế khi có kế hoạch mở rộng cơ sở khách hàng trong mảng xe máy. Việc sáp nhập Nissan có thể là vấn đề nếu phá vỡ thế cân bằng trong chiến lược kinh doanh của Honda hiện tại.

Tuy nhiên, các thương hiệu lịch sử luôn thay đổi hướng đi, thay đổi theo thời gian, thích nghi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện tại và tương lai. Liệu sự sáp nhập như vậy có phải là một con đường tốt cho Nissan, dưới sự chỉ đạo cẩn thận của Honda hay không? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/toan-canh-cu-sap-cua-nissan-tu-dai-tai-phiet-nhat-ban-tu-huy-trong-tuyet-vong-179241224191046382.htm