Tọa độ chết - Ký sự Bất Diệt
Khi người phụ nữ trong cửa hàng photocopy nằm bên hông tượng đài nữ tướng Lê Chân đường Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng đón tập tài liệu từ tay tôi, chị không giấu được sự ngạc nhiên: "Anh lấy từ đâu ra thế?".
Chị lưỡng lự thêm một lát, như chọn từ, rồi nói: "Bây giờ thì đúng là đồ cổ quý hiếm rồi".
Đó là tập bản thảo đánh máy trên loại giấy dày hơi ngả vàng, tác giả Alexander Lapsin - Hoàng Tích Chỉ, truyện phim hợp tác Liên Xô - Việt Nam, do Nguyễn Thị Lợi biên tập mà ngay từ tên gọi "Ký sự Bất Diệt" dường như đã gây nên xôn xao trong cõi tâm can.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin lược giới thiệu tới bạn đọc.
1.
Chân trời hồng lên trong áng chiều. Rừng rậm che phủ những ngọn đồi, những vệt sông ngoằn ngoèo, vang lên tiếng hót khác nhau của vô vàn những con chim ẩn mình. Bỗng một âm thanh lạ - nhỏ, thanh và rít xâm nhập vào điệu hát của những con chim. Trên trời xuất hiện mấy chấm đen. Những chấm đen lớn nhanh và biến thành hình dáng của bốn máy bay tiêm kích ném bom F4 Fantom Mỹ "Con Ma" cùng với tiếng động cơ ngày càng to dần.
Theo đội hình, những chiếc máy bay bổ nhào xuống con đường nhỏ ở chân một ngọn đồi. Một đoàn người Việt đang ngồi trên lưng voi đi trên đường. Người phụ nữ tóc vàng trạc độ 30 tuổi ngồi trên lưng voi đi cuối. Ngẩng mặt lên trời, chị sợ hãi rồi vội vàng cúi xuống và như bằng mái tóc dài chị che cho con vật…
Những quả tên lửa đã sát hại con voi con. Con voi mẹ không chịu rời khỏi con đường đang bốc cháy xung quanh. Một chiếc Con Ma trúng đạn súng trường nổ tung, con voi mẹ đi về phía đống kim loại nung chảy có những sợi dây điện lòng thòng và đột nhiên giận dữ giẫm đạp lên những mảnh xác máy bay. Hướng về phía bầy Con Ma đang quần thảo rồi bay xa dần, nó rống lên như báo hiệu sự căm thù.
Những chiếc Con Ma biến mất trong hoàng hôn, sự yên lặng huyền bí trở lại. Tiếng hót của con chim vô hình lại vang lên trên những ngọn đồi phủ đầy rừng rậm, trên những vệt sông ngoằn ngoèo, trên những khoảng không mờ xa. Bản đồng ca của vô vàn những con chim ẩn mình lại vang lên… Mảnh đất Việt Nam xanh vĩnh cửu lại yên tĩnh, tuyệt vời, không hề xao xuyến, còn cái vừa xảy ra chỉ là một cơn ác mộng.
2.
Ngày 10.3.1972, tàu chở dầu Soviet Chelyabinsk xuất hiện tại vịnh Bắc Bộ. Phong 30 mà trông già như 40, cùng mấy thủy thủ Nga chơi cờ trên boong, vừa chơi anh vừa tranh thủ ghi chép những từ mới học được vào cuốn sổ nhỏ.
Một khu trục hạm Mỹ tiến sát tới chiếc tàu dầu chĩa loa sang hoạnh họe, đòi dừng lại kiểm tra xem có chở tên lửa hay không và lý sự: "Trong chiến tranh quyền do kẻ mạnh nhất quy định". Chiếc tàu dầu đáp lại, họ chỉ chấp hành lệnh của chỉ huy tàu thương mại Soviet: "Có cần hiểu rằng các ông thay mặt cho Tổng thống Mỹ tuyên chiến với Liên Xô không? Đồ gàn dở".
Tàu chở dầu đi thẳng tới phía các tàu chiến Mỹ đang chắn đường. Không chịu nổi chiếc Chelyabinsk như một lưỡi búa khổng lồ đang lao tới, phút cuối cùng mấy chiếc tàu của Hạm đội 7 phải dãn ra và miễn cưỡng cho qua.
Đêm trăng. Cách nhau từng khoảng lớn, ba sà lan dầu 200 tấn do ca nô kéo đang di chuyển. Tàu dầu Chelyabinsk đậu trong vịnh đang chuyển dầu vào chiếc sà lan thứ tư, chiếc thứ năm lắc lư ở bên cạnh chờ đến lượt. Bỗng tiếng rầm rầm vọng đến. Sau đó là tiếng rít của động cơ, trời biển, boong tàu rực sáng như ban ngày. Máy bay Mỹ bắn pháo hiệu sáng lòe, chúng đã phát hiện ra mấy chiếc sà lan.
Bóng những người Việt trên sà lan, ca nô nổ súng đánh trả. Những chiếc máy bay không vội vã, bắt đầu bổ nhào xuống bắn tên lửa một cách bài bản. Cháy được một lúc, các sà lan cái này tiếp cái khác bắt đầu nổ tung. Trên mặt nước, dầu nóng chảy loang dần và đưa vào vòng lửa những người đang vùng vẫy dưới làn đạn liên thanh xối xả.
Bọn Mỹ không đụng tới Chelyabinsk. Các thủy thủ Nga đứng sững sờ trên thành tàu trong tiếng gầm rú đinh tai, hiểu rằng họ không có cách gì giúp được những người Việt Nam đang hy sinh, đang chiến đấu.
3.
Ngày 22.3.1972, đường mòn Hồ Chí Minh. Những cung đường bị phá, những xe tải bị cháy, những xác người và vật. Từ những hang hốc kín đáo xuất hiện hàng chục, hàng trăm người Việt, họ lập tức khôi phục lại con đường chết: Dọn sạch mìn và bom nổ chậm, đếm thương binh, tử sĩ, dựng lại cầu, lấp hố bom, sửa lại máy móc, lượm đến hạt gạo cuối cùng vương vãi…
Con đường mòn huyền thoại dài 1.356km, bị ném bom 5 lần mỗi ngày suốt 7 năm trời ròng rã, hàng trăm ngàn người đã hy sinh. Người con gái tóc vàng lại xuất hiện, cô là ca sĩ nổi tiếng nước Mỹ. Cô góp sức nâng chiếc xe tải bị đổ, khẽ khàng đi trên lớp tro dầy, cẩn thận như đụng tới lớp da bị bỏng, ngơ ngác chạm tay vào các thân cây cháy xém như vô số những hình thù kỳ quái.
Ở vịnh Hạ Long, tàu Chelyabinsk vẫn đỗ nguyên chỗ cũ. Mặt trời chiếu sáng, bây giờ thấy rõ một dãy những hòn đảo nhỏ vách đá lởm chởm, phía sau là những tàu chiến Mỹ chạy đi chạy lại. Ngày hai lượt, cứ 4h sáng và 20h tối, chúng cho máy bay quần thảo trên chiếc tàu dầu.
Phong và đồng đội tính chuyện sơn những chiếc sà lan giống nhau, tìm cách chuyển dầu sang rồi chạy về nấp sau những hòn đảo răng cưa, đổi chỗ - đánh tráo kiểu thoi đưa, ngay trước mũi hải quân Mỹ.
Rồi họ lại tính tới phương án bơm dầu ở một làng cách Hải Phòng 20km, dầu từ Chelyabinsk qua ống dẫn vào thẳng các xitéc đặt trong hang đá, mà hang ở đó thì vô số. Trong khi đó, bom nổ ở Sài Gòn tại các tiệm ăn Mỹ, các rạp chiếu phim, các khách sạn. Báo chí Mỹ tràn ngập thông tin: "Quân lính của chúng ta bị bắn trả từ các góc phố"; "Cộng sản cung cấp vũ khí, xăng dầu cho du kích miền Nam"; "Đã đến thời điểm đánh gãy xương sống cộng sản"; "Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá"...
Trời sáng dần, cả đội tàu vẫn ngủ. Tiếng rít của phi cơ phá tan sự yên tĩnh và tiếp đó là tiếng rít của những quả bom đang rơi. Quả đầu rơi trúng mạn tàu Chelyabinsk, quả thứ hai xuyên thẳng qua tầng trên. Mui tàu bốc cháy. Máy bay Mỹ bắn tên lửa xuống bến, ống dẫn dầu và các nhà kho. Điện báo viên ngồi trước bộ đàm thoại bị hỏng cố gắng liên lạc với Hải Phòng một cách vô ích.
Thủy thủ Chelyabinsk chia làm 3 nhóm chiến đấu với đám cháy ở boong phía trước, bên cạnh cầu thang và vật lộn ở phía mui tàu. Nước được bơm thẳng từ biển lên bằng máy bơm do 4 cô gái Việt Nam công nhân cảng điều khiển. Một đám đông dân địa phương làng đảo kéo ra cứu tàu, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Chẳng chờ lệnh ai, họ dùng gậy, câu liêm hất những tấm gỗ cháy ra khỏi thành tàu xuống nước hoặc đổ cát xuống boong tàu bị nung nóng.
Máy bay Mỹ lại thả tiếp 1 loạt bom bi và mìn nổ chậm. Mặt trời mọc đã lâu, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục ném bom xuống vịnh nhỏ. Các đội pháo phòng không đánh trả quyết liệt, biến hai chiếc Con Ma thành hai bó đuốc lao ra biển xa.
Các đám cháy trên Chelyabinsk mỗi lúc một dữ dội. "Thôi dừng lại, tất cả lên bờ" - thuyền trưởng Sukhov hét lên. Ông đã phải ra cái lệnh cuối cùng: Xóa bỏ đời sống một con tàu, một việc kiêng giữ nhất mà không một thủy thủ, một thuyền trưởng nào không đau xót!
Quanh thi hài thủy thủ trưởng Culebiaka, các thủy thủ Soviet và những công nhân trai gái Việt Nam đứng lặng lẽ nhìn thân hình con tàu dầu đang chìm dần trong khối lửa khổng lồ.
Trên nền đoàn người từng bước di chuyển chầm chậm trên bờ biển nổi lên dòng chữ: "Công hàm phản đối của chính phủ Soviet: Chúng ta công phẫn trước hành động kẻ cướp của bộ chỉ huy quân sự Mỹ đã xâm phạm tàu chở dầu Soviet Chelyabinsk…"; "Điện trả lời của chính quyền Nhà Trắng: Chúng tôi rất tiếc vì sự sơ suất của các phi công Mỹ. Hoạt động của họ là sai lầm, sự hiểu lầm đáng tiếc đã xảy ra…". Hai thủy thủ khiêng cáng thủy thủ trưởng ở giữa đoàn người, máu từ từ rỉ ra thấm trên tấm vải phủ ở phía trên đầu anh.
4.
Đường mòn Hồ Chí Minh, ngày 15.4.1972. Gạo đã sôi trong chiếc nồi kỳ lạ trên bếp. Cơm tối được nấu dưới mái một vách đá không xa khẩu cao xạ. Hai con chó một đen một hung nằm bên cạnh, chúng đều mang tên tổng thống Mỹ, 1 con tên là Nixon, 1 con tên là Johnson. Biết vậy, người phụ nữ tóc vàng khẽ lắc đầu và thầm nói rất nhỏ: "All right".
Người đàn ông đang ngồi cạnh bếp lửa lấy đũa ghế cơm hỏi chị: "Vì sao chị là một người Mỹ mà lại ở đây?". "Ô, phức tạp đấy, có nhiều nguyên nhân. Nếu nói gọn lại là vì tôi muốn chính mắt mình nhìn thấy tất cả để tự mình đi đến kết luận. Ok?". "Còn tôi thì đơn giản hơn. Tôi đã niệm Phật 5 năm liền, hết ngày này sang ngày khác. Tôi chỉ cầu xin một việc: Cứu lấy dân tộc tôi. Nhưng Phật đã im lặng, còn người Việt Nam vẫn hy sinh.
Một lần tôi đã quỳ 3 ngày liền. Tôi hy vọng sự cầu khấn như vậy sẽ giúp cho Đức Phật nghe thấy. Nhưng Phật vẫn lặng thinh. Tôi đã ngủ rất lâu và khi tỉnh dậy thì đói mềm. Tôi vào làng tìm thứ gì ăn và bỗng nhiên nghe thấy giọng nói của cụ Hồ Chí Minh trên đài. Đó chính là tiếng nói của Phật. Cụ nói với tôi: Tự anh phải cứu lấy dân tộc anh, anh sống chính vì lẽ đó.
Vậy là tôi không quay trở lại chùa nữa mà đi xin một khẩu súng trường. Người ta giao cho tôi khẩu cao xạ và những người phụ nữ này. Người ta ra lệnh cho chúng tôi: Hãy bảo vệ con đường này, đó là con đường sống của chúng ta", người lính vốn là một nhà sư này nói.
Trên vịnh Hạ Long, Phong và một vài thủy thủ tàu Chelyabinsk bị nạn tắm ở cái giếng thiên tạo cách cửa hang không xa. Họ hạ cái quan tài kẽm trống rỗng từ chiếc xe phủ đầy lá ngụy trang xuống, cùng với lượng thực phẩm đủ dùng trong một tuần. Vị đại diện Thành ủy Hải Phòng thông báo, Nixon đã liều lĩnh đánh phá trở lại miền Bắc, tàu sân bay đã áp sát vịnh Bắc Bộ. Máy bay B52, con ngáo ộp chủ bài hù dọa cuối cùng, pháo đài bay hủy diệt từ 3 vạn thước Anh đến một ngọn cỏ cũng không còn, đã xuất hiện. Hải Phòng cứ nửa tiếng một lần thông báo cho nhân dân tin giặc Mỹ đánh lớn vào thành phố…
Họ im lặng nhìn nhau và nhìn lên trời đêm. Những tiếng rú rít của phi cơ Mỹ tít trên trời cao ù ù như cối xay không dứt. Mỹ đã huy động tổng lực và lực lượng vũ trang thành phố biển cũng nổ súng, phóng tên lửa đánh trả mạnh mẽ chưa từng thấy. Cuộc đụng đầu lớn đã xảy ra, bom nổ rền không dứt. Súng, cao pháo, tên lửa đan ngang đan dọc bốn bề. Và Hải Phòng, cái tên một thành phố Việt Nam thân thiết, trước mắt họ là cả một vùng lửa cháy sáng cả một góc trời.
5.
Ngày 16.4.1972, chỉ trong một đêm, máy bay Mỹ đã ném bom phá hủy 436 ngôi nhà trong thành phố. Tagore từng viết: "Con người đã thành thú còn ác hơn thú". Trời rạng sáng, rõ dần những người dân thành phố im lặng mang những xác chết từ dưới đống đổ nát lên, thỉnh thoảng mới cứu được những người sống sót. Ngoài tiếng người Việt còn có cả tiếng người Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức… Thủy thủ các tàu quốc tế đỗ đậu tại cảng Hải Phòng đã lên bờ cáng thương và giúp đỡ những người đồng chí Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến đấu sinh tử, mất còn không phải chỉ vì đất nước riêng của họ.
Trên đường phố còn đầy dấu vết tội ác bom đạn Mỹ ấy, đoàn thủy thủ Cuba hát. Những thủy thủ - chiến sĩ Cuba hát rất to, rất cao bài ca người tình nguyện, tiếng hát căm thù, đồng cảm chia sẻ nỗi đau thương vô hạn từ trái tim, ý chí những người đồng chí của Fidel với Việt Nam: Tổ quốc hay là chết. Và họ tham gia ngay vào đoàn người hiến máu cho những người bị thương nặng đang nằm đó.
Ngày 9.5.1972, Nixon ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc Việt Nam. Những cột nước bắn tung, những trái thủy lôi, mìn điện tử được ném xuống nước từ máy bay, trực thăng, thủy phi cơ, ban ngày, ban đêm, như những trận mưa rào nặng hạt, không ngừng. Chiếc bản đồ tỉ lệ lớn của thành phố cảng được để trên bàn trong hầm trú ẩn phòng không.
Dưới ánh đèn dầu, khoảng một chục người trong đó có Phong tập hợp quanh bản đồ. Người đàn ông có tuổi, mái tóc bạc ngồi nghiêm trên ghế nở nụ cười hiền khi thấy người thủy thủ của tàu Chelyabinsk gợi ý về cách vượt qua trở ngại thủy lôi bằng các ống nhiên liệu tên lửa mà các cháu nhỏ dùng để chơi trò vượt sông: "Spasiba". Số lượng bom mìn Mỹ thả xuống phong tỏa sẽ không dừng lại như những chốt theo dõi thủy lôi rơi báo cáo.
Phải mở luồng mới ra biển, tìm bằng được một quả thủy lôi mới của Mỹ để nghiên cứu cấu tạo của nó. Ông đi đến gần Phong: "Việc cuối cùng nguy hiểm đó, đồng chí Phong đảm nhiệm. Tất nhiên đồng chí hiểu rõ, điều đó là có nghĩa như thế nào - chắc chết đến 90%". "Vâng" - Phong trả lời khẽ. Những người Soviet trong bàn họp đòi được theo Phong.
Trên một con phố Hải Phòng, người phụ nữ tóc vàng Mỹ đi chân đất, mặc quần áo thể thao, đội mũ nan, đang trèo lên chiếc thang chữa cháy để lên mảng tường vuông còn lại của ngôi nhà ba tầng. Cả thành phố là một cảnh hoang tàn, mái nhà cháy xém, vô số những tấm bêtông nham nhở ngổn ngang. Tìm được điểm cao nhất để quan sát cảnh kinh hoàng, chị buồn rầu rồi trở xuống, đi về phía chiếc xe con có hai cán bộ ngoại vụ đang đợi sẵn.
6.
Trời xẩm tối. Hàng chục chiếc tàu đứng chết lặng ở các bến cảng. Mặt biển im ắng lạ thường. Ở phao zêrô chỉ có tàu Che Guevara đứng yên tại chỗ giữa vùng thủy lôi vây bọc. Phong và người bạn Soviet chèo nhanh về phía con tàu Cuba. Họ lên boong, chào giản dị "Viva Cuba", uống với nhau mấy ly rượu rum rồi cắm cúi xem bản đồ vịnh có đánh dấu những chỗ xanh - đỏ ghi lại vị trí thủy lôi rơi.
Có một trái nằm không sâu lắm ở vạt cát hẹp, nhìn ống nhòm thấy rất rõ khi thủy triều xuống. Đêm xuống, hai người chèo nhẹ về phía vạt cát. Sau lưng, nơi đáng lẽ có ánh sáng của cảng và thành phố thì lúc này chỉ là một hố đen. Họ lên bờ cát, giấu chiếc thuyền vào bụi cây. Trời sáng nhanh, khi vừa ngụp xuống nước để trốn máy bay Mỹ bay qua thì họ thấy quả thủy lôi ngay trước mũi.
Họ thay nhau lặn, bơi xung quanh quả thủy lôi to như con trâu nước. Hết sức cẩn thận, họ vặn ra từng chiếc ốc trên thân nó. Phải rút được kíp nổ của nó đưa về đất liền. Phong chờ cho người bạn ẩn mình sau cồn cát rồi lại lặn xuống. Và Phong vọt lên. "Đây rồi", anh hét lên sung sướng.
Trái thủy lôi Mỹ to kềnh nằm giữa gian phòng nghiên cứu đặc biệt của các kỹ sư, tiến sĩ Trường Đại học Bách khoa, ngành hàng hải, hải quân Việt Nam. Nó có mũi tên đâm xuyên qua trái tim và dòng chữ Destructor (Kẻ hủy diệt). Cấu tạo bên trong quả thủy lôi Mỹ loại mới nhất này được chiếu sáng. "MK42 là thủy lôi thời Johnson, MK52 này là thủy lôi thời Nixon. Nó có bộ óc điện tử tinh vi hơn, với trên dưới 100 linh kiện bán dẫn" - Phong chỉ cho các thành viên ủy ban đặc biệt xem những cái trục nam châm nhỏ.
Một người nói: Phải chủ động làm cho thủy lôi phát nổ. Bọn Mỹ thả mỗi ngày gần 100 quả thủy lôi. Để phá được toàn bộ số này ta phải mất hàng trăm năm. Phong đứng lên: "Trong khi chờ đợi những biện pháp tối ưu, ta phải dọn đường phá vây cho tàu chở hàng Che Guevara vào cảng. Và mở đường cho các hạm tàu chiến đấu vận chuyển vũ khí cùng các mặt hàng khác cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi đã nhận được những lá đơn tình nguyện".
Vị lãnh đạo cao nhất trong cuộc họp nói ngay: "Anh lựa chọn những người tình nguyện đi. Anh Phong chỉ huy chiến dịch phá thủy lôi mở luồng đặc biệt này. Kẻ thù đã thay đổi, hoàn thiện kỹ thuật giết người từng tháng. Chúng ta không có con đường nào khác là phải đánh thắng về khoa học kỹ thuật, ai sẽ thắng ai tôi nghĩ rằng không cần đến 100 năm".
Cái bến sông bí ẩn ấy tràn đầy không khí nghiêm trang chưa từng thấy. Dưới lưới ngụy trang, một hạm tàu 20 chiếc đậu san sát, mỗi con tàu đều lắp máy từ tính có cái cần dài nghêu vươn ra trước nom rất kỳ dị. 100 chiến sĩ tình nguyện đi phá lôi mở thông đường ra biển cả đều đã để lại địa chỉ cha mẹ vợ con, thư nhắn nhủ, vật lưu niệm. Có lẽ chỉ trừ có Phong và đồng chí chủ nhiệm công trình mang mật danh GK2, không thể phân biệt được họ từ cơ quan đơn vị nào, tất cả đều cởi trần mặc quần đùi, đầu ngực đeo kín phao cứu sinh loại mới sáng chế. Nom họ như những nhà du hành với nụ cười tươi trẻ.
Phong đứng cuối cùng, anh kín đáo nhìn những người thân ra tiễn, rồi nhìn mặt trời đỏ rực lên ở đường chân trời. Hoàng hôn, ánh nắng cuối cùng sáng hồng trên thành phố, đã đến giờ xuất phát. Phong nói to: "Tất cả! Vào hàng!"…
-------
Tôi gấp lại tập bản thảo còn đang đọc dở, hẳn rằng nó đã được thai nghén từ khi mình còn chưa có mặt trên đời. Những trích dẫn trên đây, đôi chỗ có thể đã được nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ điện ảnh, nhưng xương sống của nó là sự thật. Bởi nhân vật Phong trong truyện phim này hoàn toàn có thật ở trên đời. Ông, Nguyễn Thái Phong, đã tham chiến cùng đồng đội như những người cảm tử gan dạ nhất và hiện vẫn đang sống tại thành phố Hoa Phượng Đỏ. Nay ông đưa tận tay tôi tập "Ký sự Bất Diệt" này, một kỷ vật của đời mà ông đã giữ gìn hơn bốn chục năm qua. "Ký sự Bất Diệt" đã được dựng thành phim và ra mắt năm 1985 với cái tên mới hẳn rằng rất nhiều người nhớ: "Tọa độ chết".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/toa-do-chet-ky-su-bat-diet-179220723224746023.htm