Tổ công nghệ số cộng đồng - tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số

11:38 - 19/06/2023

Sau hơn 1 năm triển khai tại các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn băn số 2251/BTTTT-CĐSQG tổng kết thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng và định hướng triển khai năm 2023.

63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố

Ngày 5/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

Trong hơn 1 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng, dần hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Kết quả cụ thể như sau:

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 tổ công nghệ số cộng đồng và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Tổ công nghệ số cộng đồng - tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân các kỹ năng số. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông

Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có khoảng 4 đến 9 thành viên, trong đó tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, ban chấp hành Đoàn Thanh niên các chi đoàn, đoàn cơ sở và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, trong tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương, doanh nghiệp công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với sự hỗ trợ của mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: ứng dụng định danh điện tử VNeID, nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, các nền tảng thanh toán, tuyển sinh trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa,...

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trước đây và chuyển đổi số hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. 

Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Tổ công nghệ số cộng đồng mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số trong tương lai.

Tiếp tục thúc đẩy hoạt động của mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy hoạt động mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về chuyển đổi số tại địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các hoạt động hướng đến tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động. Cụ thể:

- Cập nhật, bổ sung khóa học về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs);

- Cập nhật, bổ sung khóa học về kỹ năng Tổ công nghệ số cộng đồng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs);

- Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng: phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo;

- Tôn vinh, khen thưởng các địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng;

- Hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng đối với các địa phương có nhu cầu.

Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) là 1 trong 35 nền tảng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy trong Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/2/2022.

Nền tảng được xây dựng để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao cho người dân theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm công dân số. Việc triển khai nền tảng giúp người dân có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/to-cong-nghe-so-cong-dong-tien-de-cho-nhung-ket-qua-dot-pha-ve-chuyen-doi-so-179230619111134242.htm