Tổ chức Giáng sinh trong trường học có vi phạm Luật Giáo dục?
Gần đây, xuất hiện ý kiến cho rằng việc tổ chức Giáng sinh trong trường học là vi phạm Luật Giáo dục năm 2019. Cũng có một số quan điểm phản đối, khẳng định hoạt động này là bình thường, chỉ mang tính chất giao thoa văn hóa.
Dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới đang cận kề. Dịp này, nhiều trường học trên cả nước đang có những hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ này như trang trí lớp học, tạo hình cây thông Noel, tặng quà học sinh hay bài giảng tiếng Anh về chủ đề Noel…
Điều 20 của Luật Giáo dục 2019 nêu: "Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân".
Gần đây, xuất hiện ý kiến cho rằng việc tổ chức các sự kiện chào đón Giáng sinh và năm mới trong trường học là vi phạm Luật Giáo dục năm 2019. Bởi lễ Giáng sinh là ngày lễ mang tính chất tôn giáo, việc đưa ngày lễ này vào trường học giống như một hình thức truyền bá tôn giáo.
Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm cho rằng, hoạt động này là bình thường, chỉ mang tính chất giao thoa văn hóa, là một dịp để học sinh vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Về cơ bản, ngày lễ Giáng sinh, đón năm mới cũng giống như các ngày lễ văn hóa như rằm trung thu, rằm tháng giêng...
Không nên quá nặng nề về khía cạnh tôn giáo
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, không nên quá nặng nề, xét nét về khía cạnh tôn giáo khi tổ chức Giáng sinh trong trường học.
"Đạo Phật có Lễ Vu lan báo hiếu với việc truyền bá những ca khúc và những biểu tượng như hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ với ý nhân văn tốt đẹp. Nhân dịp lễ này, chúng ta dạy con trẻ về sự hiếu thảo với bố mẹ thì có phải là vi phạm Luật Giáo dục?", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du lập luận.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Giáng sinh là một dịp lễ lớn trên toàn cầu và được nhiều quốc gia đón nhận. Trong quá trình hội nhập văn hóa thì các trường học, hoặc tổ chức sinh viên có thể cân nhắc tổ chức ngày này sao cho phù hợp với điều kiện của mình.
"Chúng ta không mang các bài kinh đến giảng trong nhà trường, chúng ta cũng không mời người mặc trang phục điển hình của tôn giáo nào đó đến giảng, hay sử dụng những sản phẩm âm nhạc, hình ảnh mang nặng tính tôn giáo thì không đáng lo ngại", Hiệu trưởng này chia sẻ.
Trước thông tin báo chí phản ánh gần đây về một trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi kế hoạch tổ chức Giáng sinh với hình thức tặng quà cho học sinh từ kinh phí đóng góp của phụ huynh, thầy Huỳnh Thanh Phú nêu quan điểm: "Việc huy động nguồn xã hội hóa để tặng quà đến các học sinh là việc đáng được khuyến khích, bởi chúng đem lại niềm vui không chỉ cho các em theo tôn giáo. Tuy nhiên, vấn đề là nhà trường đã vận động tất cả phụ huynh tham gia đóng góp để tổ chức. Điều này khiến những bậc cha mẹ không theo đạo bức xúc" dẫn đến nhiều ý kiến.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng thực hiện đón Giáng sinh trong trường học chỉ nên dừng lại ở việc trang trí lớp học, có background (phông nền) đằng sau để học sinh chụp ảnh, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ với những ca khúc có ý nghĩa trong sáng, chào đón năm mới, từng được phát trên đài truyền hình Quốc gia như Jingle Bells, We Wish You a Merry Chrismas… Những hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu hơn về một ngày lễ đặc biệt ở nhiều quốc gia, và có thêm kỷ niệm đẹp với trường, với lớp.
"Cái gì thuộc về tôn giáo thì chúng ta không đưa vào trong nhà trường. Đất nước ta tôn trọng tất cả các tôn giáo hợp pháp, còn việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ mà rơi vào các ngày lễ hội của các tôn giáo thì các nhà trường cần cân nhắc nếu tổ chức, để đảm bảo sự trong sáng, phù hợp với môi trường học đường", thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.
Tổ chức Lễ Giáng sinh hướng đến giáo dục nhận thức văn hóa công dân toàn cầu
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Chính phủ Việt Nam cho phép tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Ngày Lễ Giáng sinh là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như Công giáo, Tin lành, được du nhập vào Việt Nam cùng nhiều lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa như Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành, lễ kỷ niệm Ngày khai đạo của đạo Cao Đài, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo…
Đây đều được xem như những cơ hội để làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân. Qua đó, giúp những người theo đạo hay không theo đạo cũng có dịp hiểu và đoàn kết với nhau hơn.
Chính vì vậy, Lễ Giáng sinh nếu được tổ chức trong các trường học hiện nay cũng là một cách thức để giáo dục giá trị, giáo dục nhận thức văn hóa công dân toàn cầu cho các em.
Các hình thức tổ chức như hoạt động trao quà của ông già Noel, hoạt động trang trí cây thông Noel là phù hợp, ngoại trừ có những hành động lan truyền mê tín dị đoan.
"Chúng ta phải rất cẩn trọng với những thế lực thù địch luôn muốn xuyên tạc về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về chính sách đảm bảo quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/to-chuc-giang-sinh-trong-truong-hoc-co-vi-pham-luat-giao-duc-179221223162652967.htm