Toàn cảnh "bức tranh" đồng tính

06:38 - 13/09/2022

Ngày 8/8, Bộ Y tế gửi công văn chấn chỉnh ngành, khẳng định không có bệnh đồng tính, sau khi một số bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo chữa khỏi bệnh này

Toàn cảnh "bức tranh" đồng tính- Ảnh 1.

Đồng tính là sự hấp dẫn tình yêu, tình dục giữa những người cùng giới, có thể tạm thời hoặc tương đối lâu dài.

Đồng tính luyến ái (gọi tắt là đồng tính) là sự hấp dẫn tình yêu, tình dục giữa những người cùng giới, có thể tạm thời hoặc tương đối lâu dài.

Đồng tính xuất hiện từ xa xưa

Ghi chép đầu tiên về một cặp có thể là đồng tính trong lịch sử châu Phi được cho là Khnumhotep và Niankhkhnum, ở Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên. Nhà nhân chủng học người Anh, Edward Evan Evans Pritchard (1902-1973) ghi lại rằng các nam chiến binh Vương quốc Azande (tan rã năm 1905, vừa khôi phục ngày 9/2/2022 ở bang Tây Equatoria, Nam Sudan) thường xuyên cặp với những người tình nam 12-20 tuổi. 

Đồng tính ở Trung Quốc, được cho là có từ khoảng 600 năm trước Công nguyên, với đề cập của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng Trung Quốc. Các ghi chép từ thời Lưu Tống (363-422, không phải nhà Tống 960-1279) cho rằng đồng tính phổ biến như dị tính (luyến ái khác giới) vào cuối Thế kỷ thứ III. Văn học thời nhà Minh (1368-1644), mô tả các mối quan hệ đồng tính nam thú vị và "hài hòa" hơn quan hệ khác giới. 

Ở Nhật đồng tính được gọi là nam sắc hay chúng đạo, có từ hơn một ngàn năm trước, từng là một phần trong đời sống truyền thống Samurai. Ở Thái Lan, Kathoey hay "trai nữ" (chàng cô) là một phần trong xã hội nhiều Thế kỷ và Quốc vương Thái Lan có các "cung phi" cả nữ lẫn nam. Ở Ấn Độ, luật Manu, được cho là ra đời khoảng 1.200 năm trước Công lịch, đề cập đến "giới tính thứ ba". Các thành viên thuộc giới tính này được thể hiện giới phi truyền thống và các hoạt động đồng tính của mình. 

Ở Melanesia (tiểu vùng châu Đại Dương, từ Tây Thái Bình Dương đến biển Arafura -  đông bắc Australia, nay là Papua New Guinea) trước Thế kỷ XIX, có hai tộc người chính là Melanesia và Papua) thì quan hệ cùng giới là một nét văn hóa cho đến giữa Thế kỷ XX. Thậm chí, tộc người Etoro, sống ở sườn phía nam dãy núi Sisa (Papua New Guinea) và người Marind-anim ở tỉnh Papua (Indonesia - có biên giới trên bộ duy nhất với Papua New Guinea), còn coi dị tính là tội lỗi và tôn vinh đồng tính. Trong truyền thống Melanesia, một bé trai chưa dậy thì sẽ được cặp với một thiếu niên. Papua New Guinea là một trong những quốc gia nhiều dân tộc nhất Thế giới, với dân số 9.317.250 người (ngày 22/08/2022) nhưng có đến hơn 850 dân tộc).

Ở Assyria cổ đại (Vương quốc của người Akkad, tồn tại từ cuối Thế kỷ XXV hoặc đầu Thế kỷ XXIV đến năm 608 trước Công nguyên, với trung tâm ở thượng nguồn sông Tigris, phía bắc Lưỡng Hà (vùng giữa sông Euphrates và Tigris, nay là miền bắc Iraq. Người Assyria Thiên chúa giáo hiện nay ở miền bắc Iraq, đông bắc Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Iran là dòng dõi người Assyria cổ) đồng tính rất phổ biến. Vài văn bản tôn giáo còn lại ghi chép những lời cầu nguyện thánh thần ban phúc lành cho quan hệ đồng tính. Sách "Niên lịch thần chú" ("Almanac of Incantation") có những lời cầu nguyện cho bình đẳng cả tình yêu nam - nữ và đồng tính nữ, nam. 

Thời Trung cổ, ở Trung Đông, nhiều nhất là các nhà thơ Hồi giáo mật tông (Sufi hay Chủ nghĩa thần bí Hồi giáo) các nước Ả Rập và Ba Tư, làm thơ ca tụng những cậu bé bưng rượu cho họ trong quán và ngủ chung giường với họ. Ở Trung Á, trên con đường tơ lụa, nơi giao lưu văn hóa Đông - Tây, có người Bacchá, làm tiếp đãi viên kiêm mại dâm nam, trang điểm, mặc lộng lẫy, múa và hát những bài khiêu dâm. Họ được huấn luyện từ khi còn nhỏ, làm việc cho đến khi mọc râu. 

Kinh Cựu ước, ra đời Thế kỷ VII trước Công nguyên, mô tả thành phố Sodome (nay là Tall el-Hammaam thuộc Jordan, ở phía nam thung lũng sông Jordan, đông bắc Biển Chết (nằm sát biên giới Bờ Tây - Israel - Jordan); bắt đầu khai quật năm 2012…), nơi nhiều cư dân nam có hành vi tình dục đồng giới. Sodome bị Chúa Trời thiêu hủy bằng mưa lửa (nay có hai giả thuyết về nguyên nhân tàn phá thành phố là động đất và nổ thiên thạch) để trừng trị đồng tính xấu sa. Sodome thành từ biểu tượng cho tình dục đồng giới nam ở phương Tây. 

Nếu theo các tác phẩm văn học và thần thoại thì quan hệ đồng tính bắt nguồn từ Hy Lạp cổ. Theo phong tục chính thống, đó là quan hệ gợi dục bị dồn nén giữa một đàn ông tự do và một thiếu niên tự do. Platon (428/427 hay 424/423 - 348/347 trước Công nguyên), Nhà triết học người Athen ca ngợi đồng tính trong những tác đầu tiên của ông, nhưng sau lại đề xuất ngăn cấm. Trong "Chính trị luận", Aristoteles (384 - 322 trước Công nguyên), Nhà triết học, bác học Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon, thầy của Alexandros Đại đế), đã bác bỏ quan điểm bài trừ đồng tính của Plato. 

Ở La Mã Cổ đại, thân thể nam trẻ được coi là tâm điểm tình dục của giới nam, quan hệ tình dục diễn ra giữa những người đàn ông tự do với nô lệ nam hoặc với những thanh niên tự do có vai trò thụ động. Lịch sử ghi lại chuyện tình của Hoàng đế đế quốc La Mã, Hadrianus (76 - 138; trị vì từ năm 117 - 138; một minh quân, nhà quân sự tàn nhẫn, tham vọng lớn) với Antinous, một thanh niên Hy Lạp đến từ Bithynia (tỉnh và là Vương quốc thuộc La Mã cổ đại, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi qua đời trước sinh nhật lần thứ 20, Antinous được phong thần theo lệnh của Hadrianus. 

Đế quốc La Mã (năm 30 trước Công lịch - 476; thời kỳ hưng thịnh nhất của La Mã cổ đại) thống trị gần hết châu Âu, với nền văn minh bậc nhất thế giới và quân đội không biết bại trận. Nhưng từ Thế kỷ II, đạo đức xã hội dần suy đồi; mại dâm, múa thoát y công khai; đồng tính tràn lan, là "mốt" thời thượng. Phóng đãng và đồng tính làm người La Mã "quên" nghĩa vụ duy trì giống nòi. Khoảng 200 năm cuối của Đế chế, nhân khẩu suy giảm nghiêm trọng và binh lính mất nhuệ khí chiến đấu. Những người La Mã - như Edward Gibbon (1737 - 1794), Nhà sử học, Nghị sĩ nghị viện Anh, trong sách "Lịch sử suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã" nổi tiếng nhất của ông mô tả - "ẻo lả như phụ nữ và không muốn sống theo lối nhà binh", là những nguyên nhân diệt vong của đế quốc La Mã. 

Trước khi Columbus tìm ra châu Mỹ, bằng chứng về hành vi tình dục đồng tính ở châu lục này khá mờ nhạt. Mặc trang phục khác giới được tìm thấy ở nhiều tộc người trước khi người Tây Ban Nha đến Mỹ Latinh, như tộc người Aztec, Maya, Quechua, Moche, Zapotec, Inca và Tupinamba. Ở một số tộc người bản địa Bắc Mỹ, quan hệ tình dục đồng giới là những người "hai tâm hồn" (Berdache - cách gọi của người Tây Ban Nha, thuật ngữ được đặt ra muộn, năm 1990). Berdache là những đứa bé được cha mẹ lựa chọn con đường này và nuôi dạy theo cách thích hợp, học các tập quán giới tính mà nó chọn, nên người "hai tâm hồn" được công nhận khi còn nhỏ. Lớn lên, họ thường là những pháp sư, được tôn sùng là có sức mạnh vượt xa những pháp sư bình thường và có quan hệ tình dục đồng tính với các thành viên bình thường trong bộ lạc.

Đồng tính bị cấm đoán

Tình dục đồng giới không phải được tự do "yêu đương" mà bị rất nhiều quốc gia cấm đoán. Ở Đông La Mã (Byzantine, Vizantion, Byzance, tách ra từ La Mã, tồn tại từ 330-1453, Thủ đô là Constantinopolis), Hoàng đế Cơ Đốc giáo Theodosius I (Flavius Theodosius Augustus, Theodosius Đại đế, trị vì từ 379 - 395) ra đạo luật ngày 6/8/390, hỏa thiêu nam giới đóng vai thụ động. Dù quy định như vậy nhưng những nhà chứa cung cấp các cậu bé cho dịch vụ tình dục đồng tính vẫn bị đánh thuế cho đến hết triều đại Anastasius I (trị vì Byzantine từ 491 - 518). Vua Justinianus I, trị vì Byzantine từ 527 - 565, vào năm 558, đã cấm cả nam giới có vai chủ động và cảnh báo rằng hành vi tình dục đồng tính có thể dẫn đến hủy diệt vì cơn thịnh nộ của Chúa. 

Từ nửa sau Thế kỷ XIII, hầu hết ở châu Âu đều xử tử những người đồng tính nam. Tuy nhiên, quan hệ đồng tính của những người quyền cao chức trọng thì luật pháp không làm gì được. Chẳng hạn, "mối tình" của Vua James đệ nhất (James khi làm vua Scotland (năm 1567, khi mới 1 tuổi) với vương hiệu James VI và là James I khi trị vì Anh và Ireland từ 1603) với sủng thần là Bá tước xứ Buckingham (George Villiers (1592 - 1628), Quận công thứ nhất xứ Buckingham) thì chỉ "bị" tờ rơi khuyết danh "tố cáo"! 

Người Tây Ban Nha kinh hoàng khi phát hiện những người bản địa Mỹ Latin công khai kê gian. Họ cố gắng dẹp bỏ bằng cách bắt những người "hai tâm hồn" trong lãnh địa cai trị của mình chịu những hình phạt nghiêm khắc, gồm hành quyết công khai, thiêu sống và cho chó xé xác. 

Do quyền lực của những kẻ chinh phục, nhiều tộc người bản địa đã lên án các hành vi đồng tính. Friedrich II Đại Đế, trị vì nước Phổ từ 1740 - 1786, bị người đương thời nói hoang dâm với các triều thần. Quan lại trong triều đình Phổ bấy giờ hay đem loạn dâm đồng tính ra làm chủ đề đùa cợt. Xử tử những kẻ kê gian (thuật ngữ trong Kitô giáo chỉ tội lỗi khi có hành vi tính dục phi tự nhiên, không đem đến kết quả duy trì nòi giống) vẫn duy trì ở Hà Lan đến năm 1803, đến năm 1835 ở Anh, với James Pratt và John Smith - hai người Anh đồng tính cuối cùng bị treo cổ. 

Từ năm 1864-1880, Karl Heinrich Ulrichs (1825-1895), Nhà luật học, luật sư, nhà báo, nhà văn người Đức, in loạt mười hai truyền đơn gọi chung là "Nghiên cứu về tình yêu nam tính bí ẩn của nam giới" ("Research on the Riddle of Man-Manly Love"). Năm 1867, ông là người đồng tính tự nhận đầu tiên đề nghị bãi bỏ các đạo luật chống đồng tính trong đại hội Luật gia Đức ở Munich. Trong sách "Tình dục trái ngược" ("Sexual Inversion") xuất bản năm 1896, tác giả Henry Havelock Ellis (1859 - 1939, bác sĩ người Anh, nhà ưu sinh (theo thuyết ủng hộ cải thiện cấu trúc gene người), nhà văn, nhà cải cách xã hội và tri thức tiến bộ, người nghiên cứu về tình dục con người), bênh vực đồng tính… Những tư tưởng này đã mở đường cho Ủy ban khoa học - nhân đạo của Magnus Hirschfeld (1868 - 1935, bác sĩ, nhà tình dục học người Đức) vận động bãi bỏ luật chống kê gian ở Đức từ 1897 - 1933 và đặt nền móng cho phong trào không chính thức trong trí thức và tác giả nước Anh. 

Từ năm 1894 với phong trào "Tình yêu đồng giới" ("Homogenic Love"), Edward Carpenter (1844-1929), Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng người Anh, nhà thơ, nhà triết học, nhà nghiên cứu lịch sử (cùng John Addington Symonds lãnh đạo phong trào) đã viết loạt bài báo và truyền đơn ủng hộ đồng tính. Trong sách "Đời và Mộng" ("My Days and Dreams") xuất bản năm 1916, E.Carpenter công khai mình đồng tính. Năm 1990, Elisar von Kupffer (1872 - 1942), nghệ sĩ, nhà nhân chủng học, nhà thơ, nhà sử học, dịch giả, nhà viết kịch người Đức gốc Baltic xuất bản tuyển tập những tác phẩm văn học đồng tính từ thời cổ đại cho đến thời của ông, có tên "Lieblingminne und Freundesliebe in der Weltliteratur".

Nguồn gốc của đồng tính

Năm 2002, Peter Bearman, Nhà xã hội học, đại học Columbia và Hannah Bruckner, Nhà nghiên cứu, đại học Yale, Mỹ, khảo sát 289 cặp song sinh cùng trứng và 495 cặp cặp song sinh khác trứng từ dữ liệu của Trung tâm y tế vị thành niên quốc gia thấy, xác suất cả hai trong cặp song sinh đều đồng tính chỉ 7,7% với nam và 5,3% với nữ. Năm 2010, đại học Queen Mary, Anh và Viện Nghiên cứu Karolinska, Thụy Điển khảo sát 3.826 cặp song sinh cùng trứng thấy, dù có bộ gene giống hệt nhau, tỷ lệ cặp song sinh cùng đồng tính rất thấp. Họ kết luận: Môi trường sống không chia sẻ là yếu tố đóng vai trò chủ yếu để hình thành đồng tính; bẩm sinh chỉ có vai trò nhỏ. Cụ thể, di truyền gây ra 34 - 39% số đồng tính; môi trường sống không chia sẻ đưa đến 61 - 66% đồng tính nam và đồng tính nữ là 18% - 80%. 

Alan Sanders, Giáo sư tâm thần học, đại học Northwestern ở Evanston, bang Illinois, Mỹ - tác giả công trình nghiên cứu đồng tính lớn năm 2014 tuyên bố: "Những đặc điểm phức tạp của khuynh hướng tình dục (gồm đồng tính) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả di truyền lẫn môi trường sống". Năm 2019, một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên phân tích gene của gần 500.000 người (công bố trên tạp chí khoa học Sciene) cho thấy, yếu tố di truyền là nguyên nhân gây ra khoảng 8 - 25% đồng tính. Ảnh hưởng từ môi trường, gia đình, văn hóa xã hội mới là nguyên nhân lớn hơn. Nghiên cứu năm 2020 của đại học Durham, Anh, thấy trên các cặp song sinh cùng trứng, nếu có 1 người đồng tính thì tỷ lệ đồng tính ở (những) người còn lại chỉ 24%. Các phân tích của nghiên cứu này cho thấy, yếu tố di truyền chỉ chiếm 32% đồng tính, còn lại 68% là ảnh hưởng từ môi trường, văn hóa xã hội, nuôi dạy của gia đình.

Các nghiên cứu theo hướng văn hóa xã hội, dạy dỗ thấy đồng tính liên quan đến đô thị hóa nơi sống khi trên dưới 14 tuổi - tuổi bắt đầu dậy thì, hình thành hấp dẫn giới tính - và mức độ liên quan ở nam cao hơn nữ. Đô thị hóa càng mạnh thì tỷ lệ đồng tính càng có xu hướng tăng. Do ở các thành phố lớn các chuẩn mực đạo đức lỏng lẻo hơn; lối sống cá nhân được đề cao hơn; có nhiều tác động văn hóa xã hội không thể kiểm soát. Thiếu bao bọc của cha và gắn bó quá mật thiết với mẹ được cho là nhân tố chính hình thành khuynh hướng đồng tính nam. Nếu mẹ qua đời khi nữ ở tuổi vị thành niên hoặc là con út hay con gái duy nhất làm tăng khuynh hướng đồng tính nữ. Người mà cha mẹ ly hôn hoặc mất sớm có xu hướng đồng tính cao hơn những người có cha mẹ hạnh phúc. 

Hiệp hội y khoa Mỹ điều tra thấy vị thành niên (đặc biệt là nam) bị lạm dụng tình dục tự nhận mình đồng tính hay song tính cao gấp 7 lần những người không bị lạm dụng. Một nghiên cứu khác thấy 46% nam đồng tính và 7% nam dị tính thừa nhận bị lạm dụng tình dục; ở nữ số thừa nhận tương ứng là 20% và 1%. Những xã hội chấp nhận đồng tính sẽ có nhiều cá nhân có khuynh hướng đồng tính hơn. Ở Mỹ, đang gia tăng số phụ nữ cảm thấy bị đồng tính thu hút. Toni Meyer, Nhà nghiên cứu của Hội đồng chính sách gia đình bang New Jersey, Mỹ, thông tin: Phong trào ủng hộ đồng tính lên cao, nên từ 1994 đồng tính nam ở Mỹ tăng 18%, đồng tính nữ tăng 157%. Theo nhiều nghiên cứu, có thêm một anh trai khả năng đồng tính sẽ tăng lên 28% - 48%. "Hiệu ứng" anh trai chiếm khoảng 1/7 số đồng tính nam.  Không có tương quan giữa số chị gái với đồng tính nữ. 

Enrique Rojas, Giáo sư tâm thần học, đại học Extremadura, Tây Ban Nha cho rằng, 95% số đồng tính là do yếu tố môi trường; thiếu vắng quan tâm của người cha; người mẹ hung dữ hoặc bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Daryl J. Bem, Nhà tâm lý học xã hội, Giáo sư danh dự đại học Cornell, New York, Mỹ thấy rằng, một số trẻ em chứng kiến hành vi tình dục đồng tính, khi phát dục ký ức sẽ gợi lên, chuyển thành kích thích tình dục. Peter Bearman đồng tình với nhận định hành vi đồng tính thời thơ ấu và thiếu niên sẽ góp phần hình thành quan hệ đồng tính ở tuổi trưởng thành. Những tác động cá nhân, cấu trúc và văn hóa xã hội góp phần tạo thu hút đồng tính. Các chuyên gia Viện Toán và Tổng hợp sinh học quốc gia Mỹ đưa ra giả thuyết đồng tính có liên quan đến yếu tố "ngoài di truyền" (epi-mark; hệ gene ngoài di truyền; dấu ấn ngoại di truyền). Epi-mark là protein sinh ra trong giai đoạn đầu bào thai giúp bảo vệ cấu trúc gene vừa hình thành, tức là bảo vệ giới tính, ngăn chặn nội tiết tố sinh dục nam (Androgen, có nhiều ở nam, rất ít ở nữ) tác động tới bào thai, không để giới tính nữ phát triển theo hướng nam và ngược lại. Epi-mark mạnh hay yếu truyền sang con sẽ làm nữ tính hóa ở nam và nam tính hóa ở nữ, thay đối bản dạng tình dục, nhưng không đủ để thay đổi cơ thể, bộ phận sinh dục.

Coi đồng tính là bệnh rồi không bệnh

Hàng thế kỷ, đồng tính, đặc biệt là đồng tính nam, bị coi là lệch lạc, thậm chí là tội ác. Cuối thế kỷ XIX, các bác sĩ tâm thần châu Âu bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề này, nỗ lực lý giải nguyên nhân của xu hướng tình dục đồng giới. Họ coi ham muốn giữa người đồng giới là phạm trù bệnh lý, tìm cách đảo ngược xu hướng tình dục này. Năm 1899, bác sĩ tâm thần người Đức Albert von Schrenck Notzing (1862 - 1929), Nhà nghiên cứu tâm thần học, thôi miên và thần giao cách cảm nổi tiếng, tuyên bố sẽ làm cho đồng tính nam biết yêu phụ nữ. Cách làm của ông đặt tiền đề cho những kỹ thuật ngụy khoa học, gọi là "liệu pháp chuyển đổi" hay "chữa trị đồng tính" với nhiều tên rất kêu như sửa đổi hành vi (behavior modification); liệu pháp đền bù (reparative therapy)… Họ cắt tử cung, buồng trứng, âm vật, ống dẫn tinh, dây thần kinh thẹn (chi phối cảm giác sinh dục…), thùy não; dùng hormon; giảm ác cảm và tăng kích thích với tình dục dị tính… nhằm ngăn chặn hành vi quan hệ tình dục đồng giới, buộc những người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (Lesbian - Đồng tính nữ, Gay - Đồng tính nam, Bisexual - Song tính, Transgender - Chuyển giới; viết tắt các từ tiếng Anh là LGBT) trở lại như mọi người bình thường khác - là kỳ vọng của xã hội thời bấy giờ. 

Eugen Steranty (1861 - 1944), bác sĩ nội tiết người Đức cho rằng, đồng tính bắt nguồn từ tinh hoàn. "Nhận định" này dẫn đến hàng loạt thí nghiệm cấy ghép "tinh hoàn dị tính" thay thế tinh hoàn của người đồng tính nam năm 1920. Sigmund Freud (1856 - 1939), bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học người Austra, cha đẻ thuyết phân tâm học, cho rằng con người bẩm sinh đã lưỡng tính, người có xu hướng đồng tính là do tác động của môi trường. Ông nhấn mạnh đồng tính không phải là bệnh, nhưng các đồng nghiệp phản đối quan điểm này, cho rằng đồng tính là một chứng rối loạn tâm lý. Họ chữa "bệnh" bằng nhiều cách can thiệp. Không ít "bệnh nhân" bị chữa bằng sốc điện, thậm chí phải làm phẫu thuật cột sống tiềm ẩn rất nhiều rủi ro sinh mạng. 

Robert Galbraith Heath (1915-1999), bác sĩ tâm thần người Mỹ, người tiên phong phẫu thuật cấy điện cực vào não người đồng tính; thuê gái mại dâm hay sử dụng nội dung khiêu dâm dị tính để thay đổi xu hướng tình dục của họ, phải nhận nhiều chỉ trích sau này. Cả cách chữa trị kiểu "lang băm" nhất là "liệu pháp ác cảm" cũng được dùng. Ý tưởng của "liệu pháp" là, nếu làm cho người đồng tính chán ghét sở thích tình dục của mình, họ sẽ không còn ham muốn với người đồng giới. Dưới sự giám sát, "bệnh nhân" phải xem ảnh "người yêu" cùng uống thuốc gây nôn. Khi đang xem phim khiêu dâm đồng tính nam hoặc mặc trang phục nữ giới, họ bị dí điện, cả vào bộ phận sinh dục… 

Chuyển đổi từng được sử dụng rộng rãi gần suốt Thế kỷ XX. Ở các trại hè và hội nghị chuyển đổi, người đồng tính bị tách khỏi gia đình, bị thôi miên, phải cầu nguyện cho đến khi ham muốn đồng giới giảm xuống. Được giáo huấn về vai trò của giới tính phù hợp, được dạy rằng tình dục không tự nhiên là tội lỗi, thậm chí bị chế nhạo, để lại cảm giác xấu hổ, đau đớn và oán hận bản thân cho nhiều người. Những người còn sống trong số 698.000 người đồng tính trưởng thành ở Mỹ từng phải điều trị chuyển đổi cho đến thập niên 70 nói rằng, cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, chịu nhiều chấn thương tâm lý, bị lạm dụng tâm lý, thậm chí cả tình dục; để lại cảm giác xấu hổ, đau đớn và oán hận bản thân cho nhiều người; nhiều người muốn tự sát và đã tự sát. 

Năm 1952, Alan Turing (1912-1954, người Anh, nhà toán học, logic học, mật mã học, được coi là cha đẻ khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo) bị kết án tù treo và buộc dùng liệu pháp hormon nữ (thiến hóa học) vì quan hệ đồng tính với một đàn ông ở Manchester. Điều tra kết luận ông tự sát bằng cách ăn táo tẩm chất độc Cyanur. Hiệp hội đồng tính, chuyển giới từ lâu đã phản đối cách "chữa" phản khoa học và tàn nhẫn này. Nhưng khi ấy, khái niệm "bệnh đồng tính" được y tế chấp nhận; Hiệp hội tâm thần Mỹ coi đó là chứng rối loạn tâm lý. Thời gian sau, làn sóng phản đối chuyển đổi người đồng tính trở nên dữ dội hơn, nên ở Mỹ, 13 bang cấm thực hiện chuyển đổi; nhiều người khởi kiện các trung tâm điều trị chuyển đổi là lừa đảo. 

Những năm 1960-1970, phong trào đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính thành cao trào, giới chuyên môn bắt đầu có cái nhìn khác. Nhiều bác sĩ, chuyên gia từ bỏ "kỹ thuật" chuyển đổi từng áp dụng. Năm 1973, Hiệp hội tâm thần học Mỹ loại đồng tính ra khỏi "Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần" (Diagnostic and Statistical manual of Mental Disorders) - của riêng Mỹ. Năm 1990, Tổ chức y tế thế giới loại đồng tính ra khỏi "Phân loại bệnh quốc tế các rối loạn tâm thần và hành vi" (Classification of Mental and Behavior Disorders) - phần còn lại của Thế giới dùng phân loại này). Năm 2013, Exodus International, nhóm bảo trợ cho những chương trình chuyển đổi đồng tính tuyên bố đóng cửa, thừa nhận không thể thay đổi xu hướng tình dục của bất cứ ai!

Toàn cảnh "bức tranh" đồng tính- Ảnh 2.

Ở Việt Nam, Điểm 2, Điều 8, luật Hôn nhân và gia đình đang có hiệu lực "… không thừa nhận hôn nhân
giữa những người đồng giới".

Các cách nhìn nhận hiện tại

Ở phương Tây hiện đại, theo nhiều ước tính, có khoảng 1-5% dân số là đồng tính; 2-10% từng trải nghiệm vài dạng hành vi tình dục đồng giới trong cuộc đời. Điều tra năm 2006 ở Australia thấy 20% số người nói từng có cảm giác tình dục đồng giới, nhưng chỉ 2% tự nhận đồng tính. Khảo sát quy mô nhất ở Canada với 121.300 người trên 18 tuổi, có 1,43% nhận là đồng tính hoặc song tính. Ở châu Á, có ít khảo sát hơn. Trung Quốc ước khoảng 2,25 triệu đồng tính nam (0,17% dân số). Ở Việt Nam, Tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế (CARE) ước khoảng 50-125 ngàn đồng tính (0,06-0,15% dân số). Bộ sức khỏe Indonesia ước nước này khoảng 55.000 đồng tính nam (0,025% dân số).

Từ cuối những năm 1990, nhiều khảo sát ngẫu nhiên đã làm các nhà tâm lý trị liệu nhận ra rằng đồng tính và song tính  thường đi cùng với các bệnh tâm thần, nhưng họ nhanh chóng "phán" rằng đó là kết quả của kỳ thị. Luật sư Mathew D. Staver, Chủ tịch tổ chức chống đồng tính Liberty Counsel, viết trong sách "Hôn nhân đồng tính đặt mọi gia đình vào rủi ro" ("Same Sex Marriage: Putting Every Household At Risk" của mình: Nhiều nghiên cứu gần đây đã cung cấp những bằng chứng đồng tính và song tính luôn liên quan với gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, dù không có kỳ thị với họ. Ông dẫn thông tin của Tạp chí sức khỏe tâm thần Havard, Mỹ, nói tỷ lệ người đồng tính Hà Lan gặp phải vấn đề tâm lý cao hơn rất nhiều người không đồng tính, dù Hà Lan đặc biệt cởi mở với đồng tính và hôn nhân đồng tính ở đây là hợp pháp. Khảo sát công bố năm 1997 của Paul Van de Ven ở 256 người đồng tính trên 49 tuổi, hầu hết là người Australia và New Zealand thấy: 2,7% có một bạn tình; 10,2-15,7% có số bạn tình từ 2-1.000; 21,6% có 100 - 500 bạn tình; khoảng 45% quan hệ  với 2-10 bạn tình trong vòng 6 tháng ngay trước thời điểm khảo sát. Thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy: Khảo sát năm 1991 ở New York của Meyer - Balburg H. Exner và cộng sự trên 121 nam đồng tính nhiễm HIV và 81 nam đồng tính không nhiễm HIV, kết luận: Một đồng tính nam nhiễm HIV, có trung bình 308 bạn tình trong đời, nguy cơ lây lan rất cao. Khảo sát ở Mỹ thấy 32% đồng tính nghiện rượu; lạm dụng thuốc lá khoảng 28-35% trong khi toàn dân là 10-12%. Khảo sát năm 2012 của Trung tâm tiến bộ Mỹ thấy: toàn dân Mỹ nghiện rượu 5 - 10 thì đồng tính và chuyển giới 25%; nghiện thuốc lá hơn 2 lần, dùng  chất kích thích gấp 12 lần, dùng Cần sa gấp 3,5 lần và Heroin gấp 9,5 lần nam giới không đồng tính. Tuổi thọ trung bình đồng tính ở Đan Mạch - nơi rất khoan dung đồng tính - chỉ 51 với nam, 56 với nữ, khi toàn dân Đan Mạch là 74 và 78. Ở Na Uy, đồng tính có tuổi thọ trung bình kém 25 tuổi so với cả nước.

Sau khi bị Đức quốc xã chủ trương tiêu diệt trong chiến tranh thế giới thứ II, những người đồng tính giành được nhiều quyền, hình thành "nền văn hóa đồng tính" ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, có nhiều người đồng tính không tham gia cộng đồng này. Ghê sợ đồng tính vẫn tồn tại, làm cho nhiều người đồng tính gặp khó khăn trong xã hội, đôi khi đưa đến tự sát. Một số tôn giáo tỏ ra cởi mở với người đồng tính, chẳng hạn một giáo phái thuộc Do Thái giáo mở dịch vụ làm lễ kết hôn cho người đồng tính, hay nhóm Anh giáo nhận một mục sư đồng tính. Một số ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Cher, Madonna, Lady Gaga, Christina Aguilera, Cyndi Lauper... đã đưa chủ đề đồng tính vào bài hát, video âm nhạc, màn biểu diễn để bày tỏ sự ủng hộ với giới đồng tính.

Ngược lại, có những phong trào phản đối đồng tính bởi những lo ngại về hậu quả xấu với đức hạnh trẻ em; đạo đức, luân lý gia đình; làm trầm trọng nạn già hóa dân số. Cho rằng đồng tính phá hủy liên kết xã hội, gia đình, dòng họ, làng xóm, tha hóa truyền thống dân tộc, hủy hoại sức mạnh quốc gia. Đồng tính hiện bị cấm ở 69 nước, trong đó 11 quốc gia trừng phạt cao nhất bằng tử hình. Một số quốc gia khẳng định phong trào đồng tính, song tính, chuyển giới là chiêu bài của phương Tây nhằm ngấm ngầm hủy hoại bản sắc dân tộc, lối sống lành mạnh của thanh, thiếu niên; làm suy yếu các quốc gia khác. Nhà nghiên cứu Alexander Lapin (sinh 1964, người Nga) nghi ngờ lý do phương Tây tài trợ cho các phong trào ủng hộ đồng tính: Chính sách đối ngoại của nước Mỹ rất "thích" chiêu bài "bảo vệ các nhóm thiểu số" (tôn giáo, dân tộc, chính trị, xã hội và tình dục…). Không phải ngẫu nhiên khi Hillary Clinton nói rằng Mỹ sẽ "bảo vệ quyền lợi người đồng tính trên toàn Thế giới". Qua đó Mỹ ngầm làm suy giảm bản sắc các dân tộc khác và đồng tính được coi là "nét đẹp văn hóa", thay vì lệch lạc. Mục đích ủng hộ hành vi biến thái tình dục là làm suy yếu hệ thống "miễn dịch" của các quốc gia khác... Ở Nga, đồng tính bị coi là tội phạm từ năm 1993 và là bệnh tâm thần tới năm 1999. Hiện đồng tính ở Nga là hợp pháp, nhưng năm 2013, Tổng thống Nga, V.Putin ra luật có điều khoản trừng phạt việc khuyến khích đồng tính, "tuyên truyền về đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới" ở trẻ vị thành niên. 

Năm 2017, Trung Quốc nhận định, các phim về đồng tính xuất hiện dày đặc trên Internet đã làm băng hoại giới trẻ, bởi dẫn đến suy đồi đạo đức, văn hóa gia đình, nên cấm mọi nội dung đồng tính trên phim, ảnh, phát thanh, truyền hình. Mọi nội dung hiển thị hành vi tình dục, giới tính bất thường: loạn luân, đồng tính, lạm dụng tình dục, chuyển giới bị gỡ khỏi Internet. Họ giám sát hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, giải tán những tổ chức này nếu có ý đồ cổ vũ đồng tính và hôn nhân đồng giới. Năm 2021, Trung Quốc cấm nam nghệ sĩ có ngoại hình "ẻo lả", nữ tính hóa; chấn chỉnh hỗn loạn ca nhạc và tiếp tục cấm phim có hình ảnh đồng tính. Trong khi Âu, Mỹ và Israel ưu ái đồng tính thì nhiều chính phủ Trung Đông hình sự hóa đồng tính. Đồng tính nam bị phạt tù ở Kuwait, Ai Cập, Oman, Qatar và Syria; bị tử hình ở Iran, Arab Saudi, Qatar, Tiểu vương quốc Arâp thống nhất, Yemen. Với 54 nước lục địa đen có tới 32 nước hình sự hóa đồng tính, trong đó Nigeria (miền bắc liên bang), Sudan, Somali, Mauritania áp dụng án tử hình. Ở Việt Nam, Điểm 2, Điều 8, luật Hôn nhân và gia đình đang có hiệu lực "…không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới".

Những vấn đề trên cho thấy, nếu như không có động cơ chính trị thì việc thừa nhận hay bài trừ đồng tính là do quan điểm quốc gia dựa trên đặc điểm nền văn hóa. Tuy nhiên đánh giá công bằng thì đồng tính cho dù không phải bệnh lý, nhưng không đem lại gì ngoài hệ lụy mà câu chuyện sau đây có thể soi sáng một phần.

Năm 1952, John B. Calhoun, người Mỹ, Nhà sinh học nghiên cứu tập tính và hành vi, thực hiện thí nghiệm trên quần thể chuột. Ông thiết kế và làm một lồng có thể chứa được 3.840 con chuột, đủ điều kiện sống lý tưởng, gọi là "Vũ trụ 25", có thức ăn, nước, vật liệu làm tổ, sạch sẽ, để chuột ăn, uống thỏa thích, nuôi con an toàn, bình yên. Bốn cặp chuột giống là những con khỏe mạnh nhất, không có bệnh và dị tật bẩm sinh từ Viện y tế quốc gia được thả vào lồng… Từ ngày thứ 315 của thí nghiệm, "xã hội" chuột bắt đầu khủng hoảng. Biểu hiện đầu tiên là xuất hiện những con chuột đực giao phối với bất kỳ con nào tình cờ ở gần nó, bất kể cái hay đực. Hậu quả, số chuột sinh mới giảm và hành vi của chuột cái, chuột đực thay đổi. Mối liên hệ "xã hội" bị phá vỡ, chuột đực đột nhiên thích chiếm cứ lãnh thổ và nguồn thức ăn (trong khi thức ăn rất nhiều và không gian đủ rộng) mà không rõ lý do. Chúng "lập hội" riêng và thỉnh thoảng cắn xé nhau mà không rõ vì sao, thậm chí giết và ăn thịt đồng loại dù thức ăn dư thừa. Sau đó, chúng cụm lại theo nhóm trên dưới 50 con, chui vào các "phòng" thiết kế cho 15 con, tranh giành vị trí trong đám chật chội, trong khi các "phòng" khác trống không ngay bên cạnh thì không con nào vào. Những con lép vế chịu sự khiêu khích, tấn công của những con khác và một số "nạn nhân" lại trở thành kẻ khiêu khích, đẩy cao vòng xoáy bạo lực trong cộng đồng. Ở những nhóm biểu hiện bất bình thường nhất, tỉ lệ con non chết tới 96%. Môi trường bất ổn làm rất nhiều con cái không thể có thai hoặc chết khi sinh. Số còn lại bỏ bê con, có khi tấn công con mình. Chúng trở thành những kẻ khiêu khích chính, có khi đánh nhau với chuột đực để chiếm vị trí đầu đàn. Thế hệ chuột con (cả đực và cái) bị mẹ bỏ bê lớn lên không kết nối được với "xã hội", tách khỏi để sống ở các "phòng" trên tầng cao hơn. Những "hậu duệ" này không làm gì ngoài ăn, ngủ và làm sạch lông, nên trông chúng bóng mượt hơn hẳn. Do biệt lập ở tầng cao nên chúng không bị tấn công và không có sẹo, nhưng mất hứng thú với mọi quan hệ "xã hội", không giao tiếp và từ chối giao phối. Số lượng chuột trong quần thể giảm mạnh, nhưng càng về sau, ngay cả những con không bị ảnh hưởng bởi bạo lực cũng không hứng thú tìm bạn tình hoặc không chăm sóc con. Trong hai năm, toàn bộ "cấu trúc xã hội" của đàn chuột sụp đổ, gần như toàn bộ "công dân" trong "Vũ trụ 25" chết. 

Calhoun nói rằng, dù số ít con sống thêm vài tháng nữa nhưng chúng thực sự đã chết từ ngày 315, ngày mà liên kết xã hội bắt đầu tan rã. Thuật ngữ "Tha hóa hành vi" (Behavior sink) sau đó được John B. Calhoun đưa ra, lý giải rằng mật độ dân cư đông đúc sẽ phát sinh những hành vi bất thường. Ông cảnh báo rằng đây có thể là một khía cạnh tương lai của loài người!                                

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/toan-canh-buc-tranh-dong-tinh-179220906114509054.htm